.

Giá trị lúa gạo sạch SRI giúp người nông dân bình đẳng hơn trong định giá sản phẩm

Thứ Sáu, 15/08/2014, 14:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ ngày 13 đến 15-8, tại TP Đồng Hới, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình và Bình Định tổ chức hội thảo sơ kết đánh giá giữa kỳ Dự án "Gieo hạt giống cho sự thay đổi-Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững".

 

Quang cảnh tại hội thảo
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, Tổ chức phát trển Hà Lan, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPASRD), Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE), Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP)... và 90 đại biểu hiện đang công tác tại Sở Nông nghiệp và PTNT hai tỉnh Quảng Bình, Bình Định, UBND huyện, xã và các HTX đóng trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham dự tiến hành sơ kết, đánh giá giữa kỳ nhằm chia sẻ những kết quả đã đạt được; đề ra kế hoạch phát triển bền vững các hoạt động của dự án trong thời gian tiếp theo. Cũng tại hội thảo này, các đại biểu tham dự đã tiến hành thảo luận, báo cáo, đánh giá độc lập, đánh giá nội bộ để ghi nhận những tác động của các hợp phần dự án, đặc biệt là đối với Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI...

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Dự án "Gieo hạt giống cho sự thay đổi-Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững" cho biết: "Dự án đã có tác động đến hơn 10.000 nông dân, với khoảng 2.500ha trồng lúa được áp dụng Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI qua 4 vụ đã góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm nước tưới, giảm từ 26-32% tiềm năng sinh khí gây hiệu ứng nhà kính (giảm khoảng 4 tấn CO2 tương ứng/1ha lúa) của ruộng lúa SRI  so với canh tác lúa truyền thống; bước đầu hình thành chuỗi giá trị lúa gạo sạch SRI. Các mô hình năng lượng tái tạo sử dụng phụ phẩm trồng lúa như mô hình bếp khí hoá, máy cuốn rơm, lò sấy cũng đưa vào ứng dụng và cho hiệu quả kinh tế rất cao".

Dự án "Gieo hạt giống cho sự thay đổi-Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững" (Dự án SRI) do Chính phủ Úc tài trợ được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015. Mục tiêu của dự án này nhằm hỗ trợ, xây dựng năng lực cho hộ nông dân trồng lúa và các cơ quan liên quan của tỉnh để giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, cải thiện lợi ích cho các hộ dân từ việc trồng lúa thông qua việc sản xuất lúa theo Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, sử dụng năng lượng tái tạo được tạo ra từ phụ phẩm trồng lúa và thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo sạch SRI.

Được biết, thời gian qua, những nguyên tắc chính của quy trình kỹ thuật SRI đã được nông dân tuân thủ thực hiện như: giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hợp lý, quản lý phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và kỹ thuật tưới khô, ướt xen kẽ...

Dự án này không chỉ tác động trực tiếp đến những đối tượng được hưởng lợi mà còn tác động mạnh mẽ đến toàn vùng sản xuất, bước đầu đã giúp nông dân thay đổi thói quen sản xuất truyền thống sang sản xuất theo SRI thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, những mô hình năng lượng tái tạo sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất lúa không những góp phần vào việc gia tăng giá trị kinh tế của người nông dân mà còn góp phần giảm các tác động ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Chuỗi giá trị lúa gạo sạch SRI sẽ giúp cho người nông dân tham gia bình đẳng hơn trong việc định giá sản phẩm, hình thành thói quen theo nhu cầu thị trường...  

Văn Minh