.

Một thời trên đất nước Triệu voi

Chủ Nhật, 19/06/2016, 11:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như giai đoạn hiện nay, Việt Nam và Lào luôn có mối quan hệ mật thiết, máu thịt. Với riêng tỉnh Quảng Bình và hai tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet, tình thân càng khăng khít hơn, "núi liền núi, sông liền sông", "môi hở, răng lạnh" đúng như lời Bác Hồ nói: "Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long".

 

Mở đường Trường Sơn trên đất Lào. (Ảnh: Tư liệu)
Mở đường Trường Sơn trên đất Lào. (Ảnh: Tư liệu)

Ban C Quảng Bình

Năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với tỉnh Khăm Muộn, Quảng Bình kết nghĩa với Savannakhet. Thực hiện chủ trương này, tỉnh Quảng Bình đã cử đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị chính thức và ký biên bản đặt quan hệ kết nghĩa, giúp đỡ, hợp tác với tỉnh Savannakhet.

Sau chuyến thăm, Ban công tác miền Tây Quảng Bình (Ban C) được thành lập, tiến hành giúp bạn trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng cơ sở, kinh tế và phát triển văn hóa.

Tỉnh Quảng Bình cử 71 chuyên gia chính trị giúp bạn xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; 7 cán bộ quân sự, công an; 40 chuyên gia về kinh tế; 80 chuyên gia về y tế, giúp xây dựng Bệnh viện huyện Na Nhôm; 40 chuyên gia và giáo viên giúp bạn thành lập Trường trung cấp sư phạm, Trường Văn hóa thanh niên dân tộc, Trường Thiếu niên tại huyện Mường Phìn; 18 giáo viên giúp các xã; xây dựng công trình thủy lợi Na Tơ cung cấp nước cho 330ha ruộng lúa. Đây là công trình thủy lợi đầu tiên được xây dựng ở nước Lào trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại rất ác liệt.

Năm 1973, tỉnh Quảng Bình điều Tiểu đoàn 46 và Đại đội 361, huyện Lệ Thủy sang Savannakhet tham gia phục vụ chiến dịch giải phóng thị trấn Mường Phìn, giải phóng huyện La Phan.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, không thể không nhắc đến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, biểu tượng của tinh thần quốc tế cao cả, gắn kết giữa tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn. Quảng Bình trở thành điểm tập kết các nguồn lực tỏa ra các chiến trường miền Nam theo hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, khi phát hiện ra tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ huy động tất cả các lực lượng đánh phá nhằm làm tê liệt tuyến chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Được sự đồng thuận, giúp đỡ của Lào, cuối những năm 1960, trên địa bàn Quảng Bình bắt đầu có thêm những tuyến đường được “lật cánh” qua phía tây Trường Sơn: đường 12, đường 20, đường 16... đi qua Khăm Muộn, Savannakhet.

Đường Trường Sơn in dấu chân của không biết bao chàng trai, cô gái hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vượt qua gian khổ, vượt qua khó khăn, vượt qua cái chết, những chàng trai, cô gái hai nước Việt Nam, Lào cùng nhau cất lên lời ca về tình yêu trên các cung đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Ngày 7-6-2012, Hội Hữu nghị Việt- Lào tỉnh Quảng Bình thành lập từ đây, những chuyên gia, bộ đội, giáo viên năm xưa từng tham gia Ban C công tác tại nước bạn Lào có cơ hội tập hợp lại trong một tổ chức, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi nhau khi ốm đau, trái gió trở trời. Trực thuộc Hội Hữu nghị Việt - Lào, Chi hội Hữu nghị Việt- Lào thành phố Đồng Hới sau 3 năm hoạt động lâm thời đã kết nạp được 123 hội viên.

Theo ông Trần Đình Nghĩa, Trưởng ban vận động Đại hội chi hội Hữu nghị Việt- Lào thành phố Đồng Hới lần thứ nhất cho biết: "Kể từ khi có quyết định thành lập Ban C theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến khi chính thức giải thể (1966-1975), riêng thành phố Đồng Hới cũng có gần 500 chuyên gia tăng cường sang giúp đỡ cho 2 tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet".

Ông Trần Đình Nghĩa, lái xe vận tải quân sự trên các tuyến đường Hồ Chí Minh ở đất bạn Lào, từ Quảng Bình vào đến đường 9 nhớ lại kỷ niệm một thời: "Chiến tranh ác liệt, trên bom dưới đạn, nhưng tình đoàn kết keo sơn giữa nhân dân các bộ tộc Lào với bộ đội, chuyên gia Việt Nam thì không thể nào diễn tả hết được. Tôi bị bom vùi tại bờ sông Xê-băng -hiêng, năm 1970, cũng nhờ sự chăm sóc tận tình của người dân Lào mới nhanh phục hồi sức khỏe".

Ông Phan Văn Mại, nguyên Trưởng phòng kế hoạch, Ban C kể: "Có lệnh điều động là lên đường. Đi một mạch sang Lào. Người dân Lào mộc mạc, chân tình, rất quý bộ đội, chuyên gia Việt Nam. Chúng ta giúp bạn những gì có thể: làm đường, dựng nhà, xây cầu cống, công trình thủy lợi, dạy học; cung cấp lương thực, vũ khí, đạn được, thuốc men... cùng nhau đánh thắng kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai".

Những chuyên gia Ban C Quảng Bình năm xưa chúng tôi đã gặp như các ông Lê Văn Năm, Trần Đình Tường... đều chung cảm xúc như ông Nghĩa, ông Mại. Bây giờ họ đều tuổi đã cao nhưng vẫn đau đáu, mong muốn gặp lại những đồng đội một thời của mình từng sống, chiến đấu trên đất nước Triệu voi.

Thanh Long