.

Chuyện về người cựu chiến binh, thương binh từng sửa xe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Bảy, 22/02/2014, 12:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Người cựu chiến binh, thương binh đã từng được vinh dự sửa xe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là ông Nguyễn Thanh Hoanh, nguyên cán bộ trợ lý công binh Binh trạm 14, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Hiện ông đang nghỉ hưu cùng gia đình tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới.

Câu chuyện diễn ra đã hơn 40 năm rồi mà luôn tái hiện trong ký ức của ông như vừa mới diễn ra. Ông Nguyễn Thanh Hoanh sinh năm 1946, tại thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, hai mươi tuổi ông cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó ông đã từng tốt nghiệp Trường trung cấp kỹ thuật Nam Định. Nên ngay những ngày đầu tiên vào quân ngũ, ông đã được phân công về các đơn vị chuyên sửa chữa xe máy, ô tô, xe vận tải các loại. Ông đã tham gia nhiều chiến trường ác liệt và đã bị thương tại mặt trận Nam Lào năm 1971. Nhiều năm tháng tuổi trẻ xông pha trên mọi nẻo đường của chiến tranh, kỷ niệm sâu sắc nhất, khó quên nhất của ông là được vinh dự sửa xe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1973, ông được đơn vị điều về công tác tại Ban Tham mưu công binh Binh trạm 14 trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Đây được xem là nơi chông gai ở chiến trường. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ địch nhằm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam, rất nhiều xe của bộ đội ta bị hư hỏng cần được sửa chữa. Binh trạm có khoảng 2 tiểu đoàn xe cơ giới với hơn 1.000 xe các loại. Nơi hoạt động của đơn vị là dọc tuyến đường, chỗ đóng quân chủ yếu ở Khương Hà, km54, Lùm Bùm QZ25; đoạn qua đèo Phulanhich.

 Người cựu chiến binh-thương binh Nguyễn Thanh Hoanh bên bức ảnh thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bàn thờ gia đình.
Người cựu chiến binh-thương binh Nguyễn Thanh Hoanh bên bức ảnh thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bàn thờ gia đình.

Một ngày vào tháng 3 năm 1973, ông nhận được mệnh lệnh khẩn cấp: lên khu vực gần đèo Phulanhích. Nhiệm vụ quân sự của người lính thời chiến tranh luôn bí mật. Sau 15 phút chuẩn bị, ông và đồng đội triển khai công việc. Ông là cán bộ trợ lý, được đi cùng với đồng chí Phan Quang Nhàn, Tham mưu trưởng đơn vị (nguyên là đại tá, Sư trưởng, đã nghỉ hưu tại Hà Nội). Tại khu vực đèo thời gian ấy trời khá nóng nực. Sau 2 ngày nằm chờ, ngày 14 tháng 3 năm 1973 ông vui mừng khi nghe tin: chuẩn bị đón Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội Trường Sơn. Tất cả không ai bảo ai đều hướng về địa điểm có đoàn xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện.

Cùng tiếp Đại tướng về phía Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn có Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Tất cả cán bộ chiến sĩ trong buổi đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều không nén nổi xúc động. Riêng bản thân, nghe tin về Đại tướng đã lâu từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông nhưng đến lúc đó ông mới được nhìn thấy Đại tướng. Lần đầu tiên được bắt tay Đại tướng những người chiến sĩ như ông còn niềm hạnh phúc nào bằng. Tại đèo Phu La nhích, Đại tướng dừng lại khá lâu và nói chuyện thân mật với trung đội nữ công binh chốt ở đó. Đại tướng hỏi thăm tình hình cuộc sống của từng cán bộ chiến sĩ trung đội nữ công binh.

Trong buổi nói chuyện vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã chuyển đến các chiến sĩ bộ đội thông điệp về niềm tin chiến thắng. Đại tướng bùi ngùi xúc động khi trực tiếp chứng kiến cảnh sống cực khổ đầy hy sinh của những người lính bộ đội Trường Sơn.

Sau buổi nói chuyện ở đèo Phulanhich, Đại tướng cùng đoàn tiếp tục  về thăm bộ đội Trường Sơn tại km 76, đường 20 Quyết Thắng. Mọi cán bộ chiến sĩ ai cũng muốn đến gần hơn để được ngắm nhìn vị tướng huyền thoại lẫy lừng của dân tộc.

Cũng đêm đó, đồng chí Phan Quang Nhàn, trực tiếp cử liên lạc truyền đạt mệnh lệnh: “Đồng chí Hoanh đến sửa xe cho Đại tướng”. Nhận được thông tin được sửa xe cho Đại tướng ông Hoanh xiết bao xúc động. Từ trong trái tim người lính-người thợ có nhiều kinh nghiệm, ông muốn đem hết tâm huyết để phục vụ cho vị tướng kính yêu.  Ông vừa cảm thấy vinh dự vừa lo lắng. Liệu bản thân có đủ kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng này? Ngay lập tức ông đi theo người cán bộ dẫn đường để đến nơi chiếc xe chở Đại tướng.

Tại đây có cả lái xe của Đại tướng. Ông hỏi: “Xe bị hỏng gì?”. Người lái xe trả lời: “Xe có sự cố về hộp số”. Ngay lập tức, ông dùng đèn pin bò xuống gầm xe.  Quan sát nhanh ông phát hiện chiếc lò xo ở hộp số nằm sai vị trí. Ông reo lên: “Đây rồi”. Sau đó ông dùng kìm chỉnh lò xo trở về vị trí cũ và bảo người tài xế đạp ly hợp để thử. Ngay lập tức xe khởi động bình thường.

Riêng ông sau khi dõi theo hành trình chuyến công tác của Đại tướng, được biết xe tiếp tục bình an, ông hạnh phúc vô cùng. Tôi nghĩ đó là việc làm rất nhỏ nhưng trở thành kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời. Ông kể lại câu chuyện khi Đại tướng đã an nghỉ giấc nghìn thu như một niềm tri ân tới  Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng suốt cuộc đời cống hiến cho độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân.                

Phan Hòa