.

Phối hợp chia lửa với Điện Biên xốc tới giải phóng quê hương

Thứ Tư, 07/05/2014, 10:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây vừa tròn 60 năm về trước trên địa bàn Quảng Bình, một trong những chiến trường trọng điểm của Bình-Trị-Thiên khói lửa, cuộc chiến đấu của quân dân Quảng Bình diễn ra vô cùng gay go quyết liệt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến tỉnh và được sự cổ vũ của chiến trường chính, lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích Quảng Bình đã liên tiếp lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần chia lửa với Điện Biên và xốc tới giải phóng hoàn toàn quê hương.

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cục diện chiến trường cả nước có nhiều biến đổi quan trọng, nhất là sau chiến thắng Tây Bắc và Thượng Lào, cán cân so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, sau khi Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 4 (nay là Quân khu 4) tại Hội nghị cán bộ địch hậu Bình - Trị - Thiên chỉ rõ nhiệm vụ, phương châm: "Đẩy mạnh đấu tranh mọi mặt, nhất là đấu tranh vũ trang ở vùng sau lưng địch, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ và toàn quốc, phá âm mưu mới của địch ở Bình - Trị - Thiên...".

Sau hội nghị, Tỉnh ủy Quảng Bình đã chuyển hướng lãnh đạo tổ chức các đợt sinh hoạt, học tập chính trị, huấn luyện quân sự cho LLVT, bổ sung thêm cán bộ cho vùng địch hậu. Ta đã liên tục tổ chức nhiều trận tập kích, bao vây đồn bốt, cắt đứt đường giao thông tiếp tế, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Tuyên Hoá và một phần huyện Quảng Trạch, mở rộng vùng tự do ở phía Bắc, nối liền với hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Trong vùng tạm chiếm, được sự hỗ trợ của du kích, bộ đội địa phương, phong trào đấu tranh chính trị đã diễn ra sôi nổi với hàng trăm cuộc đấu tranh chống bắt lính, lập tề, thu thuế, cướp phá mùa màng, đòi ngừng bắn, đòi thả chồng con bị bắt lính trở về. Hướng về chiến trường Điện Biên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ và Tỉnh đội Quảng Bình các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an củng cố các trạm bảo vệ trọng điểm ở huyện Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ, đồng thời huy động lực lượng bảo đảm an toàn cho các đoàn dân công vận tải, các đơn vị bộ đội hành, trú quân dọc hành lang chiến lược xuyên qua các chiến khu trên địa bàn ra chiến trường.

Với tinh thần "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc", quân và dân Quảng Bình vừa chống địch càn quét, bình định, động viên con em lên đường nhập ngũ, vừa đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho cuộc chiến đấu tại chỗ và đóng góp một phần không nhỏ cho chiến dịch Điên Biên.

Để phối hợp và chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, trong tháng 3/1954 thực hiện mệnh lệnh và hưởng ứng đợt phát động "Tuần lễ đánh địch" của Bộ Tư lệnh Liên khu 4, bộ đội địa phương và du kích Quảng Bình phối hợp với lực lượng tăng cường của trên liên tục mở các cuộc tiến công bao vây, chặn đánh địch. Ngày 9-3, Đại đội 363 chống càn thắng lợi ở Hoàn Trạch, Hải Trạch (huyện Bố Trạch) tiêu diệt 91 tên, làm bị thương 7 tên, bắt 5 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 11-3, Đại đội 362 của huyện Quảng Ninh đã anh dũng chiến đấu trong suốt mười giờ, đánh bại cuộc càn quét vào thôn Quảng Xá tiêu diệt và làm bị thương 80 tên. Ngày 20-3, Tiểu đoàn 229 và Đại đội 361 huyện Lệ Thuỷ đã phối hợp với dân quân du kích tiến công đồn Thượng Phong, diệt và bắt sống 10 tên, mở rộng vùng căn cứ.

