.

Cái duyên... giúp bệnh nhân nghèo

Chủ Nhật, 15/10/2017, 09:08 [GMT+7]
(QBĐT) - Gần tròn một năm, nồi cháo tình thương giúp bệnh nhân nghèo (BNN) tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa luôn “đỏ lửa” ổn định vào sáng thứ 7 hàng tuần. BNN điều trị trong bệnh viện có được một bát cháo với đầy đủ chất dinh dưỡng, ấm tình người. Để nồi cháo tình thương duy trì thường xuyên, tất cả đều phát xuất từ một chữ “duyên” của những tình nguyện viên (TNV) trong “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội- Quảng Bình”.
 
Bén duyên với đồng bào vùng cao Quảng Bình
 
Tôi gặp chị Lê Thị Ngân cách đây chừng 5 năm tại thủ đô Hà Nội. Ngân sinh năm 1975, làm nghề buôn bán tự do. Nhìn bề ngoài, cô gái dáng người nhỏ gầy, khuôn mặt khắc khổ. Về sau khi thân nhau, tôi mới biết sau dáng vẻ ấy ẩn chứa một trái tim nhân hậu, sống hết mình cho người nghèo và những cảnh đời bất hạnh.
 
Sau cơn bão số 10 năm 2013, Quảng Bình tan hoang, lúc này ở Quảng Bình, chúng tôi thành lập nhóm thiện nguyện Quảng Bình gồm một số anh chị em thân tình, mục đích thông qua các kênh mạng xã hội kêu gọi sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp đồng bào một phần nào đó sớm ổn định cuộc sống. Từ Hà Nội, Ngân điện vào bảo: “Chúng em kêu gọi được một ít tiền mặt, áo quần chia sẻ cùng Quảng Bình. Các anh chị trong đó nhận dùm và trao cho bà con nhé!”. Năm 2013, khi Quảng Bình còn ngổn ngang sau bão, Lê Thị Ngân và một số TNV ở Hà Nội đến với Quảng Bình. 
Nồi cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
Nồi cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
Ngồi với nhau tại thành phố Đồng Hới đợi tàu ra lại Hà Nội, Lê Thị Ngân bảo: “Không biết thế nào, chắc do một chữ duyên mà em cảm mến, gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Bình. Để hoạt động thiện nguyện bền vững, lâu dài đề nghị phía Quảng Bình cung cấp cho chúng em những cảnh đời cụ thể, những địa phương bà con nghèo còn khó, chú trọng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nên chăng chúng ta nghĩ đến một cái tên kết nối giữa Quảng Bình và Hà Nội”. Từ gợi ý của Lê Thị Ngân, “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội - Quảng Bình” chính thức ra đời vào năm 2013.
 
Trong thời gian 5 năm, Lê Thị Ngân cùng các TNV Hà Nội đều đặn mỗi năm hai lần có mặt tại Quảng Bình hỗ trợ cho 2 chương trình lớn của hành trình kết nối: tổ chức “Tiếp sức đến trường” cho học sinh vùng cao và “Tết yêu thương” cho đồng bào dân tộc khu vực miền núi, biên giới. Dấu chân Lê Thị Ngân cùng các TNV Quảng Bình, Hà Nội từng đến những nơi sâu, xa nhất tỉnh Quảng Bình: Làng Ho, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy); xã Trường Sơn (Quảng Ninh); Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa)... Hàng chục chuyến thiện nguyện như thế, tính tổng số tiền giúp đỡ đồng bào Quảng Bình không phải là nhỏ. “Cứ mỗi lần chúng em lên mạng xã hội kêu gọi giúp đồng bào Quảng Bình thì có rất nhiều người ủng hộ, chia sẻ”- Lê Thị Ngân cho biết.
 
