.

Khi nào tỉnh ta sẽ có một "Ánh Viên", "Quý Phước"?

Thứ Sáu, 02/12/2016, 11:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Kể từ khi cố VĐV Trần Xuân Hiền giành chiếc huy chương bạc danh giá tại đấu trường SeaGame 21 cách đây 15 năm, bơi lội Quảng Bình vẫn chưa có được thành tích nào vang dội như thế, mặc dù chúng ta có những lứa VĐV vô cùng tiềm năng, như: Phạm Thị Huệ, Hoàng Thị Hạnh, Hoàng Thị Cúc, Lê Thị Việt Trinh… Mới đây, Nguyễn Huy Hoàng, Mai Thị Linh và Ngô Thị Trúc Quỳnh đang nổi lên như những hiện tượng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kỳ tích cho bơi lội tỉnh nhà. Liệu chúng ta sẽ sớm có được một “Ánh Viên”, “Quý Phước” trong tương lai gần hay sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với HLV Hoàng Quang Minh, người đã cống hiến gần cả cuộc đời cho môn bơi lội từ khi là một VĐV đỉnh cao cho đến khi trở thành một HLV kỳ cựu như bây giờ, để hy vọng vào một câu trả lời chính xác.

 

HLV Hoàng Quang Minh và một trong những VĐV xuất sắc  mà ông đào tạo, Nguyễn Huy Hoàng.
HLV Hoàng Quang Minh và một trong những VĐV xuất sắc mà ông đào tạo, Nguyễn Huy Hoàng.

- P.V: Thưa ông, từ một VĐV thành tích cao chuyển thành một HLV, dù trên cương vị nào bơi lội cũng được xem như một “duyên nghiệp” mà ông đã gắn bó suốt cả cuộc đời. Vậy, có sự khác biệt nào giữa hai vị trí, lao mình dưới dòng nước xanh và đứng trên bờ lặng lẽ quan sát học trò không, thưa ông?

- HLV Hoàng Quang Minh: Đối với tôi, bơi lội như một mối lương duyên tiền định và là “nghiệp” theo đuổi suốt cả cuộc đời. Với nhiều huy chương vàng đoạt được trong các kỳ đại hội, giải vô địch toàn quốc, hai năm liên tiếp đứng thứ 2 trong danh sách vận động viên tiêu biểu quốc gia, nắm giữ hai kỷ lục quốc gia trong suốt hơn 10 năm trời, tôi luôn mong muốn được cống hiến sức mình nhiều hơn cho quê hương.

Chính vì vậy, “nghiệp” HLV đã đến và mang lại cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo mới, đồng thời cả những trọng trách nặng nề trên vai. Để làm được điều này, ngay từ khi là một VĐV, tôi đã quyết tâm theo đuổi học hành để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho tương lai.

Vì lẽ đó, khi đang còn là VĐV tôi đã thử nghiệm vai trò HLV của mình, và sau khi giải nghệ năm 1995, tôi chính thức trở thành HLV với tâm thế sẵn sàng, nền tảng vững chắc và một tinh thần tươi mới, phấn khởi nhất.

Từ đó đến nay, đã có 6 lứa học trò tôi có cơ hội chăm sóc, bảo ban và hướng dẫn các em trong chuyên môn, cũng như trong đời sống hàng ngày. Điều may mắn là mỗi lứa học trò đều có những cá nhân xuất sắc vượt bậc. Lứa đầu tiên là cố VĐV Trần Xuân Hiền, tiếp theo có Hoàng Thị Thanh, Hoàng Thị Cúc, lứa thứ 3 là thế hệ của Phạm Thị Huệ, rồi đến Việt Trinh, Thanh Huyền, gần đây là Nguyễn Huy Hoàng, Mai Thị Linh, Ngô Thị Ngọc Quỳnh, và lứa thứ 6 đang trong quá trình giám sát, chọn lọc.

- P.V: Mỗi lứa học trò được ông đào tạo đều mang lại những thành tích nổi bật cho tỉnh nhà và không phải ai cũng biết rằng, phía sau những tấm huy chương, đó là mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa của cả thầy và trò. “Bí quyết” đào tạo của ông là gì để trò thực sự xem thầy như cha mẹ và gắn bó không chỉ chuyên môn, nghiệp vụ mà cả mọi tâm tư, tình cảm?

- HLV Hoàng Quang Minh: (Cười) Quả thật nói bí quyết thì nghe thật to tát, bởi đơn giản chỉ là làm sao truyền được tình yêu, đam mê bơi lội của mình với học trò, để các em thật sự thấm hiểu và tự mình nhận thức được tầm quan trọng.

