.

Thực trạng quản lý vốn trong doanh nghiệp nhà nước

Thứ Hai, 11/08/2014, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau thời gian chuyển đổi, sắp xếp hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý. Các doanh nghiệp này được nhà nước giao quản lý một nguồn vốn và tài sản đất đai rất lớn, nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Đâu là nguyên nhân?

Quản lý nguồn vốn lớn

Trong 11 doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý có 9 công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và 2 công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (Công ty LCN Long Đại, Công ty Việt Trung, Công ty Lệ Ninh, Công ty LCN Bắc Quảng Bình, Công ty Khai thác công trình thủy lợi); 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Công ty Xổ số kiến thiết); 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông (Công ty Đường sông, Công ty CP sửa chữa Đường bộ I, II); 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (Công ty Môi trường và phát triển đô thị, Công ty Cấp thoát nước).

Các doanh nghiệp nhà nước này được giao quản lý nguồn vốn và tài sản của nhà nước khá lớn và được bổ sung qua hàng năm. Nếu như năm 2011, tổng vốn chủ sở hữu tại 11 doanh nghiệp nhà nước là 954,74 tỷ đồng, thì đến năm 2013 có 1.522,59 tỷ đồng, tăng 59,5%.

Ngoài ra, vốn điều lệ tại các doanh nghiệp sau 3 năm đã tăng 39,4% so với mức vốn phê duyệt ban đầu, từ 518,05 tỷ đồng (năm 2011), đến nay đạt 722,2 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng do doanh nghiệp tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế và một phần từ nguồn ngân sách phân bổ.

XN chăn nuôi của Công ty Lệ Ninh hiệu quả thấp.
XN chăn nuôi của Công ty Lệ Ninh hiệu quả thấp.

Các doanh nghiệp có tài sản cố định tăng trưởng nhanh, như: Công ty Khai thác công trình thủy lợi tăng 464,78 tỷ đồng (153%), Công ty LCN Long Đại tăng 70,89 tỷ đồng (86,4%), Công ty Việt Trung tăng 44,61 tỷ đồng (35,6%). Vốn đầu tư tài sản cố định tăng thêm của các doanh nghiệp này chủ yếu từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn vốn vay, bao gồm cả vay ODA, vay ngân hàng và vay CBCNV.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được giao quản lý một diện tích đất khá lớn với 138.513 ha; gồm 135.417 ha đất lâm nghiệp (chiếm 21,12% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh), 2.974 ha đất nông nghiệp và 121 ha đất phi nông nghiệp.

Ba năm qua mặc dầu nằm trong tình trạng chung của suy giảm kinh tế, nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển, bổ sung vốn cho các doanh nghiệp 137 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 127,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 9,6 tỷ đồng). Cụ thể: nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2011-2013, Dự án hệ thống đường lâm nghiệp phòng chống cháy rừng khẩn cấp khu vực rừng phòng hộ Long Đại cho Công ty LCN Long Đại 21.350 triệu đồng và Công ty LCN Bắc Quảng Bình 6 tỷ đồng.

Trung ương hỗ trợ kinh phí từ Chương trình bảo vệ phát triển rừng cho Công ty LCN Long Đại 3.124 triệu đồng; Công ty LCN Bắc Quảng Bình 1.811 triệu đồng. Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường khắc phục ngập úng hai bên sông Cầu Rào, khu vực trung tâm TP. Đồng Hới, đã bố trí vốn đến năm 2013 là 95.050 triệu đồng cho Công ty Môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Công ty Môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình để đầu tư vào công trình công cộng từ năm 2011-2013 là 9.590 triệu đồng; bổ sung thêm vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp (Công ty Môi trường và phát triển đô thị 2 tỷ đồng, Công ty Xổ số kiến thiết 3,5 tỷ đồng).

Hiệu quả thấp

Nguồn vốn và tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp lớn như vậy, nhưng hiệu quả mang lại còn rất khiêm tốn. Điều này thể hiện rõ nét nhất là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hằng năm của tất cả các doanh nghiệp có xu hướng giảm dần. Cụ thể tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn năm 2011 là 12,08%; năm 2012 tỷ suất này giảm còn 7,12%, đến năm 2013 giảm sâu chỉ đạt 1,6%.

