.

Chuyện hai vợ chồng người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ - Bài 2: Một đời nuôi cháu, tìm chồng

Thứ Tư, 03/09/2014, 07:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhớ lại: Năm 1981, Bảo tàng Hồ Chí Minh bất ngờ được đón hai vị khách khá đặc biệt từ Quảng Bình ra gồm một bà cụ già dắt theo cháu trai nhỏ. Bà cụ đưa tờ báo Nhân dân có bài viết của đồng chí Vũ Kỳ bảo mình tên Nguyễn Thị Cúc, vợ liệt sỹ Hoàng Văn Lộc. Sau khi tìm hiểu các nhân chứng để xác minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định đây chính là vợ ông Lộc ngày ông và Bác Hồ còn trên đất Thái Lan. Khi theo Bác Hồ qua Trung Quốc, ông Lộc có dặn lại: “Anh đi công việc cho thượng cấp, em ở lại, nếu ba năm anh không về em cứ đi lấy chồng”.

>> Bài 1: Nặng việc nước... gác lại tình riêng

Anh Lê Văn Lợi (áo tối màu) bên cạnh bia tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Văn Lộc tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên.
Anh Lê Văn Lợi (áo tối màu) bên cạnh bia tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Văn Lộc tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Nhưng không phải chỉ ba năm mà đến gần hết cuộc đời, bà Cúc mới tìm thấy bóng dáng chồng qua những dòng hồi ức, từng câu chuyện kể của đồng đội, đồng chí sống cận kề với chồng. Năm 1970, nhân dịp sinh nhật Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác có bài báo viết về ông Hoàng Văn Lộc đăng trên báo Nhân dân, nhưng mãi đến nhiều năm sau bà Cúc mới đọc được, mới biết chồng mình một lòng trung trinh theo Đảng, theo Bác Hồ.

Rất tiếc khi chia tay tại Thái Lan, vợ chồng ông Lộc, bà Cúc chưa có con. Bà Cúc một mình nhớ chồng càng tích cực tham gia các phong trào yêu nước của Việt kiều tại Thái Lan nhiều hơn. Năm 1960, bà về nước trong đoàn Việt kiều đầu tiên hồi hương. Về đến Việt Nam, bà được Ban Việt kiều phân công định cư tại Quảng Bình.

Anh Lê Văn Lợi, người thân, người con, người cháu nuôi duy nhất của vợ chồng liệt sỹ Hoàng Văn Lộc, Nguyễn Thị Cúc kể lại rằng: Bà kể năm 1928, khi Bác Hồ sang hoạt động tại Thái Lan, bà được Bác giao nhiệm vụ làm người đưa tin. Đám cưới của bà với ông Lộc được Bác tổ chức rất đơn sơ với tiệc cưới là hoa rừng và bánh trái tự tay Bác cháu làm lấy. Vợ chồng trẻ mừng vui, hạnh phúc khi giọt máu của ông Lộc đang lớn dần trong bà. Một lần mang truyền đơn đi giao cho cơ sở, bà bị địch bắt giam, tra tấn thừa sống thiếu chết. Đánh đến nỗi cái thai bung ra, sẩy mất. Sau khi ra tù, bà Cúc không còn khả năng sinh con được nữa.

Hồi đó gia đình ông ngoại của anh Lê Văn Lợi cũng là Việt kiều Thái Lan, tham gia hoạt động cách mạng trong tổ ông Lộc, bà Cúc. Ngày chuẩn bị theo Bác Hồ sang Trung Quốc, ông Lộc chân thành: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng, không biết sống chết thế nào. Vợ tôi bị địch đánh đến không còn khả năng làm mẹ. Sau này, hai người sinh nhiều con thì cho cô ấy một đứa để nuôi làm bầu bạn mỗi khi đau ốm, trái gió trở trời”.

Nhớ lời bạn chiến đấu, ông ngoại Lê Văn Lợi cho bà Cúc nhận nuôi mẹ của Lợi trong suốt quá trình ở Thái Lan cho đến khi về nước. Năm 1967, Lê Văn Lợi được khoảng chừng 10 tháng tuổi thì bà Cúc đón về nuôi. Thời gian này, bà Cúc cùng gia đình Lê Văn Lợi tản cư ra Nghệ An. Bố mẹ anh lên Quỳ Châu, riêng hai bà cháu Lợi ở lại thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn.

Vì mối quan hệ đặc biệt giữa hai gia đình nên Lê Văn Lợi được xem vừa là cháu nuôi, vừa là con nuôi, người thân duy nhất của bà Nguyễn Thị Cúc. Cho đến lúc bà Cúc nhắm mắt xuôi tay tại Nhà dưỡng lão Bình Trị Thiên ở thành phố Huế, đám tang bà cũng chỉ duy nhất một người mang khăn tang hiếu phục

Thư của đồng chí Vũ Kỳ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chu đáo lễ tang cụ bà Nguyễn Thị Cúc.
Thư của đồng chí Vũ Kỳ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chu đáo lễ tang cụ bà Nguyễn Thị Cúc.

đó là Lê Văn Lợi.

Thực ra, trước khi gặp đồng chí Vũ Kỳ trong lần ra Hà Nội năm 1981 để tìm tin tức chồng, bà Cúc từng hai lần một mình xuôi Bắc, mục đích gặp cho được Bác Hồ, xem ông Lộc sống chết thế nào. Lần thứ nhất năm 1961, khi mới ở Thái Lan về trọn năm. Dịp này Bác Hồ đi thăm Liên Xô. Gần 10 năm sau, năm 1969, bà Cúc gửi Lợi mới 2 tuổi cho hàng xóm xuống ga Vinh xin tàu ra Hà Nội tìm chồng. Thời điểm này sức khỏe Bác Hồ rất yếu nên bà Cúc đành gạt nước mắt quay về.

