.

Tháng Tám trên quê hương Lệ Thủy anh hùng

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với cả nước, cả tỉnh, những ngày này người dân Lệ Thủy đang cùng nhau ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với các phong trào, chương trình hành động cụ thể, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Âm vang truyền thống cách mạng

...Từ cuối tháng 7-1945, uy thế của Việt Minh đã được khẳng định, hàng loạt cuộc mít tinh lớn với hàng ngàn người tham gia đã được tổ chức công khai tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Đại diện Ban Chấp hành “Việt Minh cô Tám” đã tuyên truyền đường lối, chủ trương của Mặt trận Việt Minh, đồng thời vạch rõ bộ mặt thật của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, tay sai của phát xít Nhật.

Cùng với đó, các đội tự vệ, tổ tuyên truyền xung phong hoạt động sôi nổi suốt ngày đêm, gây thanh thế của Việt Minh trong nhân dân, làm cho bọn quan lại, hương lý lo sợ không dám ra mặt. Nhiều cơ sở chủ động rèn đúc vũ khí để chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Tối ngày 21-8-1945, lực lượng nhân dân trong toàn huyện mà nòng cốt là hội viên của các đoàn thể cứu quốc đã tập hợp đông đủ tại những vị trí chọn sẵn trong khí thế sục sôi của những người đi giành cơm áo, chờ lệnh khởi nghĩa để vùng lên.

Rạng sáng ngày 23-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay lập tức, quần chúng cách mạng của hơn 70 làng trong huyện nhập thành 3 cánh quân, mỗi cánh có 5 đến 7 mũi vượt sông Kiến Giang bằng cầu phao rầm rập tiến về huyện đường trong tiếng trống thúc dồn, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng kèn, tù và, phèng la... tạo nên khí thế cách mạng hừng hực, áp đảo kẻ thù. Khi trời tảng sáng, màu cờ cách mạng đã đỏ rực cả một vùng trời, làm cho khí thế cách mạng càng thêm sôi sục.

Đến 7 giờ sáng, lệnh bắt các nhân viên của bộ máy thống trị được ban ra. Các chiến sỹ tự vệ chiến đấu lập tức xông vào huyện đường khống chế các lại mục, thông nhất, thông nhì, cai ngục, lính lệ... quy hàng cách mạng. Viên tri huyện đã phải bỏ trốn từ trước đó.

Khoảnh khắc buông phao của lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Khoảnh khắc buông phao của lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Đúng 8 giờ sáng ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện đã diễn ra ngay tại huyện lỵ. Cờ đỏ sao vàng rợp trời, giáo mác, gậy gộc giơ lên tua tủa; Trưởng ban Vận động quần chúng khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Thanh đã vạch mặt tội ác của giặc ngoại xâm và bọn tay sai, đồng thời khẳng định quyết tâm của quần chúng đứng lên trực tiếp giành chính quyền về tay nhân dân... Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện ra mắt.

Sau lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Võ Văn Quyết, một loạt súng đại liên được bắn lên trời để khẳng định cuộc khởi nghĩa của huyện nhà đã hoàn toàn thắng lợi. Cả rừng người hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ chính quyền mới! Ủng hộ Việt Minh! Hoan hô Việt Nam hoàn toàn độc lập! Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!”. Mọi người bày tỏ niềm vui khôn xiết bằng tiếng reo hò rền vang cả một góc huyện đường để chào đón ngày vui thắng lợi mong mỏi bấy lâu...

Phát huy truyền thống anh hùng

Tròn 70 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc chiến thắng hào hùng của nhân dân Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu Tháng Tám năm 1945. Trong những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường quê ở Lệ Thủy rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ vũ tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt...

Thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã góp phần khích lệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thêm phần hăng hái tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của Đảng qua các thời kỳ, sự quản lý, điều hành của chính quyền và nỗ lực của toàn thể nhân dân địa phương nhằm xây dựng Lệ Thủy trở thành huyện nông thôn mới”.

Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp của huyện đang phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị. Hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; quốc phòng-an ninh được giữ vững và tiếp tục tăng cường, tạo môi trường ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Có mặt tại Lệ Thủy trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử này, chúng tôi cảm nhận rất rõ những đổi thay của vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa” phía nam của tỉnh. Đời sống người dân đang từng bước được nâng cao, bởi thế, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 được địa phương tổ chức khá quy mô.

Trong đó, đặc biệt phải kể đến lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang-dòng sông vốn chứng kiến biết bao đổi thay trong lịch sử cách mạng của huyện. Ngày 2-9-1946, Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền nhân ngày kỷ niệm 1 năm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cũng từ đó, lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, người dân Lệ Thủy lại tưng bừng với lễ hội chào đón Tết Độc lập. Ngoài Tết Nguyên đán, người dân nơi đây ăn Tết Độc lập cũng có bánh trái, cỗ bàn gồm đủ các món xôi, gà, bánh chưng, hoa thơm quả ngọt. Với người dân Lệ Thủy, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc Lập đã trở thành máu thịt. Rất nhiều gia đình trên quê hương Lệ Thủy còn kính cẩn thắp những nén hương thơm để bày tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng...

Những ngày này, khắp các làng quê của huyện Lệ Thủy, người dân náo nức chuẩn bị đua, bơi thuyền. Những chiếc thuyền bơi đủ dài cho 12-15 cặp bơi (từ 25-35 người) được đóng công phu dưới bàn tay của các nghệ nhân chân truyền. Những thân gỗ dài (chủ yếu là cây huỵnh) được khai thác từ rừng đại ngàn có chiều dài từ 20-30m đưa về cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt và được nghệ nhân bí truyền đóng ghép. Tiêu chuẩn của thuyền đua bơi là phải nổi vừa trên mặt nước. Khi lao về phía trước không được chờm sóng mà phải như một kình ngư...

Trong ngày lễ hội, dòng Kiến Giang như cả một rừng hoa đầy màu sắc. Hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ, căng đầy băng cờ biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống cùng mõ (được làm bằng gốc tre) để cổ vũ cho các thuyền bơi, đua.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngoài lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, khắp nơi trong huyện Lệ Thủy còn dấy lên một không khí đua sức tranh tài với các môn bóng đá, bóng chuyền, ca hát, bài chòi... Người dân Lệ Thủy đã tạm gác lại việc đồng áng, bỏ sang bên những lo toan trăn trở với cuộc mưu sinh để cùng với cả nước, cả tỉnh vui một niềm vui thật trọn vẹn trong ngày Tết Độc lập.

Nguyễn Hoàng