.
Kỷ niệm 60 năm Ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954 - 20-7-2014):

Quảng Bình những năm tháng không quên

Thứ Bảy, 19/07/2014, 10:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1954, sau 75 ngày thương lượng căng thẳng, đêm 20 rạng sáng ngày 21-7, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ gồm có 13 điều, trong đó điều 6 quy định lấy vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời.

Quảng Bình sau Hiệp định Giơ-ne-vơ

Sau lệnh ngừng bắn, Ban Liên hiệp Quân sự đình chiến Việt - Pháp ở Quảng Bình được thành lập. Ban Liên hiệp đã thống nhất ấn định lịch rút quân của quân đội Pháp ra khỏi Quảng Bình thành hai đợt: Đợt 1: Từ ngày 1 đến 6-8-1954, rút quân đội Pháp ở Bố Trạch về tập kết ở Hoàn Lão, các đơn vị quân Pháp đóng ở Lệ Thuỷ tập kết ở Hoà Luật Nam và các đơn vị  Pháp đóng quân ở Quảng Ninh tập kết về thị xã Đồng Hới. Đợt 2: Từ ngày 11-đến 18-8-1954, rút toàn bộ quân đội Pháp ra khỏi Quảng Bình, kể cả Bộ chỉ huy quân đội Pháp đóng tại thị xã Đồng Hới.

Thực hiện quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, lúc 15 giờ ngày 18- 8-1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút khỏi thị xã Đồng Hới. Nhân dân Quảng Bình vui mừng chứng kiến đội quân xâm lược bao nhiêu năm tàn phá, cướp bóc, giờ đây lặng lẽ kéo nhau xuống tàu.

Khi quân Pháp rút đi, Trung đoàn 270, Tiểu đoàn 229 bộ đội địa phương tỉnh đội ngũ chỉnh tề tiến vào tiếp quản thị xã. Cả Đồng Hới rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Theo điều 14c, Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định: Uỷ ban quốc tế thành lập phái đoàn công tác đóng tại thành phố Đồng Hới gồm đại diện 3 nước: Ba Lan, Ấn Độ và Canada có nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiệp định ở Quảng Bình. Đại đội 300 bộ đội địa phương tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ trụ sở phái đoàn. Ngày 20-8-1954, Ủy ban Quân chính thay mặt chính quyền dân chủ nhân dân ra mắt chính thức làm nhiệm vụ thực hiện quyền tiếp quản và làm chủ vùng đất quê hương sau gần 9 năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh.

Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Đồng Hới, ngày 18-8-1954.
Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Đồng Hới, ngày 18-8-1954.

Sau ngày giải phóng, Quảng Bình có 133 xã với gần 40 vạn dân. Hậu quả chiến tranh để lại cho tỉnh hết sức nặng nề. Nhiều làng mạc trù phú biến thành vành đai trắng. Gần 11.100 ha ruộng đất bỏ hoang. Hơn 1/3 trâu bò bị địch cướp và bắn giết. Hàng nghìn nóc nhà, hàng vạn thúng lúa của dân bị đốt cháy. Hệ thống đê, đập, kè, cầu cống bị phá hoại... Ở thị xã Đồng Hới có hơn 4.000 người thất nghiệp. Đời sống của nhân dân các địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu đói nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống đồn, bốt, lô cốt và kho tàng của địch còn ngổn ngang, bom đạn sót lại, nhiều bãi mìn chưa tháo gỡ là mối lo mất an toàn cho nhân dân. Trên địa bàn tỉnh còn hàng nghìn ngụy quân, ngụy quyền và hàng trăm tên phản động thuộc các đảng phái... lợi dụng chính quyền cách mạng còn non trẻ, tìm mọi cách ngoi lên chống đối, phá hoại. Với  luận điệu "Chúa đã vào Nam", tại các xứ đạo, bọn phản động bí mật mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép bà con giáo dân rời bỏ quê hương đi theo giặc. Vì vậy, hàng nghìn hộ giáo dân từ Sen Bàng, Hướng Phương, Đơn Sa, Thanh Khê, Trung Quán, Mỹ Phước... chen chúc về thị xã chờ tàu địch di cư vào Nam... Đây là trở ngại lớn cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện đường lối của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về tình hình mới, nhiệm vụ mới, tháng 10-1954, Tỉnh uỷ Quảng Bình ra nghị quyết chủ trương tập trung mọi nguồn lực hàn gắn vết thương chiến tranh; khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất; thực hành tiết kiệm; tổ chức đời sống nhân dân chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới thực hiện vận động triệt để giảm tô, xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi", toàn thể đồng bào, chiến sỹ dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi. Những cánh đồng bỏ hoang đã được phục hoá. Những bãi sắn, luống khoai mọc lên khắp nơi. Một số nghề thủ công truyền thống được khôi phục. Đời sống của người dân dần đổi thay từng ngày.

