.

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút dự án

Thứ Bảy, 09/08/2014, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, Quảng Bình đã có nhiều cố gắng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút dự án song kết quả còn khá khiêm tốn. Năm 2014, với cách làm mới là liên kết với nhà tài trợ vốn (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) để mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, nên đã thu hút được nhiều dự án quan trọng.

Tiềm năng, thế mạnh chưa được “đánh thức”

Thực ra, chuyện kêu gọi đầu tư vào Quảng Bình không mới, đã được nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh thực hiện nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Thậm chí, đã có trường hợp, tỉnh phải ngậm ngùi nhận “quả đắng” do nhà đầu tư thiếu năng lực, tâm huyết để lại.

Trong hơn 10 năm qua, tỉnh đã chấp thuận chủ trương và thực hiện đầu tư 158 dự án, với số vốn đăng ký gần 79 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho rằng, số dự án trên chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân hoạt động xúc tiến đầu chưa bài bản, thiếu kết nối giữa chính quyền với nhà tài trợ vốn và nhà đầu tư.

Nhận thấy vấn đề cốt lõi đó nên lãnh đạo tỉnh đã có cách làm mới trong thu hút đầu tư. Trước hết là đẩy mạnh quảng bá, cung cấp thông tin rộng rãi cho nhà đầu tư. Quảng Bình còn nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư: nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, có quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Tháilan và Myanmar qua cặp Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Nà Phàu.

Hàng hoá và phương tiện qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tăng trên 30%/năm
Hàng hoá và phương tiện qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tăng trên 30%/năm.

Đây là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Tháilan và Myanmar, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại với các nước trong khu vực. Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển thuận lợi không phải tỉnh nào cũng có được.

Trong đó tiềm năng lớn nhất của tỉnh là du lịch, trong đó nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 120.000ha với bạt ngàn rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học cao, gần 300 hang động hình thành cách đây 400 triệu năm. Mới đây, chuyên mục du lịch của tờ The New York Times (Mỹ) đã bình chọn Quảng Bình đứng thứ tám trong top 52 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh và là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2014. 

Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà trong lần gặp mặt các nhà đầu tư đã ví von rằng: “Các dự án ở Quảng Bình như những cô gái đẹp, không dễ có phần cho các chàng trai đến muộn”.

Bắt tay ngân hàng, chọn nhà đầu tư

Những năm trước số lượng dự án đăng ký nhiều nhưng thực sự triển khai và đi vào hoạt động chẳng bao nhiêu, thậm chí để lại nhiều hệ lụy cho người dân trong khu vực có dự án. Nói cách khác, công tác xúc tiến đầu tư trước đây của tỉnh đang chạy theo số lượng, hiệu quả không cao. Nay thì khác, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là nhờ nhà tài trợ vốn Ngân hàng BIDV giới thiệu nhà đầu tư, thông qua ngân hàng để chọn doanh nghiệp. Cách làm này đã được lãnh đạo BIDV ủng hộ.

Đầu năm 2014, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đứng ra tổ chức kết nối các nhà đầu tư với tỉnh Quảng Bình. Là đơn vị nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng BIDV thường tổ chức xúc tiến đầu tư cho một vùng, hoặc một địa phương lớn, còn với một tỉnh nhỏ và khó khăn như Quảng Bình thì đây là lần đầu tiên BIDV hỗ trợ.

Qua kết nối của lãnh đạo BIDV, tỉnh Quảng Bình chủ động tổ chức đoàn đến học tập kinh nghiệm kêu gọi đầu tư của thành phố Đà Nẵng, qua đó nhờ giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh đến với địa phương. Tỉnh đã tổ chức hội thảo mi ni "Gặp gỡ với các nhà đầu tư tiềm năng" tại Hà Nội. BIDV tổ chức một đoàn gồm năm tập đoàn, tổng công ty “có máu mặt” đến khảo sát, tìm hiểu các dự án đầu tư tại Quảng Bình.

Từ "trực quan sinh động" về tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến ý thức trân trọng, nhiệt huyết với nhà đầu tư của chính quyền địa phương đã “níu chân” các tập đoàn và doanh nghiệp đến khảo sát. Từ những bước đi đúng hướng và thuyết phục đó, đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Quảng Bình và BIDV tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần thứ nhất với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và hơn 200 doanh nghiệp trong cả nước.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một điểm du lịch rất hấp dẫn.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một điểm du lịch rất hấp dẫn.

