.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Thứ Bảy, 14/03/2015, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 13-3, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tiến hành chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn.

>> Tạo điều kiện cho đương sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), các đại biểu tập trung chất vấn về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các chất vấn tập trung vào các nội dung: việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Trọng tâm các chất vấn của đại biểu dành cho Chánh án TANDTC xoay quanh 5 vụ án đang dư luận xã hội quan tâm: Vụ án Hồ Duy Hải tại Long An bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản"; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản"; vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước bị xét xử về các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em"; vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận bị xét xử về các tội “giết người”, “Cố ý hủy hoại tài sản” và “Cướp tài sản.”

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án TANDTC cho biết: Trong nhiệm kỳ này, qua xét xử có 35 trường hợp có đơn kêu oan. Các cấp Tòa án đã giải quyết 21 trường hợp, chưa thấy trường hợp nào là kết án oan người không phạm tội. Các vụ án nổi cộm hiện nay là từ nhiệm kỳ trước để lại.

Trong 5 vụ án nổi cộm hiện nay mới chỉ có vụ Nguyễn Thanh Chấn là thực sự oan sai, còn các trường hợp khác đang được xem xét cụ thể. Đối với 24 vụ án đã giải quyết có 3 trường hợp, ban hành kháng nghị để xem xét lại mức án đối với bị cáo.

Về các giải pháp chống oan sai của ngành Tòa án, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Để chống oan sai, ngành Tòa án kiên quyết thực hiện một số các giải pháp đột phá để chống oan sai. Cụ thể là thực hiện tốt việc tranh tụng để phát huy vai trò của luật sư, người bào chữa, thực hiện tốt nguyên tắc bị can không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội. Cơ quan tố tụng phải chứng minh bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ Tòa án...

Về trách nhiệm bồi thường oan sai, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu vụ án đã qua xét xử từ cấp sơ thẩm thì nếu có oan sai thì Tòa án phải chịu trách nhiệm. Nếu đưa ra xét xử mà phát hiện oan sai và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội thì cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm truy tố sai thì Kiểm sát phải chịu trách nhiệm...

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn  đối với  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Nội dung chất vấn xoay quanh việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những khó khăn, thách thức và triển vọng, kết quả đến hết năm 2015 thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số...

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Chương trình 135 đã được triển khai từ năm 1999, đến nay đã trải qua 3 giai đoạn lớn. Nhấn mạnh các chính sách, đề án mang lại hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận còn khuyết điểm khi công tác tham mưu còn lúng túng, chưa chuyên sâu một số lĩnh vực hoặc đơn giản hóa, các chính sách chưa đồng bộ. Ủy ban Dân tộc sẽ nghiêm túc rà soát, nhìn nhận hạn chế để có giải pháp nâng cao hiệu quả các chính sách vì mục tiêu nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, công tác dân tộc là lĩnh vực đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều cấp, ngành, cơ quan, địa phương đồng lòng mới làm được nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề nghị các cơ quan cần có sự đóng góp cụ thể hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả; loại bỏ sự chồng chéo giữa các dự án để tránh bố trí nguồn lực phân tán, lãng phí, đồng bào được thụ hưởng ít.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, các chính sách dành cho đồng bào dân tộc miền núi cơ bản kết thúc vào năm 2015. Vì vậy đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ xây dựng chương trình thành mục tiêu Quốc gia dành cho đồng bào vùng dân tộc khó khăn. Vì tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc cao và con số này có thể cao hơn khi thông qua chuẩn nghèo mới.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cần có sự đồng thuận giữa các cơ quan, địa phương, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống và phát triển tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các địa phương-nơi trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình, dự án cho đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức triển khai làm dứt điểm, kết thúc quấn chiếu từng dự án cụ thể...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề xuất cần thu gọn các đầu mối chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phiên chất vấn đã thành công. Trên cơ sở các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chánh án TANDTC và  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, công việc của bộ, ngành mình trong thời gian tới, đặc biệt trong vấn đề giảm oan sai từ khâu truy tố đến xét xử; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Hương Trà