.

Tiếp cận một nền văn hóa - Kỳ 1: Lần theo phế tích

Thứ Sáu, 08/08/2014, 15:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tiến trình phát triển của lịch sử, mảnh đất Quảng Bình từng là vùng lãnh thổ của vương quốc Chămpa hưng thịnh. Trước khi chịu sự phán quyết nghiệt ngã từ quy luật tồn tại của lịch sử, dân tộc ấy đã vừa phải kiên trì vật lộn với những thử thách của tự nhiên, vừa đương đầu với nhiều thế lực của xã hội trong cuộc giành giật sinh tử để không ngừng tạo lập và phát triển vương quốc. Hơn chục thế kỷ tồn tại ở Quảng Bình, bộ phận dân cư Chămpa đã để lại một di sản văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trên mảnh đất này.

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, những di tích văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình đã bị mai một, tàn phá bởi chính sự khốc liệt của thời gian và bao cuộc chiến chinh. Lần theo những phế tích còn sót lại trên mảnh đất này, nghe vọng về đâu đó những thanh âm của một nền văn hóa rực rỡ đã quá vãng – nền văn hóa Chămpa.

Buồn, vui phế tích

Vương quốc Chămpa hình thành và phát triển trên dải đất miền Trung trải dài từ Hoành Sơn, ranh giới cực Bắc tỉnh Quảng Bình đến tận phía Bắc sông Dinh, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận ngày nay). Theo cuốn sách “Quảng Bình thời khai thiết” của TS. Phan Viết Dũng, sau khi mở rộng biên giới, nhận thấy mảnh đất ngay dưới chân dãy Hoành Sơn là địa bàn xung yếu, địa đầu phía bắc của đất nước, các triều đại Chiêm Thành đã lo xây dựng hệ thống đồn lũy trên vùng đất Quảng Bình khá kiên cố.

Trải qua hàng chục thế kỷ, nhiều công trình kiên cố ấy nay chỉ còn lại một số thành lũy nằm rải rác ở một số địa phương trong tỉnh. Sức tàn phá khốc liệt của thời gian và chiến tranh đã làm không ít các thành lũy từng là bức tường thành vững chãi xưa bị mai một, biến dạng đi nhiều.

Người viết đã có một cuộc thực địa đi đến từng địa chỉ đỏ, những nơi từng được biết đến là “Thánh địa Chăm” trên mảnh đất Quảng Bình. Ngay tại đèo Ngang (Quảng Đông, Quảng Trạch) vẫn còn đó dấu tích của một lũy xây bằng đất và đá, chạy dài ra đến sát biển, đây được gọi là Lũy Lâm Ấp – từng được xây dựng làm ranh giới giữa hai nước Lâm Ấp và Đại Việt xưa. Cách đó khá xa là lũy Hoàn Vương, kéo dài từ khu vực Trung Thuần (Quảng Lưu) ra đến vùng Quảng Tiến, Quảng Châu. Khác với Lũy Lâm Ấp được cấu tạo chủ yếu bằng đá, Lũy Hoàn Vương là một trường lũy được đắp bằng đất. Chính bởi thế mà, toàn bộ tuyến lũy dễ dàng bị biến dạng bởi thời tiết, sự canh tác của người dân.

Bức thành phía Đông của thành Ninh Viễn (Lệ Thủy) chỉ còn là những ụ đất nổi lên.
Bức thành phía Đông của thành Ninh Viễn (Lệ Thủy) chỉ còn là những ụ đất nổi lên.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện dấu tích của một trường lũy xưa chỉ còn khá mờ nhạt, rất ít dân địa phương biết rằng, ngay trên chính mảnh đất họ đang sống và canh tác, xưa chính là một bức trường lũy kiên cố. Và cũng bởi trải qua nhiều thời gian, những vết tích cổ xưa nhất cũng vốn không còn mang dáng vẻ nguyên thủy do sự sử dụng kế thừa của các thế hệ chủ nhân người Việt suốt bao thế kỷ về sau.

Thành Nhà Ngo, hay còn gọi là thành Ninh Viễn (Liên Thủy, Lệ Thủy) được xây dựng trong suốt thời kì Chiêm Thành. Cho đến nay, thật khó có thể hình dung được đây xưa kia chính là bức thành kiên cố “một mặt dựa núi, ba mặt cách sông” (Ô Châu Cận Lục – Dương Văn An) bởi hầu hết diện tích của thành đã được người dân sử dụng canh tác và sinh sống. Chỉ có lũy thành phía Đông – một dải đất chạy nhô lên giữa cánh đồng làng Uẩn Áo là còn mang dáng dấp một thành lũy xưa với các ụ đất lô nhô, các lũy thành còn lại hoặc bị xói lở hoặc đã bị đào bới, san bằng để làm nhà. Đường liên thôn chạy qua tạo thành trục ngang cắt thành làm hai nửa.

Bà Lê Thị Gái, một người dân hiện đang sống ngay trong khu vực thành kể lại rằng, xưa, khi thành làng Uẩn Áo vẫn còn là một dải đất trống, vào mùa mưa lũ, cả vùng chìm trong nước mênh mông trừ tòa thành, nên dân làng lên đó để tránh. Về sau, có lẽ nhận ra ưu thế của tòa thành trong vùng đồng trũng hay bị lũ lụt, cùng với quá trình sinh cư người dân đã làm nhà trên mặt thành, dẫn đến các lũy thành bị biến dạng rồi dần dần bị vùi lấp.

Sau khi dời đi, người Chăm để lại những vùng đất họ đã từng sinh sống một hệ thống đền tháp với lối kiến trúc độc đáo, sinh động. Đi dọc mảnh đất Quảng Bình hôm nay, không còn hình ảnh những ngôi đền Chăm cổ kính soi bóng xuống dòng Linh Giang, Đại Giang, Kiến Giang như xưa nữa, song vẫn còn có rất nhiều những địa điểm có dấu tích về sự hiện diện của các công trình đền tháp.

Theo cuốn “Địa chí Quảng Bình” của TS. Nguyễn Khắc Thái, từ đầu thế kỷ 20, nhiều nhà khảo cổ người Pháp đã tiến hành khai quật và tìm thấy nhiều dấu tích của các ngôi tháp Chăm ở Mỹ Đức (Sơn Thủy, Lệ Thủy), Đại Hữu (An Ninh, Quảng Ninh), Vân Tiền (Quảng Lưu, Quảng Trạch). Trọn một thế kỷ trôi qua, nhiều đoàn khảo sát đã tìm thấy hàng chục bức tượng Chăm tại Mỹ Đức, Đại Hữu – mảnh đất từng được coi là “Thánh địa Chăm” của Quảng Bình.

Phần lớn trong số đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình. Riêng đối với các công trình đền tháp Chăm, do những biến động lịch sử, sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, ngày nay, những tháp này chỉ còn lại phế tích với những nền móng chôn sâu vào lòng đất. Khu mộ cổ Vân Tập (Quảng Lưu, Quảng Trạch) nay cũng chỉ còn tồn tại trong ký ức của những bậc cao niên.

Ngọt mát nước giếng Chăm

Đến xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch), chúng tôi ngạc nhiên bởi nơi đây còn lưu giữ khá nhiều giếng nước cổ, bốn giếng ở làng Pháp Kệ, một giếng ở làng Đông Dương. Nước giếng trong veo, mát rượi, được người làng bảo quản như báu vật truyền đời.

Giếng vuông cổ ở Pháp Kệ, Quảng Phương.
Giếng vuông cổ ở Pháp Kệ, Quảng Phương.

Trong những giếng cổ đó, giếng vuông ở xóm Nam (thôn Pháp Kệ) nổi danh hơn cả về vẻ đẹp và cả dòng nước mát lành của nó. Cấu trúc của loại giếng cổ nơi đây có hình vuông hoặc tròn, xếp đá gốc. Một số khác đã được cải tạo lại để phù hợp với nhu cầu của nhân dân địa phương, nhưng nhìn chung chúng đều là những giếng có mạch nước trong vắt vọt lên, tiết ra, rỉ ra từ lòng đất, dưới chân các triền đồi. Quanh năm suốt tháng, các giếng này không bao giờ cạn.

Đó là những công trình phục vụ đắc lực cho sinh hoạt con người và sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tân, một cao niên trong làng kể lại rằng từ bao đời nay, cả những năm hạn hán, khô cạn nhất, nước trong các giếng cổ ấy vẫn đầy ăm ắp, trong lành, ngọt mát. Ông còn nhớ, những năm 60 thế kỷ trước, khi cả vùng Quảng Trạch đều bị khô hạn, người dân các vùng Quảng Tùng, Quảng Thanh, Quảng Phong... ùn ùn kéo nhau sang múc nước ở làng về uống. “Lạ kỳ, càng múc thì nước càng đầy, chưa khi mô thấy giếng làng trơ đáy”, ông lão tự hào.

Ngàn năm trước, xã Quảng Phương là nơi người Chăm sinh sống. Di chỉ Cồn Nền thuộc địa phận xã Quảng Phương được cố Giáo sư Trần Quốc Vượng xác định hơn 3.500 năm tuổi. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều vật dụng như rìu, cuốc..., cùng hàng ngàn mảnh gốm, nồi, niêu, vò..., mang dáng dấp của nền văn hóa Chămpa một thuở. Những “hiện vật sống” của di chỉ Cồn Nền còn sót lại là những giếng nước Chăm, mà theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là hơn 1.000 năm tuổi.

Người Quảng Phương tự hào có làng Pháp Kệ là một trong những làng cổ nhất của mảnh đất Quảng Bình. Và những giếng nước trầm mặc, vững chãi với thời gian chính là nơi chốn thiêng liêng để những người con xa quê luôn thao thiết nhớ về. Ở cạnh giếng nước lớn nhất làng Pháp Kệ có một ngôi miếu cổ phủ kín rêu phong. Hằng năm, mỗi dịp tiết thanh minh, người dân làng Pháp Kệ lại sắp cỗ ra giếng Chăm cúng bái, tổ chức hội hè, khấn thờ giếng thiêng.

Theo ông Tạ Đình Hà, nguyên trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, sở Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình, hiện tại tỉnh ta còn có rất nhiều giếng nước cổ, được xác định là di sản của người Chăm hàng ngàn năm tuổi. Những hiện vật này nằm rải rác ở các xã như Quảng Tùng, Quảng Phú, Quảng Minh, Quảng Hòa...

Đến nay, nhiều giếng cổ vẫn được người dân địa phương sử dụng hiệu quả, nhất là vào những ngày nắng hạn kéo dài. Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả các giếng có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún.  Nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định kể cả những ngày nắng hạn.

Vì thế, kỹ thuật chống xâm mặn, bí quyết tìm mạch nước vô cùng tài tình của người Chăm thu hút sự tìm tòi của nhiều học giả. Hơn thế, những giếng cổ Chăm còn sót lại trên mảnh đất Quảng Bình còn mang trong mình trọng trách thiêng liêng là mang dáng hồn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Diệu Hương

Kỳ 2: Giữ gìn cho muôn đời sau