.

Xây dựng nông thôn mới ở Tân Thủy (Lệ Thủy): Cần nhìn thẳng vào sự thật để có sự điều chỉnh phù hợp!

Thứ Tư, 06/08/2014, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tuần qua, vấn đề đóng góp xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy) đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài tỉnh thông qua thông tin trên một số tờ báo. Qua tìm hiểu vấn đề này cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được đáng mừng thì việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Tân Thủy cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, chưa hợp lý ở trên nhiều khía cạnh.

Không phủ nhận thành tích

Tân Thuỷ là xã xếp vào hàng trung bình của Lệ Thuỷ, khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM Tân Thuỷ chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Sau 3 năm nỗ lực Tân Thuỷ đã hoàn thành được thêm 5 tiêu chí, đến nay đạt 14/19 tiêu chí, là một trong 8 xã điểm của huyện về XDNTM. Nói như vậy để thấy rằng có được kết quả đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là cả một quá trình phấn đấu của tập thể lãnh đạo xã, các thôn và nhất là sự tham gia tích cực hưởng ứng của người dân. 

Những ngày này trở lại Tân Thuỷ, chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn mới ở xã đã được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao...

Điều đáng ghi nhận nữa là phong trào hiến đất, hiến tài sản để XDNTM ở Tân Thuỷ đạt kết quả rất tốt. Trong 3 năm, toàn xã có 741 hộ hiến đất, với tổng diện tích 55.340m2, trị giá ước khoảng 2,1 tỷ đồng. Trong đó có 6 hộ dân tự nguyện hiến 6 cái cổng vào nhà trị giá 67 triệu đồng và hiến 342m hàng rào xây kiên cố trị giá 370 triệu đồng.

Ngoài ra, người dân tự nguyện hiến 21.643 cây các loại trị giá 846 triệu đồng, hiến tài sản khác 542 triệu đồng. Đặc biệt, người dân trong xã đã đóng góp 6.999 ngày công, quy thành tiền 575 triệu đồng; đóng góp 644 triệu đồng tiền mặt...Tổng giá trị mà người dân hiến và đóng góp được 5.086 triệu đồng để XDNTM. Thành tích mà Tân Thuỷ đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đáng ghi nhận. 

Trụ sở UBND xã Tân Thuỷ được xây dựng khang trang.
Trụ sở UBND xã Tân Thuỷ được xây dựng khang trang.

Tiếc rằng, trong việc huy động đóng góp của nhân dân, nếu như lãnh đạo địa phương có sự hiểu biết thấu đáo hơn, đừng cứng nhắc, rập khuôn, cào bằng mà cần quan tâm hơn đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên cơ sở để sự tự nguyện của các hộ gia đình bảo đảm an sinh xã hội thì đã không để xảy ra những điều tai tiếng như vừa qua.

Xem nhẹ nguyên tắc tự nguyện

Điều đáng tiếc là trong lúc tuyệt đại đa số người dân tích cực hiến đất hiến tài sản, hăng hái XDNTM như đã nêu ở trên thì ngược lại một số cán bộ thôn để xảy ra việc thu tiền đóng góp của một số hộ neo đơn, cơ nhỡ, đối tượng xã hội theo dạng "cào bằng", tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng công lao to lớn mà tập thể cán bộ nhân dân trong xã tạo dựng từ phong trào XDNTM trong 3 năm qua.

Hơn ai hết cán bộ xã, cán bộ thôn ở Tân Thuỷ đều biết rõ: XDNTM có mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó càng thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa nhân dân và chính quyền. Tuy nhiên, cách thức triển khai thực hiện ở một số thôn trong xã này đã bộc lộ những điều không hợp lý, thậm chí là không có tình, gây phản cảm mà một số tờ báo đã phản ánh, chúng tôi xin không đề cập lại.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010-2020 nêu rõ: Nguồn vốn thực hiện chương trình gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp và cuối cùng là huy động đóng góp của cộng đồng dân cư.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày 15-7-2014, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tại khoản b mục 3 ghi rõ: "Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp không được huy động quá sức dân".

