.

Kết quả thực hiện các kết luận của chủ tọa kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVI

Thứ Ba, 15/07/2014, 11:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVI, Chủ toạ kỳ họp đã có các kết luận về những vấn đề mà kỳ họp đặt ra. Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn phân công và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Tại kỳ họp này, lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo với đại biểu, cử tri kết quả thực hiện các kết luận của Chủ toạ kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh như sau:

I. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

1. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm, làm cơ sở để giao đất, giao rừng, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đáp ứng được các nội dung yêu cầu đặt ra và giải quyết được hầu hết các nội dung kiến nghị của đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2006-2010. Báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định tại Văn bản số 4013/BNN-TCLN ngày 11-11-2013.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng phù hợp hơn với yêu cầu thực tế mới phát sinh. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 1803/BNN-TCLN ngày 6-6-2014 thống nhất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 như kết luận của Chủ toạ kỳ họp thứ 10.

2. Tổ chức hội thảo khoa học về việc trồng và phát triển bền vững cây cao su trên vùng đồi phía tây của tỉnh. Ngày 17-1-2014, UBND tỉnh đã phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Hội thảo đã đề xuất các giải pháp cụ thể về: cơ cấu bộ giống, thời vụ trồng, hướng trồng, hướng mắt ghép, kích thước hố trồng, mật độ trồng, phương thức trồng, phương thức làm đai chắn gió bão... nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây cao su trong thời gian tới.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lạm dụng thuốc hóa chất trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra và tiến hành thanh tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về sử dụng thuốc hóa chất trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, góp phần giảm các mối nguy hại cho môi trường, bảo vệ sản xuất, đời sống của nhân dân.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với trường hợp sử dụng thuốc diệt cỏ để xử lý thực bì và dọn rừng do Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình đã sử dụng.

Thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp lần thứ 10, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, trong đó kết luận thanh tra đối với trường hợp sử dụng thuốc diệt cỏ để xử lý thực bì và dọn rừng của Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch.

Việc các hộ gia đình nhận khoán sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để phun xử lý thực bì là không thực hiện đúng quy trình theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Các hộ gia đình nhận khoán khai thác rừng trồng lại tại tiểu khu 237 và 238 trên địa bàn khe Sến sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để phun xử lý thực bì mà không thu gom các vỏ chai theo quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định của Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với Lâm trường Bố Trạch, đơn vị không thực hiện lập bản cam kết bảo vệ môi trường mà tiến hành khai thác và xử lý thực bì tại các khoảnh 2 và 5 của tiểu khu 237 có 3 vị trí có độ dốc lớn (trên 250) với diện tích 52.353 m2, nhưng vẫn đưa vào thiết kế trồng rừng khi chưa đánh giá tổng thể về những tác động của môi trường là vi phạm các quy định của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng.
UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng.

Chịu trách nhiệm trực tiếp về sai phạm nêu trên thuộc về ông Nguyễn Xuân Cuồi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty và ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xử lý trách nhiệm và xử lý kỷ luật đúng mức đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm theo kết luận thanh tra; chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm trong quản lý, bảo vệ khai thác, phát triển rừng; trong quản lý sử dụng đất, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn kiến nghị xử lý thu hồi vào ngân sách nhà nước các khoản tiền thuế, khoản thất thoát trong quản lý, nghiệm thu, thanh toán công trình xây dựng cơ bản được phát hiện qua thanh tra: 3.780 triệu đồng.

II. Lĩnh vực đất đai

Chỉ đạo UBND thành phố Đồng Hới giải quyết dứt điểm việc các hộ dân trên địa bàn thành phố đã làm nhà nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 12-3-2014, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đồng Hới và chỉ đạo đối với từng trường hợp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất đai trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức thực hiện theo quy định và tổ chức rà soát công tác giải quyết các vướng mắc về đất đai.

III. Lĩnh vực giao thông vận tải

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có giải pháp nạo vét luồng lạch cửa sông Nhật Lệ để bảo đảm an toàn cho các tàu đánh cá của ngư dân ra vào sông an toàn. UBND tỉnh cũng đã trực tiếp làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị chuyển công tác quản lý tuyến luồng cửa Nhật Lệ từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sang Cục Hàng hải Việt Nam để bảo đảm năng lực quản lý, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện việc nạo vét luồng, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngày 31-3-2014, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Kim Việt thực hiện việc nạo vét luồng cửa sông Nhật Lệ theo phương thức nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát xuất khẩu theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Kim Việt đang thực hiện thủ tục để triển khai nạo vét.

