.

Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng: "Tôi vẽ, tạc tượng bằng ánh sáng trái tim mình"

Thứ Sáu, 26/12/2014, 16:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua hai lần phẫu thuật, mắt sáng rồi lại mờ, giờ thì đôi mắt của Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng đã không còn nhìn thấy gì nữa. Thế mà ông vẫn say mê vẽ, say mê tạc tượng. Không thể dùng cọ vẽ, ông dùng những ngón tay mò mẫm đo đếm tỷ lệ để vẽ tranh bằng niềm đam mê cháy bỏng.

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng năm 1993 (sách ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - NXB Thông tin & Truyền thông-2011)
Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng năm 1993 (sách ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - NXB Thông tin & Truyền thông-2011)

- Niềm đam mê về hội họa bắt đầu từ khi nào, thưa họa sĩ?

- Ba tôi là một họa sĩ (từng làm việc ở Báo Quảng Bình), có lẽ chính ông đã gieo vào tôi niềm đam mê hội họa từ khi tôi còn rất nhỏ. Đi học tiểu học tôi đã bắt đầu say mê vẽ, dùng than vẽ bất cứ đâu: dưới nền nhà, trên tường nhà mình, trên sân trường...

Năm 1963, trong một cuộc thi vẽ tranh của huyện Quảng Ninh, tôi đã giành giải nhất với bức tranh "Cấy đêm", trong khi ba tôi cũng tham gia cuộc thi và được giải... nhì (cười). Vì đam mê hội họa nên tốt nghiệp phổ thông tôi ghi danh vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (lúc ấy đang bố trí theo nguyện vọng chứ chưa phải thi cử). Thế nhưng tôi vẫn suýt "rớt" và sau đó thì được... đặc cách "trúng tuyển".

- Vì sao ạ?

- Trường đại học Mỹ thuật không có giấy báo nhập học nhưng Ban tuyển sinh tỉnh thì lại báo tôi ra nhập học (cười). Đến trường (đi bộ từ Quảng Bình ra Hà Nội, sau đó đến Hà Bắc, nơi trường sơ tán), họ bảo, trường đặc thù, phải kiểm tra năng khiếu, phải học từ sơ cấp, trung cấp mới lên đại học, đâu vào ngay được. Lãnh đạo nhà trường bảo trả tôi về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để bố trí đi học trường khác, thế là suýt "rớt". Tôi đã khóc và nằng nặc đòi chỉ học mỹ thuật thôi.

Cuối cùng, lãnh đạo nhà trường thấy thương vì một học sinh từ nơi xa xôi, không sợ đạn bom lặn lội đi bộ ra đến trường và đam mê hội họa như vậy nên đặc cách cho vào học dự bị một năm, vừa học vừa làm... người mẫu cho các anh chị lớp trên vẽ, thế là "trúng tuyển" (cười).

- Họa sĩ nhập ngũ khi đang học đại học Mỹ thuật?

- Năm thứ ba đại học Mỹ thuật. Cùng đi đợt ấy với tôi có các anh Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Văn Thạc - người có cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi". Sau huấn luyện, tôi đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Sau giải phóng thành cổ Quảng Trị, đơn vị tôi đánh vào Cửa Việt. Sau chiến thắng Cửa Việt, tôi được rút về làm cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 325.

Ngày 17-5-1974, tôi được điều về làm trợ lý tuyên huấn Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), theo đội hình hành quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt hành trình ấy tôi đã có nhiều bức ký họa về chiến trường. Tôi bị thương nặng khi cùng đơn vị đánh vào căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30km, ngày 28-4-1975, hai mắt bị hỏng hẳn. Đó là kỷ niệm lớn của đời tôi, tôi đã lấy máu của mình vẽ chân dung Bác Hồ.

- Cảm xúc nào để họa sĩ lấy máu của mình vẽ chân dung Bác Hồ lúc đó mà không phải là một người thân nào?

