.
Chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Quảng Ninh (1-7-1990 - 1-7-2015):

Đảng bộ huyện Quảng Ninh: Chú trọng đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là tiền đề để nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, góp phần trực tiếp nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, thời gian qua, Đảng bộ huyện Quảng Ninh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, và  đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước hết, Đảng bộ huyện đã quan tâm chỉ đạo công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên mới. Ngày đầu tái lập huyện, Đảng bộ huyện chỉ có 18 tổ chức cơ sở đảng với 3.502 đảng viên, đến nay đã có 50 tổ chức cơ sở đảng (22 đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở) với 6.721 đảng viên, tăng 32 tổ chức cơ sở và 2.900 đảng viên so với ngày đầu tái lập.

Đảng bộ huyện còn chú trọng phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đã xóa được điểm trắng đảng viên và điểm trắng tổ chức đảng. Công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tạo bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ các cấp không ngừng được chăm lo, bồi dưỡng toàn diện đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã tập trung đổi mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, thực hiện đồng bộ thống nhất từ khâu đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, quản lý sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Do vậy, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực.

Thực hiện Chương trình hành động số 06-CT/TU ngày 12-7-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện, với những yêu cầu đề ra về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý cả hai cấp huyện và xã. Trong đó cán bộ chủ chốt của huyện, các trưởng phòng ban yêu cầu phải có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Đối với cấp xã, phấn đấu đa số cán bộ chủ chốt phải đạt trình độ đại học chuyên môn, trung cấp về lý luận chính trị.

Xác định được những khó khăn, hạn chế do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hằng năm căn cứ vào quy hoạch cán bộ, nhu cầu đăng ký từ các tổ chức đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý; đồng thời có chính sách hỗ hợ, khuyến khích cán bộ tự học tập về chuyên môn...

Nhờ đó, đội ngũ cán bộ cả hai cấp huyện và xã đã có bước trưởng thành và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng, ban cấp huyện và tương đương đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học chuyên môn đạt trên 75%; trung cấp lý luận chính trị 100% trở lên.

Một góc trung tâm huyện Quảng Ninh hôm nay.
Một góc trung tâm huyện Quảng Ninh hôm nay.

Quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW, Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 2-4-2002 của Ban Tổ chức Trung ương, các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết về luân chuyển cán bộ, quản lý. Từ năm 2002 đến nay đã luân chuyển 15 cán bộ có đủ tiêu chuẩn và triển vọng là huyện ủy viên, trưởng, phó phòng ban về giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp cơ sở. Nhiều đồng chí sau luân chuyển đã trưởng thành, hiện giữ các chức vụ chủ chốt, quan trọng trong cấp ủy, chính quyền cấp huyện.

Thông qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, huyện đã tập trung xử lý nghiêm túc các vấn đề nổi cộm, các sai phạm, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ để xốc lại phong trào. Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy là nơi nào phong trào đi xuống hoặc không chuyển biến, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thì kiểm tra, đánh giá để có hướng xử lý và sau hai năm vẫn không có chuyển biến thì thay thế người đứng đầu cấp ủy đó bằng cách thay đổi chức danh ngay trong tập thể lãnh đạo chủ chốt xã, phòng ban hoặc luân chuyển cán bộ đơn vị khác tới. Sau khi thay thế, luân chuyển cán bộ ở các địa phương, đơn vị đó phong trào có nhiều chuyển biến tích cực.

Để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2015-2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tiếp tục xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới công tác cán bộ, xác định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn và thời gian luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, chuyển cán bộ cấp huyện về cấp xã và luân chuyển ngang giữa các phòng ban cấp huyện, giữa khối đảng đoàn thể và chính quyền để đào tạo, rèn luyện toàn diện cho cán bộ trên nhiều lĩnh vực thực tiễn.

Để chủ động trong công tác luân chuyển, đồng bộ với công tác điều chuyển, bố trí sắp xếp cán bộ, năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Đề án số 01-ĐA/HU về luân chuyển, điều chuyển cán bộ trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2012-2015 và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhìn chung, các đồng chí luân chuyển đảm nhận nhiệm vụ mới đều sâu sát, gần gũi cán bộ, đảng viên và nhân dân sở tại; tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý toàn diện trên nhiều lĩnh vực; được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, đáp ứng yêu cầu công tác, phát huy được vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ huyện đã hoàn thành tốt đại hội cơ sở trước ngày 31 tháng 5 năm 2015. Theo kết quả đại hội, các đồng chí luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã đều có số phiếu tín nhiệm rất cao.

Đến nay, công tác luân chuyển cán bộ của huyện đã trở thành nề nếp, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Trong nhiệm kỳ 2010- 2015 huyện Quảng Ninh đã luân chuyển 7 cán bộ là huyện ủy viên, trưởng, phó phòng ban về giữ chức vụ bí thư đảng ủy xã. Ngoài ra huyện Quảng Ninh cũng đang tiếp nhận 2 cán bộ của tỉnh luân chuyển, 1 đồng chí là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và 1 đồng chí giữ chức vụ Bí thư đảng ủy xã. Huyện đã kịp thời bổ nhiệm cán bộ, bổ sung cấp ủy viên và các chức danh cán bộ lãnh đạo cấp ủy khi khuyết thiếu; chỉ đạo sắp xếp, bố trí cán bộ ở các đơn vị nội bộ chưa thực sự thống nhất, kiên quyết thay thế cán  bộ không đủ uy tín, cán bộ vi phạm, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về công tác cán bộ.

Nhờ làm tốt công tác cán bộ nên trong những năm gần đây kinh tế - xã hội huyện có bước chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 63 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, an sinh xã hội đảm bảo, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định.

Qua thực hiện công tác cán bộ,  Đảng bộ huyện rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Một là, công tác cán bộ phải gắn chặt với công tác xây dựng đảng trong giai đoạn phát triển mới. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng và lãnh đạo các cấp về đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Các cấp uỷ đảng phải xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về công tác cán bộ sát với thực tế, có tính khả thi cao.

Hai là, thực hiện tốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ; xác định rõ công tác cán bộ là trách nhiệm của các cấp uỷ. Mỗi cấp uỷ thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng cán bộ theo trách nhiệm, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kịp thời để đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và xã.

Ba là, phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ một cách đồng bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phát huy dân chủ, công khai, gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Trong các nội dung của công tác cán bộ cần đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ, lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để thực hiện chiến lược cán bộ.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, đi đôi với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, thông qua đó củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện nhân tố mới, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Sáu là, kết hợp thực hiện cơ chế thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý với luân chuyển cán bộ; luân chuyển cán bộ trẻ có đủ điều kiện, triển vọng là trưởng các phòng ban, huyện ủy viên về giữ các chức vụ chủ chốt ở một số xã để bồi dưỡng, rèn luyện. Kiên quyết thay thế cán bộ không đủ uy tín, cán bộ vi phạm, thay thế người đứng đầu cấp ủy ở nơi nào phong trào đi xuống hoặc không chuyển biến trong hai năm liền; thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý đến nhiệm kỳ đại hội mà chưa đạt chuẩn. Đồng thời bố trí một số chức danh chủ chốt ở huyện không phải là người địa phương (công an, viện kiểm sát...) khắc phục tư tưởng cục bộ khép kín trong công tác cán bộ.

Bảy là, công tác cán bộ phải gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải phù hợp với các lĩnh vực chuyên môn ở huyện còn thiếu để tạo nguồn cán bộ giỏi về chuyên môn và năng lực quản lý. Tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng ồ ạt, không có tính kế hoạch. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục đổi mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ đội ngũ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững.

Trần Hải Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện