.

Trường THCS và THPT Hóa Tiến: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 23/08/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, Trường THCS và THPT Hóa Tiến là nơi giáo dục và đào tạo học sinh bậc trung học cho 7 xã Hóa Tiến, Hóa Thanh, Hóa Hợp, Hóa Phúc, Hóa Sơn, Dân Hóa và Trọng Hóa. Những năm qua, với nhiệt huyết vì sự nghiệp "trồng người", đội ngũ nhà giáo nơi đây đã nỗ lực không mệt mỏi, góp sức mình nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng cao, đặc biệt là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm ấm lòng người dân miền biên viễn phía tây tỉnh nhà.

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, trong một thung lũng nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn, Trường THCS và THPT Hoá Tiến là nơi hội tụ của trên 500 học sinh người Kinh và con em của các tộc người Khùa, Mày, Sách, Thổ... đều thuộc diện đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 giai đoạn II. Mức sống của người dân nơi đây khá thấp, thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản; trình độ dân trí còn hạn chế, nên việc học hành của con em đều giao trọn cho thầy cô giáo.

Xác định trách nhiệm của mình, tập thể nhà trường đã thống nhất đoàn kết, cố gắng hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục miền núi. Nhà trường đã tăng cường kỷ cương nền nếp đối với học sinh. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tích nổi bật được duy trì thường xuyên, đã có ảnh hưởng tích cực đến phong trào thi đua vươn lên trong học tập của học sinh toàn trường. Kỷ cương, nền nếp cũng được yêu cầu ở tất cả các cán bộ, giáo viên. Yêu cầu đối với giáo viên phải có đầy đủ hồ sơ, sổ sách, ký duyệt giáo án trước khi lên lớp, không bỏ tiết, cắt xén chương trình. Công tác đào tạo cán bộ, giáo viên được quan tâm đúng mức; đơn vị đã tạo mọi điều kiện để giáo viên được tham gia các lớp, khóa học nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng nâng chuẩn.

Hàng năm, nhà trường còn tổ chức nhiều phong trào thi đua nhằm phấn đấu đưa chất lượng dạy và học nâng lên từng bước. Giải pháp nâng cao chất lượng đại trà được nhà trường đưa ra là tăng cường chất lượng giờ dạy của giáo viên trên lớp, tích cực tham gia dự giờ, thăm lớp, thao giảng... Nhờ vậy, chất lượng đại trà được nâng lên qua từng năm học, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đến năm học 2015-2016 đã đạt 30%; trường có một giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng 2 năm học liên tục 2014-2015 và 2015-2016 nhà trường được UBND tỉnh tặng thưởng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Trường THCS và THPT Hoá Tiến được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2015-2016.
Trường THCS và THPT Hoá Tiến được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2015-2016.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hoá Tiến cho biết: Thời gian qua, việc phụ đạo học sinh yếu kém, tích cực bồi dưỡng học sinh khá, giỏi làm nòng cốt cho phong trào “Dạy tốt - Học tốt” trong nhà trường được tiến hành thường xuyên, thực hiện nghiêm túc. Nhà trường đang phấn đấu nâng cao chất lượng mũi nhọn, chỉ đạo phong trào học sinh giỏi với nhiều hình thức phong phú. Hàng năm, nhà trường đều có học sinh đạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong năm học 2015-2016, toàn trường đạt 8 giải cấp tỉnh (với 7 giải học sinh giỏi các môn văn hóa và 1 giải thi nghiên cứu khoa học); tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh học sinh của Trường THCS và THPT Hoá Tiến đã giành giải nhất toàn đoàn môn đẩy gậy; đặc biệt em Đinh Thị Thùy Linh, học sinh lớp 11A1 đã xuất sắc đạt giải ba hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp toàn quốc (thí sinh duy nhất của Quảng Bình đạt giải).

Bên cạnh đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là thế mạnh của trường, luôn được duy trì và phát triển tốt. Trường có đội bóng chuyền và bóng đá khá mạnh, thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu với các đơn vị bạn, các địa phương nơi trường đóng và tham gia đầy đủ các phong trào do Công đoàn ngành phát động... tạo được không khí sôi nổi, vui vẻ đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, giúp mọi người gắn bó hơn với mảnh đất vùng cao còn nhiều gian khó.

Với đặc thù của một ngôi trường có gần 20% con em đồng bào dân tộc thiểu số, từ bản xa nhất đến trường khoảng 40km (trong đó có hơn 20km đường rừng). “Những năm học trước đây các em đi học phải tự túc chỗ ăn, chỗ ở, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn diễn ra. Hơn nữa chất lượng đầu vào của học sinh dân tộc thiểu số thấp, nhiều em có tư tưởng ỷ lại, lười học... Để khắc phục tất cả những khó khăn đó, nhà trường đã đưa ra giải pháp không tập trung học sinh dân tộc thiểu số vào một lớp mà trong một khối phân chia đều theo các lớp, mỗi lớp có từ 5-7 em học sinh dân tộc thiểu số để giáo viên chủ nhiệm dễ quan tâm, kèm cặp theo sát từng em; đồng thời phân công các bạn có học lực khá, giỏi giúp đỡ, hỗ trợ các bạn học sinh người dân tộc. Sau giờ lên lớp các thầy cô giáo bộ môn tăng cường phụ đạo, dạy thêm miễn phí cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm, động viên về đời sống vật chất cũng như tinh thần; đáp ứng đầy đủ các chế độ chính sách mà các em được hưởng, miễn tất cả các khoản đóng góp; ưu tiên dành các suất học bổng, các nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số...” - thầy Hải chia sẻ.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả thầy và trò, bằng tình yêu thương thấu hiểu lẫn nhau (nhiều giáo viên tâm huyết đã tự học tiếng dân tộc thiểu số để trò chuyện, cảm thông chia sẻ với các em), nên chất lượng học sinh dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh yếu kém giảm dần qua từng năm và có những em đã nỗ lực vươn lên đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua, Trường THCS và THPT Hoá Tiến có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 87%; trong đó có 12/16 em học sinh dân tộc thiểu số đỗ tốt nghiệp (toàn trường có 8 em không đỗ tốt nghiệp).

Nhìn lại chặng đường 18 năm xây dựng và trưởng thành, bằng công tác xã hội hóa giáo dục huy động sức đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước mà cơ sở vật chất của trường đã có sự tăng trưởng khá; đủ phòng học kiên cố và phòng ở cho cán bộ, giáo viên; có bể nước, tháp nước sinh hoạt, có đường bê tông đi lại, mua sắm nhiều thiết bị dạy học hiện đại... Đặc biệt, Trường THCS và THPT Hoá Tiến vừa được Nhà nước đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng mô hình nhà bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. “Bước vào năm học mới 2016-2017, trường sẽ đón gần 100 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học bán trú. Các em được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền ăn, ở và chi phí học tập của Nhà nước. Nhà trường sẽ tổ chức nấu ăn cho các em với mức 32.000 đồng/3 bữa/1ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về nơi ăn chốn ở để các em yên tâm học tập, cùng sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình chu đáo của đội ngũ giáo viên nhà trường, tin chắc rằng, từ năm học này chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số không chỉ được nâng lên mà tình trạng bỏ học giữa chừng cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất” - thầy Hải khẳng định.

Tuy nhiên, trước mắt nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Nhưng những gì mà Trường THCS và THPT Hoá Tiến làm được đã góp một phần đáng kể trong sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi. Cùng với sự đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), chất lượng giáo dục của nhà trường chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nữa, đem đến niềm tin cho nhân dân và học sinh vùng cao Minh Hóa.

Nội Hà