Trong các ngày từ 21 - 30-3, bộ đội địa phương huyện Quảng Ninh liên tục tổ chức các cuộc tập kích, chống càn ở Duy Ninh, Đức Phổ, Trần Xá, Võ Ninh, Ninh Châu... tiêu diệt trên 100 tên, bắn cháy 5 xe quân sự và thu toàn bộ vũ khí.

Đầu tháng 4-1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 đưa đại đội 98 đặc công vào phối hợp với lực lượng tại chỗ, tập kích tiêu diệt hệ thống lô cốt khu vực sân bay Đồng Hới và nhiều vị trí khác. Cũng trong tháng 4-1954, bên cạnh tiến công tiêu diệt các đồn An Lạc, Thạch Xá Thượng của bộ đội địa phương Lệ Thuỷ, du kích xã Hưng Đạo (Lệ Thuỷ) "nay thuộc xã Sen Thuỷ và Hưng Thuỷ" đã tổ chức thắng lợi trận phục kích ở cầu Ông Bạc tiêu diệt nhiều tên, phá huỷ một số xe tăng, xe bọc thép, đập tan kế hoạch ứng chiến cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của địch.

Cùng với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận đã diễn ra đều khắp trong các vùng bị tạm chiến của Quảng Bình đã tác động mạnh mẽ và làm cho binh lính địch bỏ chạy sang lực lượng cách mạng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh chống địch lập tề, thu thuế, cướp phá mùa màng, đòi thả chồng con bị bắt đi lính đã diễn ra khá rầm rộ, nhất là trên địa bàn các huyện từ Bố Trạch vào đến Lệ Thuỷ. Kết quả của hàng loạt hoạt động quân sự, chính trị liên tiếp diễn ra nói trên đã làm cho địch lâm vào thế bị động và hoang mang, lo sợ, buộc phải rút chạy khỏi nhiều đồn lẻ xa đường giao thông, xa nguồn tiếp viện, co cụm về trung tâm các huyện và tỉnh lị Đồng Hới.

Ngày 7-5-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 18-8-1954, những tên lính viễn chinh cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung của nhân dân cả nước, trước thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến đấu 9 năm trường kỳ anh dũng với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Quảng Bình rất đỗi tự hào, bởi mảnh đất miền Trung gió lào, cát trắng đầy hy sinh, gian khổ đã sinh thành, nuôi dưỡng và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Quân đội một vị tướng tài ba, lỗi lạc, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là vị Tổng chỉ huy trực tiếp góp phần quan trọng cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử "Điên Biên Phủ" lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Quân dân Quảng Bình cũng rất đỗi tự hào về gần 100 con em của quê hương là những cán bộ, chiến sỹ có mặt trong các đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp cầm súng chiến đấu trong suốt 55 ngày đêm đầy hy sinh, gian khổ tại chiến trường Điện Biên. Cùng với những đóng góp không nhỏ của mình trong việc phối hợp chia lửa với chiến trường Điện Biên tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương.

Kế thừa, phát huy truyền thống Điện Biên và danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau gần 30 năm, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm giúp đỡ của Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương, LLVT Quảng Bình ngày càng khẳng định tốt vai trò, vị trí và trách nhiệm nặng nề của mình trước nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Thông qua việc vừa tham mưu đắc lực cho cấp uỷ, chính quyền, vừa phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành địa phương trong chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các mặt công tác quân sự, quốc phòng, tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân liên hoàn vững chắc, đáp ứng kịp thời, hiệu quả trước mọi diễn biến phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà từng bước phát triển vững chắc.

Từ năm 1990 - 2013, LLVT tỉnh vinh dự 3 lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 13 lần tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng. Đặc biệt là năm 2012 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Trong niềm vui đón chào kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phấn khởi tự hào trước những chiến công, thành tích qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhận rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước những nhiệm vụ trong năm 2014 và những năm tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quảng Bình phát huy cao độ "Tinh thần Điện Biên", truyền thống vẻ vang của quê hương "Hai giỏi", đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin cậy, yêu mến của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, PBT Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh