.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Bảy, 08/02/2014, 14:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Một năm sau, Quý Sửu (1313) nước Chiêm Thành bị quân Xiêm (Thái Lan) tiến đánh, vua Trần sai Đỗ Thiên Hư đi kinh lược Nghệ An, Lâm Bình đưa quân sang cứu giúp.

Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Xiêm, quan hệ Chiêm Thành và Đại Việt từng bước được cải thiện, song Chiêm Thành vẫn âm mưu đòi lại vùng Châu Thuận, Châu Hoá cũng như Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh trước đây. Họ thường cho quân quấy phá vùng biên ải và nhiều lần cất quân đánh chiếm lãnh thổ của Đại Việt. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, nhà Trần đã nhiều lần đưa quân đánh Chiêm Thành nhằm mục đích răn đe, phòng vệ.

Năm Mậu Ngọ (1318), vua Trần Minh Tông cử Vũ Huệ đại vương là Vũ Chẩn cùng Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão đem quân tiến đánh Chiêm Thành. Phạm Ngũ Lão cho quân đánh tập hậu, vua Chiêm là Chế Năng bỏ kinh thành chạy trốn, quân Trần bắt được nhiều tù hàng binh, rồi cho quân rút về nước, giữ vững biên cương phía nam.

Nửa sau thế kỷ XIII, vương triều nhà Trần ngày càng suy yếu. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông, triều Trần lúc đầu còn quan tâm đến việc khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước, nhưng về sau lại  nhân thắng lợi và hoàn cảnh hoà bình lo củng cố địa vị thống trị và  thâu tóm những thành quả xây dựng của nhân dân vào tay một số quan lại thống trị. Quý tộc nhà Trần lợi dụng quyền thế không ngừng chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột nặng nề, đời sống dân chung vô cùng đói khổ. Chế độ áp bức bóc lột ngày càng đè nặng lên đầu nhân dân.

Người nông dân công xã không những bị cướp đoạt ruộng đất mà còn phải nộp tô thuế, chịu lao dịch, quân dịch nặng nề. Nạn cho vay nặng lãi và tệ nạn tham nhũng đục khoét của bọn quan lại làm cho đời sống của nhân dân càng thêm thống khổ. Từ cuối thế kỷ XIII đã xẩy ra những nạn đói lớn. Tầng lớp bị bóc lột nặng nề nhất trong xã hội lúc này là những người nô tỳ.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, họ đã chiến đấu dũng cảm và lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhưng theo chế độ nhà Trần họ không được phong chức tước, không được đãi ngộ xứng đáng, giờ đây lại bị áp bức bộc lột nặng nề. Chính vì lẽ đó làm cho những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra kéo dài suốt gần một thế kỷ. Trong lúc đó vua quan và quý tộc nhà Trần lại sống một cuộc sống xa hoa, truỵ lạc. Vua Trần Dụ Tông (1341-1369) ăn chơi vô độ.

Trong triều thì bọn gian thần hoành hành. Chu Văn An một nhà nho cương trực, đã dâng sớ xin chém bảy gian thần, nhưng không được chấp thuận, ông liền từ quan xin về dạy học. Từ đầu thế kỷ XIV, triều Trần ngày càng suy đồi mục nát.

Trước tình hình mâu thuẫn xã hội ở trong nước ngày càng gay gắt, nhà Trần lại chủ trương phát động chiến tranh với các nước láng giềng đặc biệt là với Chiêm Thành ở phía nam để hòng củng cố nền thống trị của mình và đề cao uy tín với nước ngoài. Chính sách đối ngoại đó đã làm cho quan hệ với các nước láng giềng thêm căng thẳng, đưa đến những cuộc chiến tranh liên miên, đời sống của nhân dân trong nước thêm khốn khổ.

Trong lúc đó ở phía nam, nhà nước Chiêm Thành dưới triều đại của Chế Bồng Nga đang ra sức khôi phục lực lượng, xây dựng quân đội, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh với Đại Việt hòng lấy lại những vùng đất đã dâng nộp trước đây.

Đầu năm Quý Tỵ (1353) Trần Dụ Tông xuống chiếu cho các vương hầu đóng thuyền chiến, chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ chuẩn bị chiến tranh với Chiêm Thành. Tháng 6 cử đại binh theo hai đường thuỷ, bộ tiến đánh Chiêm Thành. Quân bộ đến Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) quân thuỷ chở luơng gặp trở ngại không hợp quân được buộc phải quay về. Tháng 9 năm đó quân Chiêm Thành đánh cướp Hoá Châu, vua Trần cử Trương Hán Siêu đi trấn giữ, vất vả lắm mới giữ được.

Trước nguy cơ xâm phạm biên giới, quấy phá các châu ở phía nam của quân Chiêm Thành, nhà Trần đã cho tăng cường củng cố lực lượng quân đội, xây dựng thành trì vững chắc. Năm 1361 vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga tiến quân đánh Đại Việt, chiếm cảng Dã Lý (thuộc Lý Hoà, Hải Trạch, Bố Trạch ngày nay).

Quân Chiêm Thành tàn phá, giết hại nhiều người rồi mang theo nhiều của cải cướp được xuống thuyền về nước. Trước tình hình đó vua Trần cử Phạm A Song vào làm tri phủ Lâm Bình; lại sai Đỗ Tư Bình lấy quân ở Lâm Bình và Thuận Hoá sửa sang thành Hoá Châu cho bền vững.

Tháng 3 năm Bính Ngọ (1366) quân Chiêm Thành lại tiến hành cuộc chiến tranh đánh vào đất Lâm Bình (Quảng Bình) nơi Chế Củ đã dâng cho Đại Việt từ năm 1069. Nhân dân Lâm Bình dưới sự chỉ huy của Phạm A Song đã đánh tan quân xâm lược Chiêm bảo vệ quê hương và lãnh thổ của đất nước. Phạm A Song được phong làm Đại tri phủ phủ Lâm Bình, hành quân thủ ngự sư. Tháng 12 năm Đinh Mùi (1367) vua Trần Dụ Tông lại sai Trần Thế Hưng làm thống quân hành khiển và Đỗ Tư Bình làm phó đi đánh Chiêm Thành.

Tháng 2 năm Mậu Thân (1368) vua Chiêm Thành cho sứ là Mục Bà Ma sang đòi lại vùng đất Hoá Châu. Lúc này quân của Trần đến Chiêm Động (đất Chiêm Thành) bị quân Chiêm phục kích, Trần Thế Hưng bị bắt. Quân Trần tan vỡ, Trần Tử Bình phải rút quân về nước.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)