.

Kích cầu du lịch nội địa: Đột phá, liên kết, bền vững!

Thứ Bảy, 16/08/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã lựa chọn chủ đề của Ngày Du lịch Việt Nam là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tuyên truyền, quảng bá về vai trò của ngành Du lịch nói chung, du lịch nội địa nói riêng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đối với việc bảo vệ môi trường du lịch. Chính vì vậy, kích cầu du lịch nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành Du lịch trong nước khai thác hết tiềm năng. Đối với tỉnh ta, với nhiều nét đặc thù khách quan, chủ quan, du lịch nội địa cũng tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.

Vì sao ít cơ hội “mở hầu bao” của khách nội địa?

Theo thống kê sơ bộ từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 7 tháng đầu năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến với tỉnh ta ước đạt hơn 2,188 triệu lượt, tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, số lượt khách nội địa chiếm hơn 2,154 triệu lượt, tăng hơn 152% so với cùng kỳ. Đây được xem là một bước tiến đầy ngoạn mục của ngành Du lịch tỉnh nhà, hứa hẹn nhiều đột phá mới sẽ xuất hiện trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, lượt khách nội địa do cơ sở lưu trú phục vụ (tức lượng khách có thể tạo ra nhiều nguồn thu về dịch vụ, ăn uống, vận chuyển...) lại gần như “dẫm chân tại chỗ”. 7 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh duy trì khoảng hơn 555 nghìn lượt khách nội địa được phục vụ tại cơ sở lưu trú, chỉ tăng nhẹ 1,31% so với cùng kỳ, đối lập với đó, tỷ lệ tăng này ở khách quốc tế là hơn 15%. Ngày khách do cơ sở lưu trú phục vụ khách nội địa cũng chỉ ước tăng 5,83%, trong khi con số này dành cho khách quốc tế là tăng 15,63%. Một trong những nguyên nhân được lý giải là do sự phụ thuộc vào tính mùa vụ của du lịch tỉnh ta trong suốt thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình khẳng định, trên thực tế, dù là mùa cao điểm hay không, khách nội địa vẫn chính là nguồn thu dồi dào, tiềm năng nhất cho du lịch địa phương nếu biết cách khai thác. Du lịch nội địa ở tỉnh ta sôi nổi nhất là vào các mùa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 9, du lịch quốc tế chủ yếu từ tháng 10 đến tháng 12.

Trong đó, cao điểm nhất là vào đợt nghỉ hè trong khoảng tháng 4, 5 và 6. Không chỉ các công ty lữ hành mà ngay cả hầu hết cơ sở lưu trú trên địa bàn đều có những hoạt động kích cầu, thu hút du khách nội địa trong giai đoạn này. Hơn 95% lượng khách đến với Khách sạn Phú Quý (TP.Đồng Hới) là khách nội địa, do đó, ngay từ đầu mùa vụ, khách sạn đã chủ động có nhiều ưu đãi dành cho khách hàng nội địa, như: giá cả “mềm” hơn, bao gồm cả ăn sáng, các hoạt động về đêm (tổ chức nhạc hội, vui chơi giải trí...).

Nhờ vậy, trong mùa cao điểm, công suất sử dụng buồng của khách sạn luôn ở mức trên 90%. Công ty du lịch quốc tế Quảng Bình (QuangBinh Travel) và Công ty TNHH Du lịch Phú Gia (Phú Gia Tourist) cũng thường xuyên giảm giá từ 20%-25% để kích thích lượng khách nội địa về với Quảng Bình. Nhưng, qua mùa cao điểm, lượng khách nội địa lại có sự sụt giảm mạnh, bất chấp sự nỗ lực từ nhiều phía.

Nhiều làng nghề truyền thống đang là “kho vàng du lịch” chưa được khai phá ở tỉnh ta.
Nhiều làng nghề truyền thống đang là “kho vàng du lịch” chưa được khai phá ở tỉnh ta.

Phía đại diện Phú Gia Tourist cho biết, ở những thời điểm khác trong năm, tour nội địa rất hiếm hoi dù giá tour đã giảm ở mức thấp nhất. Công suất sử dụng buồng của khách sạn Phú Quý thường xuyên ở mức thấp sau đợt cao điểm, trong khi giá buồng phòng đã giảm hết mức có thể. Để đối phó với sự khan hiếm khách này, Phú Quý tận dụng nguồn thu từ khách hàng “hội nghị” của các cơ quan, ban, ngành đến tỉnh ta để tổng kết, giao lưu...

Đó là thực trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ta. Trong hơn một năm trở lại đây, tính mùa vụ của du lịch nội địa đã giảm bớt nhờ những đổi mới, cách tân khá toàn diện trong ngành Du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng khách nội địa có nhu cầu ở lại sử dụng các loại hình dịch vụ vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.

Bên cạnh các nguyên nhân khác như chất lượng dịch vụ du lịch đang trên đà hoàn thiện, đội ngũ nhân lực đang dần chuyên nghiệp hóa..., việc chưa khai thác hết tiềm năng của khách du lịch nội địa còn nằm ở chính các doanh nghiệp lữ hành. Theo khảo sát, hầu hết các công ty lữ hành ở tỉnh ta sử dụng hình thức “land tour” trong việc thu hút khách du lịch nội địa.

Theo chị Trần Thị Hồng, Phó giám đốc Phú Gia Tourist, “land tour” là tour du lịch được các công ty du lịch mua lại từ những đối tác (các công ty du lịch lữ hành) của mình với hai dạng toàn bộ và một nửa (phía đối tác lo chi phí đi lại). Hình thức này được hiểu nôm na là một công ty lữ hành ở Quảng Bình sẽ “mua” lại tour đến Quảng Bình của những công ty lữ hành ở các tỉnh, thành phố khác. Phu Gia Tourist thường nhận “land tour” của khách hàng từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...

Hình thức này chiếm tới hơn 90% tour nội địa của Phú Gia Tourist. “Land tour” có ưu điểm lớn là khách hàng sẽ tận dụng được nhiều lợi ích của công ty lữ hành bản địa, đặc biệt là sự thông hiểu địa phương, hạn chế ép giá. Nhưng, công ty lữ hành bản địa sẽ bị động, phụ thuộc nhiều vào đối tác bán tour trong việc bố trí thời gian ngủ nghỉ, địa điểm thăm quan, đi lại, ăn uống...

Thông thường, khách nội địa theo “land tour” đến tỉnh ta chủ yếu chỉ nghỉ tối đa từ 1-3 đêm hoặc chỉ ghé thăm, sau đó sẽ di chuyển đến các tỉnh bạn. Ngoài “land tour”, do khó khăn trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm tour du lịch đến những thị trường trong nước tiềm năng và nhất là chưa tạo được uy tín lớn, độ tin cậy cao, các công ty lữ hành tỉnh ta cũng gặp không ít trở ngại trong nỗ lực tự khai thác tour nội địa.

Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nổi bật!

Để góp phần hạn chế tối đa tính mùa vụ trong du lịch nội địa, cũng như tạo điều kiện cho các công ty lữ hành kéo dài thời gian nghỉ của khách tour tại tỉnh ta, suy cho cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phát triển những sản phẩm du lịch ấn tượng, nổi bật và có sức hút, đặc biệt là ở TP.Đồng Hới. Để từ đó, không chỉ chất lượng các dịch vụ, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực được tăng cao mà tính liên kết giữa những đơn vị trực tiếp, gián tiếp tham gia vào lĩnh vực du lịch được tăng cường và mang tính bền vững hơn.

Dự án “chợ đêm Đồng Hới” mới đi vào hoạt động thử nghiệm đã phải tạm ngừng vô thời hạn.
Dự án “chợ đêm Đồng Hới” mới đi vào hoạt động thử nghiệm đã phải tạm ngừng vô thời hạn.

