.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Sáu, 09/10/2015, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung được đề cập. Đặc biệt, dự thảo văn kiện đã tập trung đánh giá một cách chính xác và đầy đủ tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng như phương hướng xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong 5 năm tới.

Đồng chí Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy)

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là nội dung liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế biển, tôi đồng tình thống nhất cao với những nhận định, đánh giá của Trung ương trong việc khẳng định chủ trương phát triển kinh tế biển những năm qua là hết sức đúng đắn, đi vào thực tiễn cuộc sống; qua đó từng bước khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của biển phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đặc biệt, các giải pháp đưa ra nhằm hình thành cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo là rất phù hợp.

Xuất phát từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển của địa phương thời gian qua, tôi xin đề xuất, góp ý một số giải pháp cụ thể như sau: Trước hết là tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, xem đây là ba mặt của một vấn đề có quan hệ, ảnh hưởng mật thiết đến nhau. Hai là, dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cần nêu rõ sự cần thiết có đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển chung của cả nước; đồng thời có cơ chế chính sách áp dụng cho từng ngành, địa phương và vùng lãnh thổ phù hợp.

Ngoài ra, bên cạnh việc tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia cũng cần triển khai chặt chẽ việc phân định vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức biên chế lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo để trên cơ sở đó, các địa phương ven biển có căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp, kế hoạch phù hợp nhằm tăng cường phát triển kinh tế theo tình hình thực tế của mình.

Một giải pháp nữa là cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển đảo, đồng thời có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Ngoài các chủ trương, định hướng, quy hoạch chung của cả nước cũng cần có quy hoạch riêng cho từng vùng, địa phương, ngành nghề phát triển. Đặc biệt nên tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tập trung giữa các địa phương với các vùng, giữa địa phương với từng ngành.

Giải pháp tiếp theo là tập trung lãnh đạo hình thành và phát triển một số ngành nghề mũi nhọn phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế từ biển, đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Giải pháp cuối cùng là cần tổ chức quy hoạch, phát triển hợp lý không gian kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển nhằm tạo động lực đưa vùng ven biển thành hậu phương vững chắc có thể hỗ trợ các hoạt động trên biển một cách toàn diện.

* Đồng chí Trần Viết Lưu, Huyện ủy Lệ Thủy

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung được đề cập. Đặc biệt, dự thảo văn kiện đã tập trung đánh giá một cách chính xác và đầy đủ tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng như phương hướng xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong 5 năm tới.

Tôi xin tham gia góp ý vào phần phương hướng, nhiệm vụ về việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên với các nội dung sau: Một là, sớm tổng kết mô hình chi bộ trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, mô hình chi bộ cơ quan xã, thị trấn; đồng thời sớm tổng kết Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Thứ hai, Trung ương Đảng nên nghiên cứu và có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận.

Tiếp đến, đề nghị Trung ương nghiên cứu để có quy định chung cho cả nước về chính sách đối với đảng viên có từ 50 năm tuổi Đảng trở lên mà hiện tại chưa được hưởng chế độ gì từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cuối cùng là Trung ương cần nghiên cứu để có chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách của Đảng ở xã, phường, thị trấn.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)