.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "nêu cao tinh thần trách nhiệm"

Thứ Sáu, 09/05/2014, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Theo Người, nêu cao tinh thần trách nhiệm đó là tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Với công việc của Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cán bộ, đảng viên phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn để đạt kết quả cao nhất.

Từ khi bước lên tàu ra đi tìm đường cứu nước đến ngày giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, ở mỗi giai đoạn lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xác định cho mình một trách nhiệm. Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911-1920) là công việc tự giác của một người dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, sau gần mười năm trải qua biết bao sự khó khăn, gian khổ, cuối cùng Người cũng đã hoàn thành trách nhiệm đầu tiên của mình. Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước, về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sau khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm quan trọng nhất là khởi nghĩa giành chính quyền. Chính vì thế, Người đã kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một trách nhiệm. Người đã xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực, đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”, “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó...

Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Sau khi giành độc lập cho Tổ quốc, khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa xác định cho mình trách nhiệm của một người dân, vừa là trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo cao nhất để cùng với Đảng, với nhân dân bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được, xây dựng đất nước, mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Người khẳng định: “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm không chỉ thể hiện bằng việc hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và dân giao phó mà còn thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh khi mắc phải khuyết điểm, sai lầm. Chính vì thế, trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm khuyết điểm, trước khuyết điểm đó, Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, Người đã viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân bắt nguồn từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do dân tiến hành”, “nhân dân là người làm ra lịch sử”... tựu chung lại, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là:

Thứ nhất,  tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phải dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh trường hợp làm cho qua chuyện, làm hình thức, dễ thì làm khó thì bỏ, đánh trống bỏ dùi; cần chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16-6-1957.
Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16-6-1957.

Thứ hai,  ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Người đã nói rằng: “Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được phân công”.

Thứ ba, nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Theo Người, để làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom gộp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng”. Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.

Thứ tư, trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi. Theo Hồ Chí Minh, quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ phá hoại Đảng, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng…

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”. Trong công việc thì “Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”; chậm chạp, làm cho qua chuyện. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Người cho rằng, bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc, “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đang đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời với những thách thức lớn. Các vấn đề mang tính thời sự đang diễn ra hiện nay như: sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường... đang đặt ra trách nhiệm cho mỗi quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ ra.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, khắc ghi lời căn dặn của Bác, cán bộ, nhân dân tỉnh ta đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt khó vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, mặc dầu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng thấm nhuần lời căn dặn của Bác khi về thăm tỉnh ta là, phải đẩy mạnh sản xuất, đối với Quảng Bình nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém gì nghề ruộng, Đảng bộ cần giữ gìn đoàn kết.... nhờ đó mà tỉnh ta đã đạt nhiều thành tích quan trọng.

Trong những năm qua, việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo khá tốt, cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các Chỉ thị số 18 CT/TU về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Chỉ thị số 19 CT/TU về chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh và Chỉ thị số 20 CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.

Chính vì thế, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên về thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó, nguyên tắc tập trung dân chủ được đề cao, kỷ luật kỷ cương trong Đảng được tăng cường, năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên.

Sinh thời Bác Hồ đã dạy “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, nó do rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà có, giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “nêu cao tinh thần trách nhiệm” là việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu rõ quyết tâm chính trị của toàn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, việc “nêu cao tinh thần trách nhiệm” của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Hoàng Thanh Hiến
(Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)