.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nghiên cứu, tôi cơ bản đồng tình và nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, sát thực tiễn, có tính khả thi cao.

* Đồng chí Mai Trọng Bình, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo

Qua nghiên cứu Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi nhất trí với các dự thảo. Phải nói rằng, việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện rất công phu, bố cục lôgíc, chặt chẽ, thể hiện quan điểm rõ ràng, đánh giá đúng tình hình, đồng thời đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với khả năng phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu văn kiện, tôi cũng mạnh dạn đóng góp một vài ý kiến. Cụ thể: Về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới, tôi nhất trí với nhận định tổng quát của Dự thảo báo cáo: "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng”. Đồng thời xin được bổ sung: Ở câu: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc...” (trang 9, dòng 5 trên xuống), đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đoàn kết” để thành câu “Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc...”.  

Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, tôi thống nhất với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế như trong dự thảo; đồng thời đề nghị xác định rõ hơn định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh thêm các yếu tố nội lực trong các mô hình tăng trưởng kinh tế.

Về cơ cấu lại nền kinh tế, cần tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt (cần chỉ ra cụ thể); những ngành, lĩnh vực có biểu hiện trì trệ, hoạt động kém hiệu quả, không nhất thiết ngành nào cũng phải tái cơ cấu.

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tôi thống nhất cao với dự thảo, và xin được bổ sung: Trang 18, dòng 2 dưới lên bổ sung cụm từ “Tiếp tục coi...” vào đầu câu, để thành câu: “Tiếp tục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu...”.

Trang 19 dòng 10 từ trên xuống, câu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào...” , nên bổ sung cụm từ: “có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp”, để thành câu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; sống tốt và làm việc có hiệu quả”. Vì ở nước ta hiện nay, tồn tại lớn nhất của người lao động là kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, người lao động phải có kiến thức, phải có kỹ năng nghề nghiệp mình được đào tạo, thì mới có thể làm việc tốt cho công việc của bản thân, cho xã hội và cho đất nước. Bổ sung cụm từ này, sẽ yêu cầu các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề phải có trách nhiệm cao với sản phẩm là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trang 19, dòng 11 dưới lên: Bổ sung câu “theo hướng ưu tiên đầu tư trước một bước...” vào câu “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính...” để thành câu: “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính theo hướng ưu tiên đầu tư trước một bước, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo”. Vì việc “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính theo hướng ưu tiên đầu tư trước một bước...” cho giáo dục và đào tạo là hoàn toàn tương xứng với vị trí “quốc sách hàng đầu”.

Thực tiễn bấy lâu nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên mức ưu tiên, nhất là nguồn lực chưa tương xứng với vị trí “quốc sách hàng đầu” của giáo dục. Vì vậy, nhiều bất cập, tồn tại, yếu kém của giáo dục chưa hoặc chậm được khắc phục.

Nội Hà (thực hiện)

* Đồng chí Phạm Hữu Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện Lệ Thủy

Qua nghiên cứu, tôi cơ bản đồng tình và nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Tôi đồng tình cao với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020; nguyên nhân và kinh nghiệm. Đánh giá tổng quát đã nêu bật được những thành quả quan trọng, những hạn chế, yếu kém chủ yếu và nguyên nhân.

Trong phần nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tôi xin góp ý bổ sung thêm các giải pháp:

- Hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến quốc phòng-an ninh một cách đồng bộ, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, về đối tượng, đối tác trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, làm nền tảng đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

- Quan tâm đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực cao cho quân đội. Đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vũ khí trang bị, khí tài quân sự.

Cát Nhiên (thực hiện)