.

Vũng Chùa-Đảo Yến đất thiêng thiên cổ

Thứ Bảy, 13/09/2014, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày tháng Tám tôi theo chân các vị trong Ban thường trực họ Trần tỉnh và hậu duệ họ Trần xã Thuận Bài ra Vũng Chùa-Đảo Yến dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị tiền nhân họ Trần ở Quảng Bình.

Thuyền ra đảo Yến, từ mép nước lên chừng 100 mét có ngôi mộ cổ, bao quanh là bức tường đá khá rộng, chân móng còn để lại dấu tích. Phía trên  uynh lăng có ba bàn thờ được xây bằng đá, giữa có am thờ với tấm bia mộ ghi rõ: “Trần thị đệ nhất thế - Thủy Tổ Trần Đại Thái Tế”. Ngôi mộ hình chữ nhật dài gần 2 mét, rộng 1 mét, cao 0,8 mét được xây bằng những phiến đá trên đảo. Phía ngoài cùng là bức bình phong, mặt hướng về đất liền.

Đó là huyệt mộ của Trần Đạt, thủy tổ họ Trần xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Đảo Yến, theo tộc phả họ Trần ở Quảng Thuận và được ghi trên bia mộ đây là nơi “Kim Quy giáng tích” - Rùa vàng hạ giới. Hơn 500 năm, linh ứng của vị tướng họ Trần vẫn sống giữa trời biển bao la.

Rời đảo chúng tôi vào núi Rồng, cách nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chừng 100 mét về phía đông bắc còn có ngôi mộ cổ tĩnh lặng giữa rừng cây râm rạp. Dấu tích còn là một ngôi miếu nhỏ và nấm mộ được xếp bằng những hòn đá núi. Tấm bia ghi rõ: “Trần thị đệ nhị thế - Tổ Khảo Thanh Quận Công”. Đó là ngôi mộ của vị Tổ đời thứ hai họ Trần Quảng Thuận có tước Thanh Quận công.

Theo Tộc phả họ Trần và được ghi trên tấm bia mộ đây vùng đất “Kình ngư quá hải - Mãnh hổ xuất lâm”. Biển và Rừng là vùng đất thiêng nuôi chí những anh hùng.

Để hiểu thêm hai vị tướng họ Trần, chúng tôi tìm về quê hương của hai vị tiền nhân ở xã Quảng Thuận. Tại đình làng Thuận Bài xã Quảng Thuận, tướng Trần Đạt được coi là thủy tổ họ Trần đồng thời là Thần hoàng, vị tổ khai canh của làng An Bài xưa, nay là Thuận Bài. Tộc phả họ Trần tại làng Thổ Ngọa cũng ghi rõ Trần Đạt cũng là thủy tổ, nhiều chi phái họ Trần Thổ Ngọa cũng xuất phát từ họ Trần Thuận Bài.
Theo tộc phả, họ Trần Thuận Bài và Thổ Ngọa đều có nguồn gốc từ họ Trần ở Hải Ấp, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Nam Định.

Năm 1225, Trần Cảnh tức Trần Thái Tông lên ngôi mở đầu trang sử vương triều Trần kéo dài 175 năm. Suốt gần hai thế kỷ, họ Trần đã có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước; ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông bảo vệ nền độc lập dân tộc. Năm 1400 quan Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly, phế bỏ Trần Thiếu Đế tự xưng làm vua Lê Quý Ly đổi họ Hồ lập nên nhà Hồ (1400 - 1407). 

Mộ tổ họ Trần làng Thuận Bài ở Vũng Chùa, Đảo Yến.
Mộ tổ họ Trần làng Thuận Bài ở Vũng Chùa, Đảo Yến.

Hồ Quý Ly lên ngôi chủ trương “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” đã ban hành đạo luật nhằm ngăn chặn sự nổi dậy, phục thù của tôn thất, quan quân nhà Trần. Nhiều hoàng thân quốc thích, các vị quan lại còn trung thành với triều đại cũ tìm cách trốn khỏi kinh thành Thăng Long. Nhiều con cháu, hậu duệ họ Trần chạy trốn khỏi quê hương bản quán, trong số đó có anh em Trần Đạt.

Theo tộc phả họ Trần ở Quảng Thuận thì lúc đầu, từ quê hương Hải Ấp, phủ Thiên Trường (Nam Định) Trần Đạt cùng hai em trai là Trần Duy (còn có tên là Kế) và em gái là Trần Thị Ngọc Dung  lẻn trốn về quê ngoại ở phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng xem ra khó thoát khỏi cuộc vây ráp của quan binh nhà Hồ bèn dắt díu nhau chạy vào miền Trung, dừng chân ở  thôn Diên Phúc, xã Thịnh Quả, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Theo tộc phả họ Trần ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, anh em Trần Đạt là hậu duệ của Lang trung bộ Hộ tên là Trần Khôi.

