.

Tuổi trẻ Minh Hóa xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 03/01/2014, 15:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Với phương châm “Mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) một việc làm tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, Huyện đoàn Minh Hóa đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động đa dạng phong phú, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Trong hơn 2 năm qua, đã có nhiều công trình, phần việc thanh niên được tuổi trẻ trong toàn huyện thực hiện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiều công trình, phần việc thanh niên thiết thực

Anh Đinh Xuân Thông, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa cho biết, Minh Hóa là một huyện miền núi nên đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, lại là nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt, xói lở gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ngay từ những ngày đầu phát động chương trình hành động “Tuổi trẻ Minh Hóa xung kích, tình nguyện chung tay xây dựng NTM”, 15/15 Đoàn cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều họat động tình nguyện sôi nổi, thiết thực trong “Tháng thanh niên”, “Chiến dịch hè tình nguyện, “Thứ bảy tình nguyện” và “Ngày chủ nhật xanh”...

Cụ thể, các đơn vị đã huy động 2.740 ngày công của ĐVTN tham gia giải tỏa hành lang ATGT, tổ chức thu gom rác thải và tổng dọn vệ sinh môi trường tại trụ sở UBND xã, cơ quan làm việc, trường học, khu vực chợ, các trục đường giao thông... thu gom trên 38 tấn rác thải.

Ngoài việc tổ chức ra quân dọn vệ sinh với số lượng lớn, các cơ sở Đoàn còn tiến hành trồng 210 cây cảnh tại các trường tiểu học, trường mầm non, trụ sở UBND xã, trị giá khoảng 110 triệu đồng; xung kích tình nguyện sửa chữa làm mới 3 đập tràn, 56 nhà văn hóa, điểm vui chơi tại các thôn bản với trên 4.857 ngày công và tổng trị giá ước khoảng 70 triệu đồng.

Cũng từ đó, đã xuất hiện nhiều đơn vị xây dựng nhiều công trình thanh niên có ý nghĩa thiết thực như công trình thanh niên hoàn thiện phòng truyền thống nhà trường với tổng giá trị trên 90 triệu đồng của Trường THCS-THPT Hoá Tiến, công trình xây lan can, làm câu khẩu hiệu phía trước tiền sảnh của nhà trường, mua và trồng thêm cây cảnh trong khuôn viên nhà trường của Đoàn trường THPT Minh Hoá, công trình làm cột cờ, ảnh Bác, làm câu khẩu hiệu của Đoàn trường THCS và THPT Trung Hoá...

Công trình “Thắp sáng đường quê” cũng là một hoạt động lớn của tuổi trẻ Minh Hóa vì cuộc sống cộng đồng. Mặc dù gặp không ít khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nhưng với tinh thần xung kích tình nguyện, đầy sáng tạo, mỗi cơ sở Đoàn đều chủ động xây dựng những cách làm hay, hiệu quả.

ĐVTN tham gia dọn vệ sinh tại các trục đường chính sau bão số 10.
ĐVTN tham gia dọn vệ sinh tại các trục đường chính sau bão số 10.

Đến nay, 4 Đoàn xã điểm xây dựng nông thôn mới đã thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” gồm các xã Trung Hóa, Hóa Phúc, Hóa Hợp, Quy Hóa. Ngoài nguồn kinh phí đóng góp của các ĐVTN thì các đơn vị cũng đã huy động thêm nguồn lực khác xây dựng công trình thắp sáng đường quê với tổng trị giá trị gần 70 triệu đồng. Đặc biệt, các chi đoàn Yên Phú, Liêm Hóa 1, Liêm Hóa 2 (xã Trung Hóa) đã tham mưu cho chi ủy, kêu gọi, vận động các hộ gia đình trong thôn tự bỏ kinh phí mua sắm bóng, chụp và cần treo đèn, dây điện, đoàn viên của chi đoàn tình nguyện lắp đặt.

Chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo

Cùng với việc tham gia các hoạt động tình nguyện, Đoàn thanh niên các cấp cũng đã phát huy tốt vai trò đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, nhất là hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc huy động nguồn lực hỗ trợ các thanh niên nghèo có vốn, công cụ lập nghiệp, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu tại địa phương cũng đã được thực hiện khá hiệu quả. Nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn vào chăn nuôi, sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Tiêu biểu như anh Đinh Văn Giảng với cửa hàng văn phòng phẩm, dịch vụ internet mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng (xã Yên Hóa). Mô hình xưởng mộc của anh Nguyễn Thanh Cường xã Yên Hóa) cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 thanh niên trên địa bàn. Ngoài ra còn có các mô hình chăn nuôi của anh Cao Văn Hướng  (xã Trung Hóa), Trương Đức Long (xã Tân Hóa)...

Các mô hình trồng cây nguyên liệu như tràm, keo lai, cây cao su của thanh niên tiếp tục được đầu tư, nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.020 ha rừng cây nguyên liệu, hơn 80 ha cây cao su do các hộ là ĐVTN đầu tư trồng và chăm sóc tập trung ở các xã như Hoá Thanh, Hoá Tiến, Trung Hoá, Thượng Hoá, Xuân Hoá, Yên Hóa. Tiểu biểu có anh Cao Quang Bắc (xã Trung Hóa), Cao Xuân Tân (xã Thượng Hóa)...

Minh Hóa là huyện miền núi tập trung số lượng ĐVTN không có việc làm ổn định khá lớn. Chính vì vậy công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề luôn được BTV Huyện đoàn quan tâm, chú trọng. Thông qua các buổi tập huấn đã lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp và các hoạt động hướng nghiệp, động viên, khuyến khích thanh niên vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Thời gian qua, toàn huyện đã mở 15 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 1.150 ĐVTN. 5/5 Đoàn trường học tổ chức hướng nghiệp, tư vấn việc làm  cho 4.675 đoàn viên thanh niên từ khối 9 và 12, thường xuyên tư vấn, định hướng cho học sinh khối 12 trong việc lựa chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường, học lực và gia đình cũng như nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh tổ chức 08 buổi tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 535 ĐVTN và phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn mở 1 lớp tập huấn cho 80 cán bộ Đoàn làm công tác giảm nghèo.

Trong đợt bão lũ vừa qua, bên cạnh việc huy động ĐVTN ra quân giúp dân khắc phục thiên tai, BTV Huyện đoàn còn kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ  tiền của, các nhu yếu phẩm thiết yếu với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống . Anh Thông khẳng định, những hoạt động đó đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, tiếp tục khẳng định tinh thần xung kích tình nguyện và sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Lan Chi