.
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2015):

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đã trực tiếp mang lại lợi ích cho người nông dân và họ giữ vai trò chủ thể trong việc thực hiện. Vậy, nông dân Quảng Bình đã phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như thế nào? Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

- PV: Trước tiên, xin đồng chí khái quát một số thành tựu quan trọng của các cấp Hội và hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới?

- Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân là một trong những định hướng quan trọng của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời, đó cũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi hoạt động của các cấp Hội.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh ta đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phong trào này đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực; trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nền nông nghiệp số lượng từng bước chuyển sang nông nghiệp chất lượng bằng việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với sản xuất, chế biến và thị trường.

Các hoạt động khuyến khích phát triển nông nghiệp đã và đang được triển khai rộng khắp. Nông dân chủ động thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các cấp Hội luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, như: phát triển các tổ vay vốn, cung cấp thiết bị, vật tư nông nghiệp, thông tin thị trường nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT, CN mới cho nông dân...

Trên lĩnh vực xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của chương trình, tuyên truyền cho hội viên hiểu được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, tiêu chí; lựa chọn những tiêu chí phù hợp, liên quan để tập trung chỉ đạo. Vận động nông dân gương mẫu, chủ động hiến kế, hiến của, hiến công cùng với Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Chú trọng vận động nông dân thi đua lao động sản xuất để giảm nghèo, vươn lên làm giàu; động viên con em hội viên tham gia học nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động...

Từ năm 2010 đến nay, nông dân đã đóng góp trên 100 tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét tường rào, hàng trăm nghìn m2 đất, hàng nghìn ngày công... để tu sửa, xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, cầu cống, nhà văn hóa, trường học... Đến tháng 6-2015, tổng số tiêu chí toàn tỉnh đạt được 1.523 tiêu chí, bình quân 11,2 tiêu chí/xã, phấn đấu đến cuối năm, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn NTM.

- PV: Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ và giải pháp để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian tới?

- Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm: Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân để họ hiểu đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Chỉ đạo các cấp Hội, đặc biệt là chi hội xây dựng các chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; kế hoạch, nhiệm vụ, bước đi cụ thể nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết trên mặt trận phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Mặt khác, từ cấp Hội đến hội viên nông dân sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 - 2020”, Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư đúng mức, có chính sách hợp lý, tập trung xây dựng người nông dân mới có kiến thức và thể lực; có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có tay nghề cao và chuyên nghiệp, có kỹ năng sử dụng các phương tiện cơ giới, tin học và dịch vụ công.

Biết giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa tiên tiến của nhân loại; phát huy tính cần cù và không ngừng sáng tạo, liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh và nắm bắt thị trường; có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; có tình cảm tốt đẹp trong gia đình và xã hội, đoàn kết cộng đồng, yêu quê hương đất nước; có ý chí vươn lên làm giàu cho chính mình và cho xã hội. Hình thành một đội ngũ nông dân có kiến thức và kỹ năng, là tấm gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM.

- PV: Đồng chí có thể nêu một số đề xuất, kiến nghị để phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM?

- Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm: Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, Đảng đoàn, BCH, BTV Hội Nông dân tỉnh rất mong các ngành chức năng ưu tiên phối hợp với Hội Nông dân để giúp hội viên bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như: nâng cao tri thức, kỹ năng ngành nghề, khả năng tiếp cận vốn vay, hướng dẫn nông dân tham gia có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được hưởng lợi từ thành quả đóng góp của chính mình.

Tăng nguồn vốn vay, hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể để nông dân xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện tốt nhất để hội viên và con em nông dân tham gia học nghề, bảo đảm cho người học nghề sống được bằng nghề mình học.

Đồng thời cũng đề nghị cấp trên ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, hợp lý để nông dân đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp về quy mô sản xuất như: về chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, dự báo thị trường; xác định ngành hàng chủ lực và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp. Khi nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp cần lấy lợi ích của nông dân làm trung tâm, thực hiện chính sách “nông nghiệp vì nông dân”.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Phải đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho nông dân; xây dựng hạ tầng phụ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro do yếu tố mùa vụ. Tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc liên kết “bốn nhà” để góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho người nông dân...

Trên lĩnh vực xây dựng NTM, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nông dân; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình nông dân, làng, bản, tiểu khu văn hóa, góp phần xây dựng xã hội nông thôn ổn định, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...

- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Vương (thực hiện)