.

Văn minh thương mại: Nhìn từ thị trường bán lẻ

Thứ Năm, 04/09/2014, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cộng với thu nhập của người dân dần được cải thiện chính là điều kiện để các hoạt động thương mại, nhất là thị trường bán lẻ phát triển. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ đang từng bước thay đổi phương thức phục vụ nhằm góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh văn minh...

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên thị trường tỉnh ta có khoảng hơn 2.220 cửa hàng bán lẻ, dịch vụ thương mại. Trong đó tỉ lệ hộ kinh doanh theo hướng hiện đại ngày càng tăng. Từ mạng lưới chợ truyền thống đến hệ thống các siêu thị mini, cửa hàng hiện đại... tất cả đang tạo thành một thị trường bán lẻ sôi động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên tất cả các mặt hàng.

Có thể thấy, tính văn minh hiện đại trong thị trường bán lẻ được thể hiện rõ nhất qua hệ thống siêu thị với phương thức kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp. Báo cáo từ Sở Công thương cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 4 doanh nghiệp đầu mối, 1 trung tâm thương mại và 10 siêu thị đang hoạt động. Với mục tiêu xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, các siêu thị đều chú trọng đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Cùng với việc ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá bán được niêm yết công khai, phương thức thanh toán nhanh chóng, hiện đại..., hệ thống siêu thị và các cửa hàng hiện đại đang tạo ra sự tiện lợi, mang đến niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh sự bảo đảm về chất lượng sản phẩm, việc xây dựng văn minh thương mại còn là các chính sách ưu đãi, khuyến mại, giảm giá của các nhà cung cấp dịch vụ; đồng thời còn là việc các doanh nghiệp chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc, hậu đãi khách hàng...

Năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta đạt 7.989 tỷ đồng nhưng đến năm 2013 con số này đã tăng lên 12.954 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã đạt 6.102 tỷ đồng. Rõ ràng những con số trên đang cho thấy tiềm năng không nhỏ của thị trường bán lẻ chuyên nghiệp khi hiện nay người dân tìm đến những trung tâm mua sắm ngày càng tăng.

Cùng với sự phát triển của phương thức kinh doanh hiện đại đang mang lại lợi ích cho người dân thì mạng lưới chợ truyền thống với sự phát triển xứng tầm vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương mại bởi đây không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi thể hiện được giá trị văn hóa lâu đời của người Việt.

Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 149 chợ, trong đó có 5 chợ hạng I, 24 chợ hạng II và 111 chợ hạng III. Tuy nhiên, để không bị "lép vế" trong cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ và hơn cả là để thích ứng với điều kiện kinh tế hiện nay, hệ thống chợ truyền thống cần có sự thay đổi nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Với phương thức thanh toán nhanh chóng, hiện đại, hệ thống siêu thị đang tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng.
Với phương thức thanh toán nhanh chóng, hiện đại, hệ thống siêu thị đang tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng.

Cũng vì lẽ đó, chỉ riêng trên địa bàn TP.Đồng Hới, từ năm 2011 UBND thành phố đã có quyết định về việc ban hành Đề án tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống chợ TP. Đồng Hới đến năm 2015. Mục tiêu hình thành được hệ thống mạng lưới chợ với quy mô khác nhau phù hợp với dung lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn, góp phần phát triển sản xuất và đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, trong đó chú trọng phát triển chợ ở những vùng xa trung tâm thành phố.

Phát triển các chợ đầu mối theo ngành hàng, đặc biệt là các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở những vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thủy sản. Mục tiêu đến năm 2017, thành phố có 17 chợ, trong đó có 2 chợ bảo đảm tiêu chuẩn loại I đóng vai trò đầu mối thu hút và tập trung lượng hàng hóa lớn để tiếp tục phân phối tới các chợ và kênh lưu thông khác trên địa bàn; 2 chợ loại II và 13 chợ loại III do UBND các xã phường quản lý; 100% chợ bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản phục vụ hoạt động như: đình chợ, hệ thống cấp thoát nước, bãi giữ xe, khu vệ sinh...

Phát triển hệ thống chợ truyền thống đồng bộ với quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác, bảo đảm vệ sinh môi trường; bố trí đầy đủ mặt bằng phạm vi chợ theo quy định cho các chợ đầu mối, các chợ có đối tượng phục vụ nhiều. Cùng với đó, một tín hiệu đáng mừng nữa là nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi cách thức quản lý, tích cực thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động của chợ nhằm góp phần xây dựng văn minh thương mại.

Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Đồng Hới là một trong những địa điểm mà nhiều du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Quảng Bình. Nắm bắt được tâm lý đó, Ban quản lý chợ đã có nhiều biện pháp nhằm xây dựng tác phong kinh doanh văn minh, lành mạnh như: đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, văn minh thương mại, quản lý dịch bệnh luôn phải được bảo đảm... Bản thân các tiểu thương của chợ đã có nhận thức đúng đắn hơn trong việc thực hiện văn minh thương mại, thay đổi phương thức bán hàng, quầy sạp theo hướng văn minh hơn để làm hài lòng người tiêu dùng.

Để thu hút khách hàng đến với hệ thống chợ truyền thống, Ban quản lý chợ Đồng Hới thường xuyên nhắc nhở các hộ tiểu thương tại 6 chợ trên địa bàn do mình quản lý kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh; tránh lối làm ăn thiển cận, chụp giật và đặc biệt là phải ứng xử có văn hóa trong kinh doanh, tích cực xây dựng văn minh thương mại.

Ông Phan Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Cùng với hệ thống chợ truyền thống đã đưa vào sử dụng có hiệu quả phục vụ nhân dân và du khách thì tỉnh ta cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và phát triển nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn.

Trong đó có Dự án siêu thị Co.opmart Quảng Bình với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng dự kiến sẽ khánh thành và đi vào hoạt động vào tháng 9-2015. Đây là các công trình mang tính chất điểm nhấn được đầu tư xây dựng, góp phần hình thành chuỗi tổ hợp đa năng gồm hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, trung tâm mua sắm đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và du khách khi đến với Quảng Bình.

Thị trường thời kỳ hội nhập được điều tiết bởi điều luật khắt khe, tiêu chuẩn rõ ràng trong khi yêu cầu của khách hàng ngày càng chặt chẽ. Để tồn tại trong điều kiện mới, các đơn vị kinh doanh phải nhanh chóng thích ứng và biết tự điều chỉnh để phù hợp với xu thế của thị trường. Bản thân người bán hàng cần phải giữ “chữ tín”, ứng xử có văn hóa trong kinh doanh, tích cực xây dựng văn minh thương mại. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là khi thị trường bán lẻ ngày càng chuyên nghiệp hóa thì công tác quản lý theo đó cũng cần được tăng cường nhằm tạo dựng môi trường an toàn cho người dân khi mua sắm.

Thanh Hải