IV. Lĩnh vực tài nguyên môi trường

Tổ chức thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh triệt để tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi tại sông Gianh và những khu vực chưa được quy hoạch, cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành truy quét, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép; chỉ đạo các lực lượng chức năng tuần tra, xử lý vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với các phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi.

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi dọc sông Gianh đã được chấn chỉnh, hầu hết các phương tiện khai thác đã ký hợp đồng với các công ty để thực hiện khai thác, tập kết đúng địa điểm quy định; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho các đơn vị và cá nhân trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khai thác cát làm vật liệu xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

V. Lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm túc các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng, khai man, làm giả hồ sơ để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, đồng thời tích cực giải quyết các hồ sơ đang tồn đọng để bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

- Tổ chức triển khai rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 612/KH-UBND ngày 20-5-2014 về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong 2 năm (2014-2015) trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã tổ chức tập huấn hướng dẫn rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và tiến hành triển khai rà soát điểm tại 8 xã, phường thuộc các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ triển khai trong toàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB và XH đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ chế độ, chính sách đang tồn đọng nhằm bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

- Về công tác thanh tra, kiểm tra: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB và XH tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện nay, Thanh tra Sở đang tiến hành thanh tra chính sách ưu đãi người có công tại huyện Minh Hóa và 7 xã trên địa bàn. Quý III-2014, sẽ tiến hành thanh tra chính sách ưu đãi người có công tại huyện Lệ Thủy và 10 xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ - TB và XH đã thanh tra chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội tại thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy; thanh tra hành chính Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

VI. Lĩnh vực Nội vụ

Tiến hành đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội để tiếp tục có các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội:

1. Về triển khai quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: Sau khi Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 03/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ và các quy định của pháp luật về hội ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách công tác hội về nghiệp vụ quản lý hội theo các quy định mới; rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về lĩnh vực quản lý hội phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hội, đưa công tác quản lý hội trên địa bàn tỉnh vào nền nếp.

2. Về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội: Qua rà soát theo kết luận của Chủ tọa kỳ họp lần thứ 10 cho thấy, nhìn chung các cấp hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; số lượng hội, hội viên ngày càng tăng.

Tuy nhiên, một số hội cơ sở và chi hội hoạt động còn hình thức, chưa đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên; hoạt động quyên góp, ủng hộ ở một số hội còn chồng chéo. Hầu hết các hội chưa chủ động về tài chính, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Việc tham gia tư vấn, phản biện xã hội của các hội chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Nhiều hội trên địa bàn tỉnh không có tổ chức đảng, công đoàn, cán bộ hội chuyên trách không có điều kiện tham gia sinh hoạt...

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức hội; hướng dẫn các hội có phạm vi hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

VII. Lĩnh vực Y tế

Tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện và chấn chỉnh những bất hợp lý, vướng mắc, tiêu cực trong việc phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế, tổ chức đấu thầu mua thuốc, chuyển tuyến điều trị, tổ chức khám và điều trị cho nhân dân tại các cơ sở y tế.

1. Vấn đề phân tuyến chuyên môn và đăng ký khám bệnh chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Đồng Hới triển khai thực hiện. Cụ thể: điều chuyển một số đối tượng đang đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới; quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế... Hiện nay, những vướng mắc trong phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế cơ bản được giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân.

2. Vấn đề chuyển tuyến điều trị: Việc chuyển tuyến khám, chữa bệnh cơ bản được thực hiện theo đúng nguyên tắc theo quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh của Bộ Y tế.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn tại Thông tư 43/TT-BYT, ngày 11-12-2013, của Bộ Y tế.

3. Về công tác đấu thầu mua thuốc: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2014 theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác đấu thầu cung ứng thuốc tại một số đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai sót, vướng mắc trong đấu thầu.

Đến hết tháng 3-2014, hầu hết các bệnh viện, các đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh đã tổ chức xong đấu thầu mua thuốc năm 2014 và tiến hành cung ứng đưa vào sử dụng tại đơn vị và cấp cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Riêng Bệnh viện Y học cổ truyền chưa tổ chức đấu thầu được nhưng hiện vẫn bảo đảm số lượng thuốc đủ phục vụ cho công tác điều trị. Sở Y tế đang thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu thuốc vào cuối tháng 7-2014.

Tr.T (lược ghi)