- Lúc đó tôi nghĩ là tôi sẽ hy sinh và tôi quyết định thực hiện một bức vẽ bằng chính máu của mình (sợ máu chảy hết, tôi đã xé áo quấn vào cổ để máu thấm vào đó rồi dùng tay vẽ). Ai cũng có người thân, nhưng tôi chọn Bác Hồ để vẽ vào thời khắc đó vì có lẽ với tất cả người dân của đất nước này, Bác Hồ là người cha đáng kính, người đã dẫn dắt dân tộc trên con đường giành độc lập, người đã đem lại cơm no áo ấm cho muôn nhà.

Tôi nghĩ rằng, Bác là ánh sáng, là niềm tin, vì thế bức họa tôi vẽ mang tên "Ánh sáng niềm tin" và tôi ghi thêm "Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân" trước khi ngất đi không còn biết gì nữa.

- Hình ảnh họa sĩ bị hỏng mắt lấy máu vẽ chân dung Bác Hồ trước đây và niềm say mê vẽ, tạc tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này làm rung động nhiều trái tim, phải chăng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật (hội họa và điêu khắc) chính của ông là hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng?

- Thực ra, đề tài tôi vẽ nhiều nhất là người chiến sĩ cách mạng và về lực lượng vũ trang nhân dân vì phần lớn cuộc đời tôi gắn bó với binh nghiệp. Còn về Bác Hồ, rõ ràng Bác là tinh hoa của dân tộc, bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn được viết, vẽ, tạc tượng Người. Và tôi cũng vậy, hình ảnh Bác luôn chan chứa trong trái tim tôi.

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là người anh Cả của lực lượng vũ trang và cũng là hình mẫu về nhân, trí, dũng. Từ nhỏ, được bố cho xem ảnh Đại tướng, tôi đã bắt đầu vẽ về Người. Sau này, cuối năm 1975, sau lần bị thương nặng ấy, tôi điều trị tại Bệnh viện 108, vì mắt không thấy gì, không thể vẽ được nữa nên tôi chuyển sang thử tạc tượng.

Trong một lần đang mò mẫm tạc tượng Bác Hồ bằng đất sét thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện nhạc sĩ thiên tài Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất khi đã bị điếc cả hai tai. Đại tướng như người đã hồi sinh tôi cả đôi mắt lẫn tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ chính vì thế mà trong tôi luôn có cảm hứng sáng tạo về Bác Hồ và Đại tướng.

- Với một họa sĩ, nhà điêu khắc mắt sáng bình thường vẽ tranh, tạc tượng đã khó huống hồ mắt đã bị hỏng như ông, lại vẽ tranh, nặn tượng chân dung (càng khó bởi đòi hỏi độ chính xác cao). Họa sĩ đã cảm nhận màu sắc, ánh sáng và đường nét như thế nào để vẽ tranh, tạc tượng?

- Cuộc đời tôi từ mắt sáng đến bị mù, được phẫu thuật sáng mắt trở lại rồi sau đó lại tái mù và qua hai lần phẫu thuật như thế cho đến bây giờ mắt đã lại không nhìn thấy gì nữa. Khi sáng mắt tôi đã vẽ, khi mắt mờ tôi cũng vẽ, tạc tượng, mỗi lần như thế tôi lại tự kiểm nghiệm về màu sắc, ánh sáng và đường nét để rút ra điểm chung, điểm khác biệt.

Dĩ nhiên, đối với tranh, tượng về chân dung đòi hỏi độ chính xác cao thì phải thực hiện khi mắt còn sáng mới hoàn toàn bảo đảm được yêu cầu. Còn khi mắt mờ, chỉ phân biệt được ánh sáng và màn đêm, thì tôi vẫn vẽ, vẫn tạc tượng bởi niềm đam mê cháy bỏng về nghệ thuật và cảm hứng về cuộc sống, về con người. Có thể lúc này tranh, tượng của tôi không được giống lắm như hình mẫu, nhưng tôi vẫn tự hào vì đã vẽ, tạc tượng bằng ánh sáng trái tim mình.

Mắt đã mờ hẳn nhưng niềm đam mê không tắt, không thể dùng cọ, họa sĩ Lê Duy Ứng dùng ngón tay để vẽ tranh.
Mắt đã mờ hẳn nhưng niềm đam mê không tắt, không thể dùng cọ, họa sĩ Lê Duy Ứng dùng ngón tay để vẽ tranh.