Thực ra, mang tiếng là HLV nhưng tôi truyền đạt về chuyên môn rất ít, mà chủ yếu là quan tâm, chăm sóc và theo sát các em. Chỉ có thể xem học trò như những đứa con mình rứt ruột đẻ ra bằng tình yêu thương chân thành mới có thể là chỗ dựa vững chắc để các em trút bầu tâm sự, san sẻ niềm vui nỗi buồn và nhất là tạo được sự khích lệ, động viên kịp thời.

Điều quan trọng nhất tôi dạy cho các em chính là tình yêu nghề, yêu nghiệp và yêu cả quê hương. Quảng Bình mình còn nghèo, đời sống VĐV còn vất vả, nhưng không vì vậy mà chúng ta từ bỏ quê hương. Mà ngược lại, đó chính là động lực để các em cố gắng, nỗ lực vươn lên, vì màu cờ sắc áo, đóng góp tài năng cho sự phát triển của quê hương bằng chính sức lực của mình.

Bạn biết đấy, các cháu vào Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh từ khi còn rất nhỏ, rồi đến tuổi trưởng thành, thiếu sự quan tâm của gia đình, thì các thầy phải đóng vai trò quan trọng, định hướng tương lai và giải đáp mọi khúc mắc, trăn trở. Với các VĐV nữ, tôi luôn dành nhiều thời gian phân tích, tỉ tê cho các cháu về mọi chuyện, nhất là chuyện tình cảm nam nữ, để các cháu không đi sai đường, lạc lối và tìm lối rẽ tươi sáng nhất cho mình.

- P.V: Ông từng chia sẻ, vợ ông luôn “phàn nàn” rằng: “Con cái ở nhà có khi không được gần bố như các anh chị VĐV ở Trung tâm”. Vậy mà nhiều lúc, các học trò của mình lại khiến ông không khỏi đau lòng, như trường hợp bỏ ngang sự nghiệp VĐV đỉnh cao của Phạm Thị Huệ, khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bàng hoàng sau những thành tích xuất sắc mà cô đã đạt được. Nỗi buồn đó đã thực sự nguôi ngoai chưa, thưa ông? Và liệu còn có những nỗi buồn khác nữa chăng khi không ít VĐV ông đã dành hết thời gian, tâm sức nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng?

- HLV Hoàng Quang Minh: (mắt nhìn xa xăm) Phạm Thị Huệ là nỗi buồn sâu thẳm trong tâm trí tôi, bởi tôi luôn giành nhiều tâm huyết cho cháu, tích cực động viên, khích lệ khi cháu quyết định từ bỏ sự nghiệp VĐV đỉnh cao ở tuổi 21 để lập gia đình.

Còn nhớ khi đó, Phạm Thị Huệ vừa giành 6 huy chương vàng tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2010, vô địch các cự ly 50, 100 và 200 mét ếch, có tên trong danh sách tham dự Sea Game 26 với kỳ vọng đoạt huy chương vàng cho bơi lội Việt Nam trên nhiều đấu trường và cô cũng đã từng đạt huy chương đồng tại Sea Game 25. Biết bao kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ dành cho cô gái trẻ đã đổ xuống sông xuống bể. Tôi cùng Ban giám đốc Trung tâm tích cực động viên, phân tích cho cháu về sự nghiệp với đường đua xanh rạng rỡ trong tương lai, nhưng rồi vẫn không có kết quả.

Giờ đây, tôi vẫn giữ liên lạc với Huệ và gia đình, luôn chia sẻ với cháu khó khăn trong cuộc sống. Các lứa VĐV sau tôi lại càng theo sát, bảo ban tỉ mỉ hơn, kịp thời ở bên mỗi khi có sự dao động tâm lý từ các cháu. Tuy nhiên, bạn biết đấy, lứa tuổi ẩm ương thì dám làm nhiều thứ lắm, chỉ có mình là lo cho tương lai các cháu về sau thôi.

- P.V: Phải chăng chính vì sự nghiệp vận động viên bơi lội không thực sự hấp dẫn, các chế độ đãi ngộ còn ở mức thấp của một tỉnh nghèo cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít tài năng ra đi? Xin nhắc lại trường hợp của VĐV Châu Bá Anh Tư người Quảng Bình nhưng đầu quân cho TP.Đà Nẵng, người đã đạt 2 huy chương vàng Sea Game 26 và khiến báo chí Đà Nẵng giật tít rất chạnh lòng dân Quảng Bình “Người làm rạng danh bơi lội Đà Nẵng”. Tình trạng “chảy máu chất xám” trong bơi lội tỉnh nhà liệu có còn tái diễn?

- HLV Hoàng Quang Minh: Tình trạng “chảy máu chất xám” trong bơi lội tỉnh ta đã xuất hiện từ lâu khi các tỉnh bạn tích cực về tận địa phương tuyển chọn tài năng với những hứa hẹn trong chuyên môn, đào tạo và cả tương lai.