Cầu Dài (Đồng Hới) năm 1964.
Cầu Dài (Đồng Hới) năm 1964.

Song song với việc giải quyết hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình dang rộng vòng tay đón nhận trên 3.000  cán bộ, bộ đội, con em học sinh hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị ra tập kết. Nhân dân Trị Thiên được bố trí nơi ăn, ở và sắp xếp việc làm thích hợp, tình cảm gắn bó Bình-Trị-Thiên trong 9 năm chống Pháp càng phát huy lên một tầm cao mới.

Sau ngày quê hương được giải phóng, Quảng Bình cùng lúc phải dồn sức giải quyết những việc hết sức cấp bách. Từ việc gấp rút ổn định đời sống cho gần 40 vạn người dân; giải quyết hậu quả  chiến tranh và thiên tai...  Song  nhờ biết vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ nên quân và dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, bước đầu ổn định cuộc sống mới, khẳng định sức mạnh của chế độ mới, sức mạnh toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo tài tình của  Đảng và Bác Hồ.

Vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên

Năm 1960, một sự kiện trọng đại diễn ra tại thị xã Đồng Hới: ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tổ chức kết nghĩa "anh em một nhà". Hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, công trình đều được mang tên Bình-Trị-Thiên. Dấu ấn về nghĩa tình thủy chung, son sắt này, cho đến bây giờ vẫn đang còn hiện diện bên bờ sông Nhật Lệ, từ cầu Dài ra đến chợ Đồng Hới - vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên.

Công trình được khởi công trong năm 1960, Ủy ban Hành chính tỉnh giao cho Ty Kiến trúc nghiên cứu xây dựng hệ thống kè kiên cố mở rộng tuyến đường ven sông Nhật Lệ. Sau khi xem xét, Ty Kiến trúc quyết định mở rộng tuyến đường thêm khoảng 10 mét bằng cách lấn sông. Hàng nghìn đoàn viên thanh niên huy động đêm ngày hăng hái ra phía Hải Thành đưa cát về lấn sông xây kè, khí thế sục sôi: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên". Sau khi kè xây xong, rộng rãi, thoáng mát, các đồng chí lãnh đạo tỉnh quyết định trồng tại đây hai rặng dừa song song lấy tên là vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị- Thiên. Giống dừa chọn trồng được mua từ Thanh Hóa.

Vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên.
Vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên.

Ông Lại Văn Ly, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: "Lúc đó tôi đang là Bí thư Thị ủy Đồng Hới, ngày ngày vẫn dõi theo chuyển động của rặng dừa. Chỉ sau 3 năm, cây đã lên xanh cho bóng mát và quả dừa ngọt lịm. Hàng trăm cây dừa dần cao lớn thành rừng dừa, như một bức tường thành vững chãi hướng ra sông Nhật Lệ. Cùng với cầu Dài, thành cổ, Quảng Bình Quan, di chỉ Bàu Tró... vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên trở thành một biểu tượng đẹp trong lòng người dân Đồng Hới, dù đi xa nhưng vẫn luôn nhớ về”.

Sau khi gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), đế quốc Mỹ chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc bằng chiến dịch "Mũi lao lửa" (năm 1965), chiến dịch "Sấm rền" (năm 1968)... đánh phá các mục tiêu quân sự và dân sự ở Vĩnh Linh và Quảng Bình. Cầu Dài bị đánh sập, vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên bị đổ gãy. Cũng theo lời ông Lại Văn Ly: "Khi cầu Dài sập, tuyến đường vận tải chuyển sang hướng khác và chúng ta vẫn chủ trương làm lại một chiếc cầu Dài tạm để nghi binh, thu hút máy bay Mỹ vào trận địa phòng không do quân và dân Đồng Hới giăng sẵn. Mỗi gốc dừa trở thành điểm tựa cho dân quân, du kích bắn trả máy bay địch bằng súng bộ binh. Trên dòng sông Nhật Lệ, gần cầu Dài, cạnh vườn dừa kết nghĩa, đã có 4 thần sấm, con ma Mỹ phải trả giá cho tội ác của chúng gây ra với nhân dân Quảng Bình, nhân dân Việt Nam".

60 năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, 54 năm sau ngày vườn dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên định hình, rặng dừa xưa cũ chứng kiến bao biến cố thăng trầm của đất và người Đồng Hới vẫn còn khá nguyên vẹn. Và để cho mối tình đoàn kết keo sơn của một thời không phai nhạt, nên chăng thành phố Đồng Hới nên phục dựng lại vườn dừa!?    

Hương Trà