- Một bức vẽ, hay bức tượng, giống hình mẫu đã khó, làm sao để toát lên được thần thái của người đó càng khó hơn nhiều. Người họa sĩ cần có điều gì để đạt được điều đó?

- Theo tôi, đó là cảm xúc. Khi trong lòng có cảm xúc thì họa sĩ, nhà điêu khắc mới vẽ tranh, tạc tượng có hồn được. Khi không có cảm xúc, có bắt buộc tôi cũng không vẽ hay tạc tượng được. Ví dụ bức vẽ về Bác Hồ bằng máu là phút xuất thần của cảm xúc.  

- Xin họa sĩ chia sẻ một chút về riêng tư, được biết họa sĩ có một mối tình rất đẹp?

- Chúng tôi gặp nhau trong chiến trường và tình yêu nảy nở. Bà Lê (vợ họa sĩ-NV) lúc đó rất xinh đẹp. Chúng tôi hẹn thề sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời sau cuộc chiến. Nhưng khi tôi bị thương nặng, tôi đã cố tình lánh mặt cô ấy bởi tôi nghĩ nếu lấy tôi cô ấy sẽ rất khổ. Thế nhưng cô ấy vẫn chờ đợi, vẫn tìm kiếm tôi.

Sau này gặp được nhau, Lê tâm sự: “Anh đừng lẫn tránh và từ chối em nữa. Anh và em yêu nhau khi anh còn sáng mắt. Nếu chúng mình lấy nhau, sinh con ra người ta nói con giống anh thì dù mắt không còn nhìn thấy nữa anh vẫn hình dung được khuôn mặt con chúng ta".

Xúc động vì tình cảm và sự kiên quyết của cô ấy, chúng tôi đã thành vợ chồng. Biết bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường của một gia đình có thương binh nặng, cô ấy đều gánh vác hết mà chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi. Tôi có một gia đình hạnh phúc chính là nhờ cô ấy.

- Hình ảnh người phụ nữ với tình yêu lớn lao đã đồng hành cùng ông gần trọn cuộc đời thật đẹp đẽ và cao quí. Đã có bao nhiêu bức họa về người phụ nữ này?

- (Cười rất tươi). Dĩ nhiên là với một người phụ nữ tuyệt vời đối với tôi như vậy không thể nào không tạo cảm xúc cho tôi vẽ tranh, tạc tượng. Tôi vẽ và tạc tượng khá nhiều về người bạn đời yêu quí của tôi, bằng cảm xúc vì tình yêu, bằng cả sự biết ơn về một người đã hy sinh rất nhiều cho tôi, cho gia đình.

- Giờ tuổi đã gần thất thập, với niềm yêu kính Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ có dự định nào không?

- Tôi có nhiều ấp ủ, nhiều dự định lắm, nhưng việc thực hiện được những dự định ấy rất khó khăn vì nhiều lý do, đặc biệt là một người thương binh đã hỏng mắt như tôi. Ví dụ, tôi rất mong muốn được tạc một bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình quê hương. Điều này cần có sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo và sự chung tay của các cộng sự. Có một điều chắc chắn là, bằng niềm đam mê của mình, tôi sẽ không rời tay bút, tay đục để vẽ tranh, tạc tượng cho đến lúc nào sức khỏe còn có thể cho phép.

Tôi cũng đang rất mong muốn và dự định sẽ tổ chức triển lãm 70 tác phẩm hoàn toàn mới cả hội họa và điêu khắc tại Quảng Bình vào năm 2017 khi tôi tròn 70 tuổi, coi đó là kỷ niệm đẹp (có lẽ là cuối cùng) về hoạt động nghệ thuật tại chính quê hương mình.

- Xin trân trọng cảm ơn họa sĩ đã dành thời gian trò chuyện. Kính chúc họa sĩ luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục niềm đam mê cháy bỏng của mình, đặc biệt là sớm thực hiện thành công những dự định sắp tới.

Hữu Thái (thực hiện)