Tỉnh ta còn nghèo, chế độ dành cho VĐV không thể bằng như các tỉnh bạn, nhưng tinh thần, ý chí chính là sức mạng hun đúc nên các tài năng. Tôi và các thầy trong Trung tâm trong quá trình tuyển chọn các mầm non bơi lội ở cấp cơ sở cũng như trong quá trình huấn luyện, đào tạo cũng thường xuyên đều đưa màu cờ sắc áo quê hương để động viên các cháu và gia đình.

- P.V: Dù trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng các VĐV bơi lội tỉnh nhà đã làm rạng danh cho quê hương trên nhiều đấu trường, mang lại thương hiệu riêng cho bơi lội Quảng Bình. Mới đây, VĐV Ngô Thị Ngọc Quỳnh đã vượt qua đàn chị Ánh Viên ở cự ly 50 mét bơi ếch, Nguyễn Huy Hoàng xuất sắc phá kỷ lục quốc gia, kỷ lục Sea Game ở cự ly 1.500 mét... Tài năng của các em đã được chứng minh, nhưng liệu chúng ta sẽ có một thế hệ vàng như “Ánh Viên” và “Quý Phước” hay không, hay là vẫn phả tiếp tục chờ đợi?

- HLV Hoàng Quang Minh: Để được như Ánh Viên và Quý Phước, các VĐV tỉnh ta càng phải cố gắng và nỗ lực nhiều. Mặc dù tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng Trung tâm đang nỗ lực xây dựng kế hoạch để tiếp tục đưa các VĐV đi nước ngoài tập huấn.

HLV Hoàng Quang Minh có kinh nghiệm làm huấn luyện viên hơn 20 năm, là Trưởng bộ môn bơi-lặn và là Trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao.

Tin chắc rằng nếu được đào tạo, huấn luyện trong điều kiện hiện đại, kỹ thuật tiên tiến hơn, các VĐV sẽ vượt xa cả sự mong đợi. Chỉ tiếc là nguồn kinh phí cho thể thao còn quá ít ỏi, việc lãng phí tài năng bơi lội là điều luôn dễ hiện hữu.

- P.V: Không lãng phí tài năng, để tài năng phục vụ quê hương luôn là phương châm trong quá trình đào tạo VĐV bơi lội, nhưng với một tỉnh nghèo như tỉnh ta, nguồn kinh phí đào tạo, hỗ trợ còn quá ít ỏi trong khi công tác xã hội hóa sự nghiệp thể thao lại không hề dễ dàng. Vậy theo ông, để hoàn thiện mục tiêu cho một “Ánh Viên”, “Quý Phước” tương lai cho tỉnh nhà, xã hội hóa có phải là hướng đi hiệu quả?

- HLV Hoàng Quang Minh: Nếu xã hội hóa được thể thao và nhất là trong bơi lội thì thật quá tuyệt vời, đó là cơ hội “vàng” cho các VĐV. Nhưng điều này chỉ xảy ra ở các thành phố lớn có tiềm lực mạnh về kinh tế. Còn ở tỉnh ta, công tác xã hội hóa mới chỉ dừng ở việc xin hỗ trợ nguồn kinh phí tài trợ các giải thi đấu mà thôi. Sắp tới Trung tâm có dự kiến có tích cực kêu gọi tài trợ cho các VĐV tham gia các giải thi đấu trong nước và quốc tế, nhất là giải vô địch các nhóm tuổi ở Thái Lan vào tháng 12 tới.

- P.V: Xin được hỏi thêm một câu bên lề, trên thực tế, tỉnh ta rất ít VĐV thành tích cao lại thành công trong nghiệp HLV như ông. Nói một cách khác, lối rẽ sau giải nghệ là nỗi trăn trở của không chỉ VĐV bơi lội mà còn nhiều VĐV các bộ môn khác. Ông cũng từng chia sẻ, chỉ xấp xỉ khoảng 30% VĐV bơi lội tỉnh ta sau khi giải nghệ có nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến bộ môn, phần đa khá chật vật trên đường mưu sinh. Liệu có những hướng đi nào khác cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp trên đường đua xanh?

- HLV Hoàng Quang Minh: Trước hết, tự mỗi VĐV phải có ý thức rèn luyện, trau dồi không chỉ chuyên môn mà còn phải học văn hóa, nhất là trang bị cho mình kiến thức nền tảng cho công việc tương lai. Phía Trung tâm, trong điều kiện của mình cũng cố gắng tạo cơ hội việc làm HLV cho các VĐV sau khi giải nghệ, và thực tế tôi có một số học trò quay trở lại làm đồng nghiệp của mình. Nhưng cũng phải thừa nhận, lối rẽ sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao của VĐV không hề đơn giản, dễ dàng.

- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Mai Nhân (thực hiện)