Hoạt động của Hội Chăn nuôi - Thú y có tác động như thế nào đến phong trào chăn nuôi tỉnh nhà?

Cập nhật lúc 10:25, Thứ Hai, 18/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có thể nói rằng trong những năm qua, chăn nuôi tỉnh nhà đã có những tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên khó khăn, tồn tại còn rất lớn. Đó là tổng đàn tăng chậm, có giai đoạn bị giảm sút. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thường xuyên gây rủi ro cho người chăn nuôi. Tập quán nuôi ở khu vực hộ gia đình nhỏ lẻ, quảng canh nên năng suất thấp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y ở một số nơi còn hạn chế; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi, thú y tuy đông nhưng chưa mạnh... Sự hình thành Hội Chăn nuôi -Thú y với hy vọng sẽ có những tác động tích cực cho phát triển chăn nuôi tỉnh nhà. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thành, "tân" Hội trưởng Hội Chăn nuôi -Thú y tỉnh về những vấn đề liên quan.

P/V:  Xin ông cho biết đôi nét về Hội Chăn nuôi- Thú y tỉnh?

- Ông Phan Thành: Đây là tổ chức xã hội -nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân làm công tác khoa học, dịch vụ kỹ thuật, sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực chăn nuôi- thú y trên địa bàn tỉnh có nhu cầu, có chung lợi ích, tự nguyện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, dưới sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và PTNT. Hội Chăn nuôi- Thú y có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động, là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh và là thành viên của UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Hiện nay trụ sở của hội đặt tại Chi cục Thú y tỉnh, số 34, đường Thanh Niên, thành phố Đồng Hới.

P/V:  Được biết, ngày 14-3-2012, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 467/QĐ-CT về việc cho phép thành lập Hội Chăn nuôi- Thú y tỉnh, thế nhưng ngày 9-6-2012, Đại hội Hội Chăn nuôi- Thú y tỉnh lần thứ nhất đã thành công, như vậy là việc thành lập hội có nhiều thuận lợi?

- Ông Phan Thành: Cũng có thể nói như vậy. Nhưng trước đó vào cuối năm 2011, Ban vận động thành lập Hội Chăn nuôi- Thú y tỉnh đã hình thành và được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận gồm 7 thành viên. Ban vận động đã có nhiều phiên họp để tiếp cận các văn bản pháp quy của Nhà nước, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền vận động người tham gia, soạn thảo các văn bản liên quan đến thành lập hội, chuẩn bị nhân sự và những vấn đề liên quan cho đại hội lần thứ nhất... Trong quá trình vận động thành lập hội, Ban vận động đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài ngành.

P/V: Định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2012-2017 là gì thưa ông?

- Ông Phan Thành: Trên cơ sở định hướng phát triển chăn nuôi, thú y của tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng hoạt động của Hội Chăn nuôi- Thú y tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề chính sau đây: tập hợp đoàn kết những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh, từng bước xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội và tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho hội viên thông qua hoạt động chuyên môn. Hội Chăn nuôi – Thú y sẽ phấn đấu làm tốt nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội theo yêu cầu của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; quan hệ chặt chẽ với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Hội chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam và các hội ngành nghề khác liên quan để trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn; đẩy mạnh phát triển hội viên và thành lập các chi hội trực thuộc...

P/V:  Điều nhiều người chăn nuôi đang quan tâm là hoạt động chuyên môn của hội, vậy ông có thể nói cụ thể về lĩnh vực này?

- Ông Phan Thành: Hoạt động chuyên môn của hội tập trung vào những vấn đề sau: hỗ trợ các hoạt động về thú y như chống dịch bệnh, tiêm phòng gia súc, gia cầm, cung ứng thuốc thú y, hỗ trợ kiểm dịch, vận chuyển kiểm soát giết mổ gia súc, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm... tạo môi trường chăn nuôi lành mạnh, an toàn trong hội viên và những khu vực liên quan. Tổ chức phổ biến kiến thức, tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên; nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về chăn nuôi, đưa tiến bộ về giống, thức ăn... vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi trong hội viên. Hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để hội viên mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập...

P/V: Xin cảm ơn ông!

                                                                                      VH (thực hiện).

 

,
.
.
.