Vấn đề huy động nội lực, sức đóng góp của nhân dân để XDNTM phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của nhân dân và được HĐND xã thông qua; đồng thời xem xét giảm mức đóng góp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đặc biệt để bảo đảm an sinh xã hội; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc; đóng góp cào bằng, bình quân hộ, khẩu, gây khó khăn cho một số hộ gia đình và không được huy động quá sức dân.

Được biết mức thu tiền đóng góp ở xã Tân Thủy so với các nơi khác trong huyện là không cao, song cách làm của chính quyền địa phương chưa hợp lý. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM và Chỉ thị số 18/CT-TTg  nói trên, có thể hiểu không riêng gì những người tàn tật hay người bị nhiễm chất độc da cam, hoặc bất cứ người dân nào cũng không thuộc đối tượng bị bắt buộc đóng góp trong chương trình XDNTM. Và ngay cả với người bình thường mà không có khả năng tài chính nhưng vẫn bắt buộc đóng góp cũng đã là vi phạm chủ trương rồi.

Vì vậy, lẽ ra các trường hợp khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt như nói trên có thể miễn, giảm thì địa phương vẫn buộc họ phải nộp nên không nhận được sự đồng tình của người dân. Đáng nói hơn khi một số trưởng thôn, một số đại diện đoàn hội có ý kiến miễn hoặc giảm cho các đối tượng khó khăn, chất độc da cam, già cả neo đơn...nhưng lãnh đạo thôn, xã không tiếp thu để có sự điều chỉnh cho hợp lý mà thực hiện một cách cứng nhắc khi cho rằng không có văn bản nào hướng dẫn miễn giảm các trường hợp này nên cứ thế mà làm?. Việc làm này đã dẫn đến tình trạng người dân bức xúc cho rằng làm như vậy là thiếu tính nhân văn, thiếu tình người và vấn đề an sinh xã hội không được coi trọng.

Một tuyến đường bê tông được xây dựng ở Tân Thuỷ.
Một tuyến đường bê tông được xây dựng ở Tân Thuỷ.

Đáng buồn là một nguyên tắc quan trọng của XDNTM mà mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết rõ để thực hiện đó là nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận đã bị bỏ qua. Qua một số vấn đề nói trên có thể thấy cách làm ở xã Tân Thủy rất cứng nhắc, không linh hoạt và chưa thấm nhuần được nội dung cơ bản về XDNTM của Chính phủ.

Thấy sai, phải sửa

Tạm kết thúc bài viết này, xin trích lời của một cán bộ hưu trí ở xã Tân Thủy tâm sự với chúng tôi, đáng để cho cán bộ địa phương suy ngẫm: Phong trào XDNTM ở xã Tân Thủy bị mất hình ảnh không phải do người dân nghèo, cũng không phải do người dân chậm nộp, cũng không phải do người dân kể với báo chí, mà vì cách thức nộp cào bằng, người nằm ốm cũng nộp, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng xã hội cũng nộp.

Hình ảnh nông thôn mới ở đây bị tổn thương là do cách làm áp đặt cá nhân của một số lãnh đạo cơ sở, từ đó mà phong trào vốn do dân làm chủ thể đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Cách làm của xã, thôn như vậy thì mục tiêu XDNTM xem ra khó lòng đạt được trọn vẹn và khó duy trì bền lâu. XDNTM trước hết phải được xuất phát từ cái tâm của người cán bộ cơ sở, chứ không phải là việc làm cứng nhắc và cố chạy theo thành tích, tiến độ bằng mọi giá.

Vấn đề mà Tân thuỷ cần làm bây giờ là rà soát lại quy trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, khắc phục ngay những thiếu sót mà dư luận báo chí nêu. Nếu thực sự thấy sai sót thì nhận khuyết điểm, lấy lại lòng tin với dân để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về XDNTM đã đề ra. Có làm thì có thể có sai và nếu có sai thì mạnh dạn biết sửa chữa. Chứ không nên tập trung vào biện pháp đối phó với dư luận, gây căng thẳng với những người đã cung cấp thông tin cho báo chí.

Hy vọng rằng, bài học này ở Tân Thủy sẽ có tác dụng hữu ích cho các địa phương trong tỉnh khi chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.

Trọng Thái-Đức Thành