.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Năm, 15/10/2015, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi nhất trí cao với dự thảo. Dự thảo báo cáo có bố cục, nội dung, văn phong diễn đạt chặt chẽ, cụ thể và dễ hiểu.

* Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi nhất trí cao các vấn đề mà dự thảo đưa ra. Sau đây, tôi xin tham gia thêm một số ý kiến nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung tại mục XIV “Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”:

Để từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thì Nhà nước phải đề cao tính tối cao của pháp luật. Việc ban hành luật phải thực hiện được ngay, tránh tình trạng ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn chậm, rồi phải chờ một thời gian dài mới thi hành được.

Trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền “lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Trong tổ chức và hoạt động của nhà nước phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng thời, tiến hành đồng bộ với tiến trình đổi mới kinh tế. Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật phải tuân theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, TAND thực hiện quyền tư pháp, Tòa án là trung tâm trong chiến lược cải cách tư pháp; công tác xét xử là trọng tâm trong hoạt động tư pháp; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên, cần phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong nhà nước pháp quyền vai trò của Tòa án ngày càng được đề cao trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, vì vậy, tính độc lập của Tòa án cần phải được bảo đảm, bởi mục đích cuối cùng của việc xét xử là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

* Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi nhất trí cao với dự thảo. Dự thảo báo cáo có bố cục, nội dung, văn phong diễn đạt chặt chẽ, cụ thể và dễ hiểu. Qua đó, đã đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, đồng thời cũng đưa ra được những dự báo tình hình, những nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển trong 5 năm tới (2016-2020).

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Tổ chức Toà án theo cấp thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, của đương sự.

Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp và được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án; tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra. Kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư và các tổ chức bổ trợ tư pháp.

Để thực hiện tốt vấn đề này, theo tôi cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, các văn bản pháp luật chuyên ngành, thủ tục tố tụng tư pháp. Nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Dương Công Hợp (thực hiện)