Sau khi Hồ Quý Ly thoán ngôi, triều đình phong kiến nhà Minh ở phía Bắc lấy cớ “phò Trần diệt Hồ” cho quân vào xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly cùng con là Hồ Hán Thương và triều đình tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh nhưng nhanh chóng thất bại.

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi khởi binh ở núi Lam Sơn (Thanh Hóa) tự xưng là Bình Định vương rồi truyền hịch khắp nơi trong nước kể tội quân Minh, kêu gọi anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa đánh giặc cứu nước. Nhiều thân hào, sĩ phu, nghĩa dũng yêu nước trong đó có một số quý tộc họ Trần trước vận nước lâm nguy đã cùng nhau mộ quân đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn phò giúp Lê Lợi trong đó có hai anh em Trần Đạt và Trần Duy.

Tộc phả họ Trần ở Đức Thọ (qua Địa chí huyện Đức Thọ) cho biết: “Sau khi nhà Trần mất, chạy vào Nghệ An, Trần Đạt, Trần Duy (Kế) theo giúp Bình Định Vương Lê Lợi ...Trần Đạt, Trần Duy được xếp vào hàng công thần khai quốc, được ban quốc tính, tước quận công. Trần Đạt vào trấn ở Tân Bình trở thành Thủy tổ họ Trần ở Ba Đồn” .

Sự kiện này cũng được tộc phả họ Trần ở làng Thuận Bài và Thổ Ngọa ghi rõ: Thủy tổ Trần Đạt được phong là Thái Tế, tước Đường quốc công dưới thời Lý Thái Tổ. Thúc tổ là Trần Kế và Tổ cô là Ngọc Dung cung phi của Lê Thái Tổ...

Trong gia phả hay tộc phả khó có thể ghi hết những sự kiện của dòng họ, cũng vậy tộc họ Trần ở làng Diên Phúc (Đức Thọ) và Thuận Bài, Thổ Ngọa (Quảng Trạch) không ghi được hết những công tích của anh em, cha con Trần Đạt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng chắc hẳn anh em, cha con Trần Đạt phải lập được nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc tiến quân của Lê Lợi mới được liệt vào hàng khai quốc công thần được ban quốc tính, tước quận công. Hơn nữa việc bổ nhiệm Trần Đạt vào trấn giữ Tân Bình, cho thấy ông là vị tướng tài được Bình Định Vương - Lê Lợi tin dùng.

Vào trấn giữ Tân Bình, Trần Đạt định cư, khai phá vùng đất tả ngạn sông Gianh, trở thành thủy tổ họ Trần và đồng thời cũng là Thần hoàng của vùng đất mới.

Là quan trấn, Trần Đạt đi nhiều trong địa hạt của mình và chắc hẳn là người am tường địa lý nên khi nằm xuống ông chọn đảo Yến, một hòn đảo có phong thủy tốt lành khả dĩ cho con cháu, dân làng được nhiều đời yên bình, sung túc. Ngày nay, không những hậu duệ họ Trần ở Quảng Thuận mà cả con cháu họ Trần ở Đức Thọ, Hà Tĩnh hàng năm vẫn đến dâng hương tưởng nhớ tiên tổ. 

Con cháu Trần Đạt tiếp nối sự nghiệp của cha ông, nhiều người lập công lớn được phong tước dưới triều đại nhà Lê. Con Trần Đạt được phong tước Thanh Quận Công. Khi mất, ông cũng được an táng tại núi Rồng, Vũng Chùa nhìn ra đảo Yến như một lời nhắn gửi, hai cha con tướng lĩnh họ Trần dưới thời Lê Thái Tổ luôn gần nhau cùng giữ đất, giữ biển nơi địa đầu xứ Tân Bình.

Đời thứ ba, con của Thanh Quận Công được phong tước Vạn Quận Công. Từ đời này, nhà Lê chính thức ban cấp cho Vạn Quận Công thái ấp An Bài sau này trở thành xã An Bài (1 trong 68 xã của châu Bố Chính được Dương Văn An chép trong Ô Châu cận lục), sau đổi thành làng Thuận Bài như ngày nay. Hậu duệ họ Trần từ đời Thanh Quận Công trở xuống còn có thêm bảy vị được phong tước quận công. Ngoài ra còn có hai mươi mốt vị được phong tước hầu, tước bá. Về sau này, ở Thuận Bài, Thổ Ngọa và vùng đất Quảng Trạch nói chung, hậu duệ họ Trần nhiều người học rộng tài cao, làm quan thanh liêm giúp dân, giúp nước.

Dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai vị tướng họ Trần dưới triều Lê Thái Tổ, chúng tôi càng tự hào về trang sử chống ngoại xâm và khai canh mở ấp của các bậc tiền nhân. Vũng Chùa- Đảo Yến nơi Kim quy giáng tích, nơi Kình ngư quá hải, Mãnh hổ xuất lâm mãi mãi là đất thiêng thiên cổ.

Phan Viết Dũng