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2016, sau khi trao quà Tết cho đồng bào Khùa tại bản Bloóc, xã Dân Hóa về, Lê Thị Ngân cùng các bạn TNV Hà Nội đề nghị tôi lựa chọn một bệnh viện nào đó có nhiều BNN để tổ chức nồi cháo tình thương. “Về kinh phí thì các anh chị phía Quảng Bình không lo, ngoài Hà Nội chúng em bảo đảm. Khó nhất là chọn người đứng ra đảm nhận, duy trì đều đặn nồi cháo hàng tuần. Nấu được, nhưng cố gắng giữ đều đặn, nếu không tội bà con, tội BNN”. Từ ý tưởng của Lê Thị Ngân, tôi đưa mọi người ghé lại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
 
Cũng từ chữ duyên, đoàn chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của đồng chí Đinh Viễn Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa và chị Dương Thùy Linh, công tác tại Đài TT-TH huyện Minh Hóa. Nồi cháo tình thương cho BNN ra đời từ đó và hoạt động hiệu quả cho đến tận bây giờ. Người đứng ra cầm chịch, giữ “tay hòm, chìa khóa” chính là chị Dương Thùy Linh.
 
Sức lan tỏa từ nồi cháo tình thương
 
Nồi cháo tình thương giúp BNN quy mô bình quân nấu cho từ 100 đến 150 người ăn, tổ chức vào sáng thứ 7 hàng tuần. Số tiền dao động 1 triệu đến 1.500 nghìn đồng, ngoài cháo, các TNV còn hỗ trợ thêm sữa, bánh. Hàng tháng, tại Hà Nội, Lê Thị Ngân kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tiền nồi cháo sau đó gửi vào. Số tiền quỹ để “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội- Quảng Bình” duy trì “đỏ lửa” nấu cháo đều đặn từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. 
Chị Lê Thị Ngân (đứng giữa) trong một lần tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường”  cho các em học sinh Vân Kiều tại xã Kim Thủy, Lệ Thủy.
Chị Lê Thị Ngân (đứng giữa) trong một lần tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” cho các em học sinh Vân Kiều tại xã Kim Thủy, Lệ Thủy.
Chúng tôi ở thành phố Đồng Hới, thỉnh thoảng mới ghé lại thăm nồi cháo tình thương. Mọi việc đều được Dương Thùy Linh lo lắng chu toàn. “Mệt... nhưng chúng em rất hạnh phúc vì góp một chút yêu thương cho người nghèo, bệnh nhân nghèo. Bệnh nhân ở bệnh viện phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, họ rất nghèo!”- Linh chia sẻ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người Minh Hóa biết đến nồi cháo, tìm đến ủng hộ tiền, tình nguyện tham gia nấu vào các sáng thứ 7.
 
Bây giờ, ngoài Dương Thùy Linh, các TNV tham gia nấu cháo có thêm những thành viên mới: Cao Thế Cường, cán bộ Văn phòng Huyện ủy Minh Hóa; Cao Trọng Tấn, giáo viên Trường tiểu học Xuân Hóa; Đinh Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hóa Phúc và Cao Thị Thanh Lệ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Minh Hóa...
 
Tôi ghé thăm Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, gặp giờ phát cháo cho bệnh nhân. Dương Thùy Linh bảo: “Chúng em nấu xong, các bạn đi đến các khoa nhắn mọi người giờ phát cháo. Đúng giờ đó, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến, rất trật tự. Nhiều người nhận cháo xong, ngồi tại căng-tin khoa dinh dưỡng của bệnh viện ăn luôn. Thường người già, ngoài cháo có thêm chiếc bánh; trẻ em thêm hộp sữa. Ai cũng vui!”. 
Hồ Thị Lê, dân tộc Khùa ở xã Dân Hóa về chăm con tại bệnh viện nói với tôi: “Cháo ngon lắm! Ở nhà không có như thế này mà ăn đâu”. Cụ Đinh Xuân Lê, sinh năm 1939, ở xã Hồng Hóa, bệnh nhân đang điều trị bệnh, ăn xong bát cháo nóng bảo: “Buổi sáng mà có tô cháo như ri thì tốt lắm, bảo đảm sức khỏe. Cám ơn các cháu hết lòng vì bệnh nhân nghèo, giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Giá như trong tuần có thêm hai đến ba buổi phát cháo từ thiện nữa thì bệnh nhân nghèo ở Minh Hóa đỡ hơn nhiều”.
 
Ước mơ của bệnh nhân nghèo huyện Minh Hóa cũng là mơ ước của chính tôi, Dương Thủy Linh, Lê Thị Ngân và các bạn TNV trong “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội - Quảng Bình”. Nhưng biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời sẽ trở thành hiện thực, tất cả ở một chữ duyên. 
 
Hồ An