.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Toà án nhân dân (13-9-1945 - 13-9-2015):

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp

Thứ Năm, 03/09/2015, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

 

- PV: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13-9-1945–13-9-2015), xin đồng chí cho biết những mốc son lịch sử đáng nhớ trong suốt chặng đường 70 năm của ngành?

- Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân: Có thể nói rằng, cùng với sự phát triển và hình thành của hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) ngay từ những ngày đầu cách mạng cho đến suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TAND tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, sự động viên nhiệt thành của các cấp ủy đảng, TAND Tối cao, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành hữu quan và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Từ giai đoạn 1947-1954, nhằm phục vụ công tác kháng chiến chống Pháp xâm lược, TAND tỉnh Quảng Bình đã trải qua nhiều lần thay đổi và tổ chức. Có lúc chia làm 2 phân hạt, ở phía Nam và phía Bắc tỉnh. Tòa án cấp huyện có lúc đứng riêng, có lúc do Ủy ban kháng chiến hành chính kiêm nhiệm, có lúc liên kết nhiều đơn vị: Tòa án liên huyện Tuyên Quảng, Lệ Ninh, hoặc tổ chức theo mô hình TAND vùng tạm chiến. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, TAND tỉnh Quảng Bình luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần vào những thắng lợi chung của tỉnh nhà.

Những năm 1954-1975, khi cả nước vừa kháng chiến chống Mỹ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, TAND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan để đưa ra xét xử các vụ trọng án xâm hại đến an ninh quốc gia, trừng trị thích đáng, nghiêm minh đối với bọn động gián điệp, biệt kích, lợi dụng tôn giáo để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, các vụ án xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa...

Tháng 6-1976, TAND tỉnh sáp nhập vào Tòa án Bình Trị Thiên. Đến tháng 7-1989, theo quyết định của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình được thành lập lại cho đến ngày hôm nay, sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên. Ngay từ những năm đầu tái lập, TAND tỉnh Quảng Bình chỉ có 13 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn bộn bề. Nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tình cảm gắn bó với quê hương, cán bộ, công chức, người lao động của TAND tỉnh đã hết sức nỗ lực, đồng lòng chung sức xây dựng TAND tỉnh ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Trong quá trình hoạt động của hệ thống TAND các cấp có giai đoạn TAND tỉnh do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý, TAND cấp huyện do Sở Tư pháp quản lý. Đến năm 2002, Luật tổ chức TAND ra đời thì TAND Tối cao quản lý hệ thống TAND địa phương theo ngành dọc và TAND tỉnh quản lý TAND cấp huyện. Trải qua năm tháng gian khó với nhiều đổi thay, tổ chức bộ máy và cán bộ dần được bổ sung, kiện toàn.

Hiện tại về cơ cấu tổ chức bộ máy TAND tỉnh có 8 phòng và 8 đơn vị TAND cấp huyện, với tổng số 150 cán bộ, công chức, người lao động, trong đó có 26 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 11 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 110 cán bộ có trình độ đại học, 16 thẩm phán trung cấp và 27 thẩm phán sơ cấp. Trình độ, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao.

Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ được nâng lên một bước, tạo tiền đề xây dựng đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức, người lao động của TAND tỉnh có tính kỷ cương, trách nhiệm, gương mẫu, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Với sự quan tâm giúp đỡ của TAND Tối cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, cơ sở vật chất của TAND hai cấp tỉnh hiện nay đã được đầu tư xây dựng khá khang trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trang thiết bị làm việc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ.

Với những thành tích đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, TAND tỉnh đã tạo được niềm tin vững chắc đối với chính quyền, với nhân dân, thực sự xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

- PV: Xin đồng chí cho biết, những kết quả cụ thể mà ngành Tòa án Quảng Bình đã đạt được trong những năm vừa qua?

- Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân: Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, tỷ lệ giải quyết án các loại của TAND hai cấp đều đạt trên 90%. Công tác xét xử án hình sự, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hình phạt nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết án đạt cao.

Trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, đã quan tâm khắc phục có hiệu quả các vụ, việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời tích cực làm tốt công tác hòa giải, tỷ lệ hoà giải thành các vụ, việc dân sự đạt khoảng 40%, góp phần hạn chế được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Đối với án kinh doanh thương mại, chủ yếu giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, quá trình giải quyết Tòa án đã tiến hành hòa giải, một số doanh nghiệp đã tự nguyện thanh toán nợ cho ngân hàng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đối với công tác giải quyết án hành chính, sau khi Luật tố tụng hành chính mới có hiệu lực (từ ngày 1-7-2011) số vụ án hành chính tăng lên so với trước. Lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tập huấn về những quy định mới của Luật tố tụng hành chính cho đội ngũ thẩm phán, thư ký. Qua các phiên tòa này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn.

Trong những năm qua, tỷ lệ giải quyết các loại án của TAND 2 cấp đều đạt ở mức cao, số lượng án bị hủy, sửa qua hàng năm đều giảm. Bên cạnh đó, lãnh đạo TAND tỉnh chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp xúc, giải quyết công việc tại Tòa.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh luôn được quan tâm thực hiện. Ban cán sự Đảng đã chú trọng lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Ghi nhận những thành tích và công lao đóng vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, năm 2010, TAND tỉnh Quảng Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

- PV: Chiến lược cải cách tư pháp được Bộ Chính trị đề ra được coi là cú hích, là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án. Vậy, Tòa án Quảng Bình đã đề ra những giải pháp gì để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa đồng chí ?

- Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân: Để đáp ứng yêu cầu công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước cũng như thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08, Nghị quyết 49, Kết luận số 79 của Bộ Chính trị, TAND tỉnh ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị để Tòa án thật sự là trung tâm của hoạt động tư pháp và xét xử của Tòa án là trọng tâm. Công tác xét xử, giải quyết các loại án được tiến hành kịp thời, bảo đảm đúng chính sách và pháp luật.

Trong đó, công tác xét xử các vụ án hình sự thể hiện được tinh thần kiên quyết trừng trị thích đáng với các loại tội phạm nghiêm trọng, đồng thời xem xét chiếu cố thỏa đáng đối với nhân dân lao động nhằm cụ thể hóa chính sách khoan hồng của pháp luật.

Giải quyết thỏa đáng, hợp lý, hợp tình, đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân-gia đình, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong giao dịch dân sự, củng cố và tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xét xử lưu động, các phiên tòa mẫu một cách nghiêm minh, đúng pháp luật đối với những vụ án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân, cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm chung. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thi hành có hiệu quả Luật Tổ chức TAND sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định; tiếp tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, trong đó xác định được mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng, đề ra các biện pháp sát thực.

Phát huy tốt nội lực, đồng thời tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

- P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Dương Công Hợp (thực hiện)