Cách đây đúng một năm, dự án “Chợ đêm Đồng Hới” được khởi động dọc theo đường Hương Giang do Công ty TNHH Mai Hoa Kim (trụ sở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đầu tư. Dự án được hoạt động thử trong thời gian đầu nhằm mục đích quảng bá mô hình chợ đêm cho người dân và du khách, đồng thời thu hút sự đầu tư tham gia của các tiểu thương.

Tuy vậy, chỉ một vài tháng sau, Công ty TNHH Mai Hoa Kim đã có công văn gửi UBND TP.Đồng Hới xin tạm nghỉ hoạt động chợ đêm. Nguyên nhân chính là bởi chợ đêm vẫn không thu hút được nhiều hộ tiểu thương tham gia, địa điểm nằm xa trung tâm thành phố, xa khu dân cư và ít người qua lại về đêm.

Vì vậy, chợ đêm hoạt động ế ẩm, các hộ tiểu thương bỏ tham gia dần. Đến nay, dự án xem như đã dừng hoạt động. Ông Trương Diệu Khiêm, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP.Đồng Hới cho biết, địa điểm này do chính công ty lựa chọn trên cơ sở một số địa điểm do thành phố tư vấn. Dù rất nỗ lực từ nhiều phía, nhưng dự án này sẽ rất khó để tiếp tục trong bối cảnh không ít khó khăn chung về địa điểm tổ chức, giải pháp thu hút khách du lịch, sự tham gia của tiểu thương...

Trong khi sản phẩm mới không triển khai hiệu quả, thì nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng vẫn đang bị lãng quên, chưa có sự đầu tư phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, các làng nghề truyền thống của tỉnh ta chính là những “mỏ vàng du lịch” chưa khai thác hết.

Chẳng hạn, nhiều tour du lịch chọn Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi yên giấc ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm điểm đến, nhưng chỉ xem đây là điểm dừng chân trong thời gian ngắn, không có ý định lưu lại lâu bởi chưa có những điểm du lịch cận kề đủ hấp dẫn.

Đây là cơ hội tốt để nhiều làng nghề truyền thống của Quảng Trạch và cả thị xã Ba Đồn phát huy giá trị của mình nếu biết cách thức khai thác, như: nghề làm nón Thổ Ngọa (Quảng Thuận), Hạ Thôn (Quảng Tân); nghề làm nước mắm Cảnh Dương; nghề làm bánh mè xát Tân An (Quảng Thanh)... và thậm chí cả ca trù Đông Dương (Quảng Phương). Sự kết hợp giữa du lịch tâm linh, hướng về nguồn cội và du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa... chưa bao giờ mất đi tính hấp dẫn đối với du khách nội địa.

Hoặc đơn giản chỉ là việc đầu tư các quầy hàng bán đồ lưu niệm dọc bãi biển Nhật Lệ, kèm theo những trò chơi trên biển ấn tượng, như: mô tô nước, bơi thuyền thúng, chèo xuồng, kéo dù..., qua đó, góp phần tăng thêm hứng thú cho khách lưu lại.

Tất nhiên, bên cạnh việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, thú hút du khách nội địa, việc cần làm ngay vẫn là tăng cường tính liên kết giữa các đơn vị tham gia ngành Du lịch không chỉ trong mùa cao điểm mà phải bất cứ mùa nào trong năm. Sự phối kết hợp chặt chẽ này đòi hỏi cần có tính hệ thống, không riêng bất cứ khâu nào, mà thông suốt từ chào, bán, dẫn tour của công ty lữ hành cho đến niêm yết giá và chất lượng dịch vụ của cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, điểm tham quan...

Cuối cùng, để có thể “mở rộng hầu bao” hơn nữa của khách nội địa, không có gì quan trọng hơn là tạo điểm nhấn trong khâu quảng bá, tuyên truyền. Đây đang được xem là thời điểm “vàng” để tỉnh ta kích thích mạnh mẽ hơn nữa lượng khách nội địa về với địa phương trên cơ sở bám sát 3 mục tiêu lớn, đột phá, liên kết và mang tính bền vững.

Mai Nhân