.
Bài dự thi chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Tăng cường hiệu quả tiếp công dân

Thứ Năm, 02/06/2016, 07:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung, tiếp công dân là công việc thường ngày rất quan trọng của các UBND các cấp. Trong đời mỗi người dân, ai cũng phải có một vài lần cần làm các thủ tục hành chính, tối thiểu là các giấy tờ tùy thân quan trọng như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hồ sơ xin việc, hồ sơ đăng ký kinh doanh...

Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng làm các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn. Với sự phát triển của xã hội, số lượng người  dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng nhanh. Công nghệ thông tin đã hỗ trợ chính quyền các cấp giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn hơn cho người dân, nhưng có vô vàn lý do khiến thủ tục hành chính của người dân bị chậm trễ, xét cho cùng chỉ có hai loại nguyên nhân: từ cán bộ và từ người dân.

Cải thiện tác phong

Trong những năm gần đây, việc tiếp công dân đến làm thủ tục hành chính ở các UBND từ cấp huyện đến cấp xã đã dần đi vào nền nếp. Không chỉ riêng các phường thuộc nội thành các thành phố mà ở cả các xã ngoại thành, công tác tiếp công dân đến tìm hiểu và giải quyết thủ tục hành chính đang được tiến hành theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, khiến người dân ngày càng có thiện cảm với cán bộ UBND xã hơn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thủ tục hành chính của người dân cũng được giải quyết một cách nhanh gọn vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong số đó có một nguyên nhân “không đáng chút nào” khiến quá trình giải quyết thủ tục bị chậm trễ, đến từ tác phong tiếp công dân của cán bộ UBND cấp xã. Trên cả nước, vẫn còn có việc một số cán bộ Ủy ban nhân dân xã vẫn chưa thực sự bắt nhịp được với tác phong làm việc chung cũng như quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Chính quyền cần tạo không khí thoải mái, thân thiện giữa cán bộ và nhân dân. Trong cách xưng hô cần tôn trọng nhân dân, không nên sử dụng những từ ngữ suồng sã mà nên xưng là cháu - cô/chú hoặc em - anh/chị đối với người lớn tuổi. Một số cán bộ xã thỉnh thoảng còn xưng hô anh - chú hay em - bác, đó là những kiểu xưng hô dân dã, không nên dùng trong công việc giải quyết thủ tục hành chính hay tiếp người dân ở trụ sở chính quyền.

Cùng với cách xưng hô đúng mực, cán bộ UBND xã còn nên có thái độ ân cần với người dân, trang phục phải chỉnh tề, ngay ngắn. Người dân đến UBND xã để giải quyết thủ tục hành chính mà họ lại nhìn thấy cán bộ tiếp mình mặc quần áo xộc xệch, áo bỏ ngoài quần, chân đi dép xỏ ngón, dép lê... thì họ sẽ có cảm giác ái ngại hơn khi phải gặp, phải nói chuyện với những cán bộ không nghiêm túc như vậy, vì thế việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ chậm trễ hơn từ nguyên nhân rất không đáng.

Cần thiết phải tổ chức những khóa học về giao tiếp, về tác phong cho cán bộ tiếp dân, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính của UBND xã và cả cấp huyện, để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được trôi chảy hơn, loại bỏ những hiểu lầm đáng tiếc giữa người dân và cán bộ chính quyền.

Uốn nắn thái độ người dân

Ngoài những người dân có hiểu biết hoặc đã tìm hiểu kỹ quy trình, hướng dẫn làm thủ tục hành chính thì còn một bộ phận người dân có trình độ không cao, hoặc không tìm hiểu kỹ quy định, hướng dẫn nên hồ sơ của họ giải quyết chậm do cán bộ UBND huyện, xã phải mất nhiều thời gian giải thích, hướng dẫn cho họ. Hồ sơ, giấy tờ bị giải quyết chậm, thời gian trả hồ sơ kéo dài khiến số người này phải mất công chờ đợi. Thậm chí, có trường hợp người dân to tiếng với cán bộ UBND xã vì cho rằng cán bộ giải quyết hồ sơ làm khó dân, không tận tâm phục vụ nhân dân.

Tình trạng trên một phần bắt nguồn từ một số người dân do thiếu trách nhiệm với chính công việc của mình nên vô hình trung đã gây ra sự chậm trễ cho cán bộ UBND xã trong giải quyết thủ tục hành chính. Cải cách thủ tục hành chính không chỉ là những ý tưởng mới để rút gọn số lượng thủ tục hành chính mà còn là việc giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân, trong đó có nhiều người dân có trình độ không cao hay thiếu ý thức.

Để giải quyết vấn đề này, UBND cấp xã cần xác định ưu tiên hàng đầu đối với cán bộ là phải giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn nhất cho người dân với tinh thần “vì dân phục vụ”, “cán bộ là công bộc của dân”; đồng thời các cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính nên nhẫn nại và có tinh thần trách nhiệm cao khi giải quyết công việc cho dân; nếu số lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính quá đông thì nên tăng cường bố trí thêm cán bộ cùng giải quyết; cần quan tâm đến những việc cụ thể nhỏ nhất như: nhận giấy tờ của dân phải có đầy đủ biên nhận và giấy hẹn, ghi rõ vào sổ và vào giấy hẹn thời gian trả; cán bộ cần lưu số điện thoại của người dân để liên lạc khi cần, trong nhiều trường hợp cần kíp thì cán bộ nên gọi điện báo để người dân đến nhận khi hồ sơ, việc làm này sẽ giúp người dân hài lòng hơn với sự tận tâm của cán bộ xã và thêm tin tưởng vào chính quyền địa phương.

Đối với những người dân có trình độ hiểu biết chưa cao thì người cán bộ càng phải tích cực hơn để người dân tin tưởng và không bức xúc, bực bội với cán bộ. Chỗ nào người dân không hiểu, cán bộ nên giải thích lại vài lần để người dân hiểu mới thôi, tránh tình trạng giải thích thờ ơ hoặc bỏ dở giữa chừng khiến người dân bức xúc và càng làm chậm tiến độ công việc.

Đối với người không biết chữ hoặc gặp khó khăn trong việc viết đơn thì cán bộ nên hướng dẫn cẩn thận hơn, nên cử cán bộ có khả năng viết tốt để viết giúp người không biết chữ. Nếu vì một lý do nào đó mà hồ sơ trả muộn so với quy định thì người cán bộ nên giải thích lý do rõ ràng, hợp lý để người dân thông cảm... Nếu cần thiết thì xã nên bố trí cán bộ, lãnh đạo làm ngoài giờ để giải quyết cho kịp tiến độ.

Tin rằng với sự hành động quyết liệt của cả chính quyền và người dân, công tác cải cách thủ tục hành chính của Quảng Bình sẽ thành công tốt đẹp.

Đinh Thành Trung
(Ban Kinh tế Trung ương-B4/261 Thụy Khuê-Tây Hồ-Hà Nội)