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn hơn 8.500 tỷ đồng, ký năm biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức vốn 7.000 tỷ đồng và 200 triệu USD. Trong 13 dự án được cấp chứng nhận đầu tư thì Sun Group có hai dự án là quần thể Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh-Hải Ninh với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Phó chủ tịch Sun Group Trần Minh Sơn cho biết, các mức hỗ trợ ưu đãi của tỉnh Quảng Bình rất hấp dẫn và rất tốt. Tập đoàn đã khảo sát về phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng và quyết định đầu tư tại đây hai dự án lớn, hứa hẹn làm nên một Bà Nà Hill tại Quảng Bình. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Duy Hạnh chia sẻ, từ thành công của dự án may Hà Quảng tại Quảng Bình, Tập đoàn quyết định thực hiện các dự án dệt may và đề nghị tỉnh tạo điều kiện về đất đai, ít nhất 500ha để đầu tư thí điểm vùng nguyên liệu bông theo công nghệ của Israel.

Trước mắt, Tập đoàn thực hiện ba dự án dệt may có mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, là nhà máy may xuất khẩu tại thị xã Ba Đồn, nhà máy sợi và nhà máy may tại huyện Quảng Ninh.

Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú cho biết, Ngân hàng cam kết đồng hành với các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình. Không chỉ rót vốn, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu mà suốt trong quá trình sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài thì khẳng định: “Ngoài những cơ chế ưu đãi chung của Chính phủ, tỉnh còn có một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác như nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai; được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động...”.

Gắn trách nhiệm với nhà đầu tư

Ngoài các tập đoàn, doanh nghiệp nói trên, hiện nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn và cam kết đầu tư vào Quảng Bình. Đó là Tập đoàn FLC chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Hòn La II, VietJet Air khảo sát để mở đường bay đến Quảng Bình, Tổng công ty bia rượu Hà Nội cam kết nâng công suất nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng khu đô thị Bảo Ninh. Một số tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc đang thăm dò khả năng đầu tư trong lĩnh vực nhiệt điện, du lịch tại Quảng Bình.

Khu đất vàng Bảo Ninh, đang mời gọi đầu tư.
Khu đất vàng Bảo Ninh, đang mời gọi đầu tư.

Giữa tháng 4-2014, UBND tỉnh thành lập tổ công tác hỗ trợ các dự án đầu tư của Sun Group và Tập đoàn Dệt May Việt Nam trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và trực tiếp xử lý, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mỗi ngành có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho dự án thuộc lĩnh vực mà ngành mình phụ trách, nửa tháng báo cáo tiến độ một lần, mỗi tháng, UBND tỉnh tổ chức giao ban với các ngành để soát xét lại hoạt động của các nhà đầu tư, tiến độ của dự án.

Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phạm Văn Năm cho biết, trong số 18 dự án được cấp phép đầu tư và đăng ký đầu tư đến tháng 4-2014 thì có bảy dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và khu kinh tế thì tất cả đều chuyển động rất tích cực.

Hiện một trong 5 dự án đầu tư trong nước đã đi vào hoạt động, là dự án xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện xây dựng số 1 của Tập đoàn Sơn Hải tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới. Hai dự án FDI cũng đang được nhà đầu tư thực hiện các khâu về mặt thủ tục. Dự án phát triển hệ thống Logicstic tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo của Công ty TNHH Linfor Logicstic Việt Nam hiện đang làm các thủ tục để triển khai thi công công trình.

Riêng với dự án xây dựng kho và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La (Quảng Bình) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) của Công ty CP Lào Petro, là dự án lớn (200 triệu USD, tương đương 4.200 tỷ đồng) đã được Chính phủ Việt Nam thống nhất chủ trương đầu tư, hiện đang thực hiện các bước tiếp theo.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Kỳ cho rằng, cái yếu nhất của tỉnh hiện nay là thiếu sản phẩm du lịch và cơ sở lưu trú. Việc thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có Tập đoàn Sun Group trong tương lai, ngành Du lịch Quảng Bình sẽ “cất cánh”. Ngày 19-7, Sun Group đã trình bày phương án về thực hiện các dự án tại Quảng Bình.

Tuy nhiên, để việc thu hút đầu tư vào Quảng Bình có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thì tỉnh cần đơn giản hóa hơn nữa về mặt thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai.

Trọng Thái