Qua báo cáo của các doanh nghiệp không có đơn vị nào làm ăn thua lỗ, nhưng lợi nhuận mà các doanh nghiệp đạt được đang giảm mạnh. Cụ thể là, tổng lợi nhuận năm 2011 của các doanh nghiệp là 115 tỷ đồng, năm 2012 giảm xuống 73 tỷ đồng và năm 2013 chỉ còn 24 tỷ đồng (đạt 37,03% của kế hoạch). Các doanh nghiệp công ích và dịch vụ hoạt động mang tính chất phục vụ là chủ yếu, lợi nhuận không nhiều.

Việc đóng góp nghĩa vụ ngân sách của các doanh nghiệp 3 năm qua cũng sụt giảm đáng kể. Cụ thể là, tổng số nộp ngân sách năm 2011 của các doanh nghiệp là 90 tỷ đồng; năm 2012 là 63 tỷ đồng; năm 2013 là 70 tỷ đồng, chỉ đạt 84,5% kế hoạch tỉnh giao. Trong khi đó, chỉ riêng Công ty cổ phần Bia Hà Nội-Quảng Bình, chỉ có 100 tỷ đồng vốn sở hữu, mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách 75 tỷ đồng, tương đương với toàn bộ số tiền các doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách!

Năng lực quản lý yếu   

Lý giải vấn đề này, theo ông Võ Minh Doang, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh thì có nhiều nguyên nhân làm giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; trong đó có 2 nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp gặp khó khăn về thị trường và giá cả; chủ yếu là do các mặt hàng xuất khẩu như mủ cao su, nhựa thông, dăm gỗ,...giảm giá, chi phí quản lý còn cao và do năng lực quản lý yếu.

Gỗ tồn kho lớn ở các lâm trường.
Gỗ tồn kho lớn ở các lâm trường.

Qua giám sát của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh mới đây nhận thấy, công tác quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp còn yếu, bộ máy quản lý chưa thực sự phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; hiệu quả sử dụng vốn và tài sản, nhất là hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Việc quản lý, khai thác tài nguyên rừng chưa đúng mức, còn lãng phí. Thí dụ như Công ty Lệ Ninh có diện tích 16,26ha chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất; Công ty LCN Bắc Quảng Bình có số diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất là 2.061ha. Công ty Môi trường và phát triển đô thị bị mất 2.500m cáp điện chiếu sáng công cộng (trị giá khoảng 800 triệu đồng) tại đường Võ Nguyên Giáp đến tháng 3-2014 mới được phát hiện, cơ quan công an đã thụ lý hồ sơ nhưng đến nay chưa có kết luận điều tra...

Qua thanh tra đã phát hiện tại Công ty LCN Bắc Quảng Bình đã làm thất thoát vốn đầu tư xây dựng cơ bản 583 triệu đồng. Ngoài ra công ty này tự khai thác trái phép, để người dân tự do khai thác trái phép và lấn chiếm một số diện tích đất rừng ở huyện Bố Trạch, Minh Hóa. Cũng theo kết luận của Thanh tra, số gỗ tồn kho tại công ty này đến ngày 30-9-2013 có 3.001m3, trong đó một số lượng lớn (khoảng 2.029m3) do bảo quản không tốt nên đã bị hư hỏng, kém phẩm chất. 

Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề cao còn hạn chế, chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm cao, giá bán và lợi nhuận thấp, vốn chủ sở hữu tăng chậm. Một số doanh nghiệp tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn. Một số doanh nghiệp chưa tích cực phát triển vốn, còn ỷ lại nhà nước nên quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu nhỏ và chậm, phần lớn phụ thuộc vào điều tiết từ ngân sách và biện pháp tài chính của nhà nước.

Một nghịch lý đang tồn tại rất hiển nhiên ở một số doanh nghiệp là, việc thực hiện chế độ tiền lương và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp chưa gắn với hiệu quả công tác. Trong lúc lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nhưng thu nhập của viên chức quản lý vẫn tăng, chênh lệch giữa thu nhập của viên chức quản lý và thu nhập của người lao động còn lớn (Công ty Việt Trung 4,4 lần; Công ty LCN Long Đại 4,4 lần; Công ty Lệ Ninh 3,6 lần; Công ty Khai thác công trình thủy lợi 3,2 lần). Một số doanh nghiệp tỷ lệ lao động gián tiếp cao, chi phí quản lý lớn nhưng hiệu quả làm việc chưa tương xứng.

Để nguồn vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp được phát huy hiệu quả, vấn đề đặt ra là cần kiên quyết bài trừ tận gốc tư tưởng ngồi chờ "sung rụng", kịp thời  thay thế những cán bộ quản lý yếu kém, mới hy vọng tạo sự phát triển của doanh nghiệp.

Trọng Thái