Cuối năm 1975, hai bà cháu trở về xã Lương Ninh, Quảng Ninh và cất căn chòi nhỏ sát cạnh gia đình bố mẹ ruột anh Lợi. Hàng ngày bà cháu xách nước, thuốc lá bán dạo kiếm sống ở phà Quán Hàu. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bà Cúc luôn yêu thương chăm sóc Lợi hết mình. Những đêm mưa to, căn nhà dột nát, nước mưa như trút, bà Cúc thường ngồi thao thức, lấy áo mưa che chắn cho Lợi ngủ. Có hôm ngủ say, hai con rắn học trò rơi xuống quấn quanh cổ Lợi, khó chịu Lợi kêu bà, bà Cúc từ từ nhẹ tay gỡ lũ rắn ra khỏi cổ cho Lợi...

Năm 1981, lúc này Lợi 14 tuổi và đang kỳ nghỉ hè, bà Cúc quyết chí ra Bắc lần thứ ba, cố tìm gặp bằng được đồng chí Vũ Kỳ xác minh tin tức về chồng mình. Để có được chuyến đi từ Quảng Bình ra Hà Nội, hai bà cháu chuẩn bị gần nửa năm. Đầu tiên là chẻ ống tiết kiệm gom được 3 đồng 6 hào cộng với tiền bán nước dành dụm. Bán đàn gà chọi của Lợi nuôi thêm được 11 đồng 8 hào.

Hai bà cháu cơm đùm, bánh bới, xin xe quá giang xuống ga Thuận Lý, rồi lên tàu Đồng Hới- Vinh. Đến Vinh, ở lại đây một ngày, cơm bánh mang theo, hai bà cháu ăn hết. Ngày hôm sau từ Vinh đi Thanh Hóa bằng tàu chở gỗ. Tiếp tục ở lại Thanh Hóa một buổi đến tối rồi xin tiếp tàu ra Hà Nội. Hai bà cháu có mặt tại thủ đô Hà Nội sau 3 ngày đường.

Hai bà cháu được một người quen là Việt kiều hoạt động cách mạng cùng nhóm ông Lộc, bà Cúc thời còn ở Thái Lan và các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đưa đi gặp đồng chí Vũ Kỳ. Và tại cuộc hội ngộ hết sức xúc động này, bà Cúc biết tường tận về cuộc đời của chồng và được trả lại danh phận cho bản thân mình. Một lần chia tay, ba lần ra Bắc ngóng tin chồng. Thời gian bẵng trôi đến hơn 50 năm trời!

Bà Cúc và anh Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Vũ Kỳ và cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lần hai bà cháu ra Hà Nội năm 1981 tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Bà Cúc và anh Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Vũ Kỳ và cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lần hai bà cháu ra Hà Nội năm 1981 tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Cũng trong năm 1981, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Trị Thiên tạm cấp cho bà Nguyễn Thị Cúc được hưởng chế độ 12 đồng/tháng. Năm 1981, Ban Tổ chức Trung ương giải quyết cho bà hưởng chế độ hưu trí đặc biệt với 87 đồng/tháng cộng với tem phiếu loại C (mức hưởng tương đương chế độ cán bộ thuộc diện Thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ). Có chế độ và dù cuộc sống rất khó khăn nhưng cuốn sổ lương bà Cúc cất kĩ vào góc tủ, chưa một lần nhận khoản tiền này. Bà chỉ sử dụng số tem phiếu để mua hàng.

Năm 1982, đồng chí Vũ Kỳ có chuyến công tác vào các tỉnh miền Nam, trên đường đi, ghé nhà thăm bà Cúc và tặng cho hai bà cháu món quà rất quý: quả bí đao rất dài với một buồng chuối to được trồng trong Phủ Chủ tịch. Nhận được quà, bà Cúc mang ra chia đều cho bà con lối xóm... Đồng chí Vũ Kỳ khi làm việc với chính quyền địa phương đã đề nghị xã Lương Ninh làm cho hai bà cháu bà Cúc một ngôi nhà hai gian lợp ngói, trét phên đất trên nền cái chòi cũ...

Nhà làm xong, ở được một thời gian, do sức khỏe của bà Cúc ngày một yếu dần. Biết tin, đồng chí Vũ Kỳ đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên khi đó là đồng chí Vũ Thắng đón bà Cúc vào Nhà dưỡng lão của tỉnh Bình Trị Thiên ở thành phố Huế để thuận tiện chăm sóc bà khi tuổi già sức yếu. Năm 1985, đích thân đồng chí Vũ Kỳ làm văn bản đề nghị Nhà nước truy tặng ông Hoàng Văn Lộc là liệt sĩ và giải quyết cho bà Cúc được hưởng chế độ vợ liệt sĩ.

Khi nhắm mắt xuôi tay vào năm 1990, thể theo nguyện vọng của bà Nguyễn Thị Cúc, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế sau khi tổ chức lễ tang chu đáo đã để anh Lợi đón về quê an táng, tiện bề hương khói.

Bên cạnh ngôi mộ bà Nguyễn Thị Cúc tại xã Lương Ninh, anh Lê Văn Lợi đắp thêm ngôi mộ gió ghi tên ông Hoàng Văn Lộc, cho bà Cúc mãi mãi có người bạn tâm giao nơi chốn vĩnh hằng sau hơn 50 năm chia xa.

Hương Trà