.
Kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15-7-1950 - 15-7-2014):

Bản lĩnh thanh niên xung phong Quảng Bình

Thứ Ba, 15/07/2014, 12:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc. Quảng Bình với vị trí chiến lược của mình trở thành vùng đất lửa trực tiếp đối đầu với kẻ thù. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuổi trẻ Quảng Bình theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết nguyện cống hiến và được cống hiến... nô nức lên đường ra mặt trận, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam thân yêu.

Vinh quang TNXP Quảng Bình   

Những ngày đầu mới thành lập, lực lượng TNXP Quảng Bình quân số khoảng 6.500 người. Họ đều trạc độ tuổi mười tám, đôi mươi, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường; thanh niên nam nữ nơi các làng quê; từ lực lượng dân quân tự vệ xã, phường, thị trấn... hầu như chưa kịp trải qua huấn luyện đã nhanh chóng hành quân ra chiến trường, đến các khu vực trọng điểm. TNXP Quảng Bình cũng như TNXP của cả nước gánh vác trên vai 3 trọng trách: chiến đấu, phục vụ chiến đấu; học tập, lao động sản xuất.

TNXP Quảng Bình biên chế thành các đơn vị: N73, N75,  N16, C7... có mặt trên những cung đường Trường Sơn huyết mạch: đường 20- Quyết Thắng, đường 10, đường 12, đường 16-Thống Nhất... Nhiệm vụ lúc đó của TNXP là mở đường, giữ đường, san lấp hố bom, bảo đảm thông đường, thông tuyến, cứu thương, vận chuyển vũ khí đạn dược... Quảng Bình những năm tháng chiến tranh chống Mỹ được mệnh danh là "thủ đô của TNXP".

Trong 10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), tỉnh Quảng Bình điều động trên 20 nghìn TNXP tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Trên các tuyến đường TNXP Quảng Bình bám trụ có hàng trăm trọng điểm ác liệt, máy bay giặc Mỹ bắn phá suốt ngày đêm nhằm cắt đứt sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc chi vào chiến trường miền Nam.

Mất mát, hy sinh là thế, nhưng TNXP Quảng Bình vẫn kiên định, phát huy truyền thống của quê hương "Hai giỏi", dù ở bất kể vị trí, hoàn cảnh nào vẫn luôn mưu trí, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ, lập công xuất sắc. TNXP Quảng Bình tham gia mở trên 1.000km đường mới, đường vòng, đường tránh phục vụ cho công tác chi viện chiến trường; bảo đảm an toàn giao thông, thông đường, thông tuyến trên 1.200km; chốt giữ tại hàng trăm trọng điểm là những nơi máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá; xây dựng trên 200 công trình cầu cống, bến, ngầm, phà; bắn rơi 8 máy bay Mỹ; vận chuyển hàng vạn tấn hàng hoá, vũ khí, đạn dược và đưa hàng nghìn thương, bệnh binh về tuyến sau.

Tuổi trẻ ĐVTN tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài TNXP tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch.
Tuổi trẻ ĐVTN tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài TNXP tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch.

Qua 10 năm làm nhiệm vụ, TNXP Quảng Bình nổi bật nhất so với TNXP các địa phương khác trong cả nước ở ba điểm: số lượng người tham gia đông đảo nhất; bám trụ và làm nhiệm vụ tại những trọng điểm ác liệt nhất; số lượng tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động nhiều nhất.

Tập thể Đại đội TNXP 759, Đội N75, P31 được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân; chị Nguyễn Thị Kim Huế (C759) và chị Đinh Thị Thu Hiệp (C735) trở thành Anh hùng Lao động, được Bác Hồ gửi thư động viên, khen ngợi; nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Trong khói lửa chiến tranh, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, hàng nghìn TNXP vinh dự kết nạp vào hàng ngũ Đảng ngay tại trận địa.

Sáng mãi phẩm chất TNXP

Đất nước hòa bình, lực lượng TNXP Quảng Bình thanh thản trở về địa phương, nhiều đồng đội của họ vĩnh viễn nằm lại trên những con đường ra trận. Cho đến thời điểm này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ mới công nhận khoảng 8.000 TNXP của Quảng Bình, nghĩa là những người được công nhận và nhận sự hỗ trợ vô cùng nhỏ so với tuổi trẻ một thời cống hiến của họ: trợ cấp một lần 2,5 triệu đồng, chế độ BHYT và mai táng phí.

Ông Nguyễn Thanh Hoanh, sinh năm 1946, nguyên trợ lý tham mưu công binh, Binh trạm 14, Đoàn 559, bây giờ là Trưởng ban liên lạc các đơn vị hợp thành Binh trạm 14, Đoàn 559 tại Quảng Bình cảm thông với những đồng đội của mình: “Ngày đó chúng tôi đi, có ai mong sau này trở về muốn Nhà nước bỏ tiền bạc ra bù lại tuổi thanh xuân đâu. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam thân yêu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc... thế là chúng tôi lên đường ra mặt trận.

Nhưng giờ đây, còn hàng nghìn người bị thất lạc giấy tờ, bị nhiễm chất độc da cam, thương binh... mà vẫn chưa có sự tri ân, đãi ngộ, buồn, tủi lắm chứ! Phẩm chất TNXP chúng tôi luôn sáng mãi... mọi người giữ vững phẩm chất cao đẹp đó, dù rằng mình chịu thiệt thòi”.

Ông Hoanh ngày ngày vẫn trông đợi những đồng đội cũ của mình, ai còn sống, chưa hưởng bất cứ chế độ gì, họ tìm đến ông, ông sẵn sàng giúp.

Ông Trần Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh chia sẻ: “Trên đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta vẫn điều động một lực lượng TNXP tại các vùng tự do tham gia phục vụ chiến đấu ở các chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài lực lượng TNXP còn có những đơn vị tương đương như TNXP như dân công hỏa tuyến, bộ đội không sao (Đoàn 104). Thời kỳ hòa bình, chúng ta tiếp tục điều động một lực lượng TNXP không nhỏ xây dựng các công trình như khai phá đầm Hạc Hải, đắp hồ thủy nông Cẩm Ly...

Hiện tại những lực lượng này vẫn chưa hưởng chế độ, chính sách như TNXP. Với trách nhiệm của mình, Hội cựu TNXP tỉnh sẽ phối hợp các ngành liên quan như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn... cố gắng giúp những đối tượng này sớm hưởng chế độ, như một sự tri ân của thế hệ trẻ đối với lớp cha anh đi trước”.                                        

H.Trà