.

Phát hiện sớm, can thiệp sớm: Cơ hội cho trẻ khuyết tật

Thứ Sáu, 09/06/2017, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc phát hiện sớm, tổ chức khám sàng lọc và xác định khuyết tật sẽ giúp trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận với các can thiệp y tế, tập luyện và phục hồi chức năng. Từ đó, các em có các điều kiện để tham gia các hoạt động hòa nhập, phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực.

Do hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh cùng với điều kiện sống nghèo nàn ở các vùng nông thôn nên Quảng Bình là tỉnh có tỷ lệ trẻ khuyết tật cao với khoảng 4.000 trẻ, trong đó hơn 2.054 trẻ khuyết tật nặng. Báo cáo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hầu hết người khuyết tật bị hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ công cộng như y tế và giáo dục. Thiếu các dịch vụ can thiệp sớm dẫn đến phát hiện muộn hoặc phát hiện thiếu các trẻ em khuyết tật. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều cơ hội học tập, phát triển của các em sớm bị bỏ qua.

Cán bộ y tế xã Tân Thủy (Lệ Thủy) hướng dẫn cho phụ huynh cách luyện tập, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Cán bộ y tế xã Tân Thủy (Lệ Thủy) hướng dẫn cho phụ huynh cách luyện tập, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

Thực tế cho thấy, ở Quảng Bình, việc thiếu các thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ cho công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật là trở ngại không nhỏ. Với sự tài trợ của tổ chức Caritas Thuỵ Sỹ, dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Bình” đã đầu tư phòng đo thính lực có đầy đủ các thiết bị, máy móc hiện đại. Điều này đã góp phần vào công tác phát hiện sớm để có những can thiệp kịp thời cho trẻ khiếm thính.

Bác sĩ CKI Trương Đình Hòa, Phó Trưởng liên chuyên khoa Mắt-RHM-TMH, Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới cho chúng tôi biết: “Kể từ khi được trang cấp phòng đo thính lực với thiết bị đo hiện đại, việc khám và điều trị các bệnh liên quan được hỗ trợ rất hiệu quả. Trong quá trình thăm khám, chúng tôi cũng phát hiện được một số trường hợp trẻ bị khiếm thính trên địa bàn, từ đó giúp gia đình các em phát hiện và có sự can thiệp kịp thời”.

Phạm Ngọc Khánh Duy (7 tuổi) ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch là một trong những trường hợp được hưởng lợi từ chương trình của dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Bình”. Chị Lò Thị Thanh Vân, mẹ của Duy cho biết, khi cháu còn nhỏ, do chậm nói, gia đình đưa Duy đi khám ở Hà Nội, từ đó mới biết cháu bị kém thính lực. Chồng đi biển, vợ ở nhà, con lại đông, nên điều kiện đầu tư, chăm sóc, phục hồi chức năng cho con là rất khó khăn. May mắn vào năm 2015, biết thông tin về dự án, chị cho con đi kiểm tra lại thính lực ở Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới. Biết con còn có khả năng nghe nếu được tập luyện, lại được dự án cấp miễn phí máy trợ thính, đối với người mẹ có con khuyết tật như chị Vân, còn niềm hạnh phúc nào bằng.

Chị Vân hồ hởi khoe: “Hiện tại, con trai tôi đã nghe, nói được từ đơn và đang được can thiệp sớm tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch để chuẩn bị học hòa nhập. Nhìn con háo hức học chữ, tập nói, gia đình tôi mừng không nói nên lời”.

Cháu Phạm Ngọc Khánh Duy (7 tuổi, Quảng Hưng, Quảng Trạch) háo hức học chữ, luyện nghe nói với mẹ.
Cháu Phạm Ngọc Khánh Duy (7 tuổi, Quảng Hưng, Quảng Trạch) háo hức học chữ, luyện nghe nói với mẹ.

Về xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, chúng tôi tới thăm nhà em Nguyễn Thị Lan. Lan năm nay đã gần 17 tuổi. Sau một đợt sốt, lên cơn co giật từ khi mới được 3 tháng, em phải chịu cảnh khuyết tật từ đó cho đến nay. Mọi sinh hoạt thường ngày của em đều do ba mẹ làm thay, thậm chí, Lan không tự chủ được vấn đề vệ sinh. Năm 2015, em được tiếp cận với dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Bình”. Nhờ luyện tập phục hồi chức năng, giờ đây, khớp các ngón tay mềm trở lại, Lan đã có thể cầm nắm các vật dụng khi sinh hoạt và điều khiển được xe lăn, chủ động thực hiện được một số kĩ năng cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị Hoàng Thị Lợi, mẹ của Lan mừng mừng, tủi tủi chia sẻ với chúng tôi: “Trước cứ nghĩ bị bại não nặng như cháu thì khó có thể tập luyện, phục hồi chức năng. Vậy nhưng, cháu đã có những biến chuyển tích cực, vợ chồng tôi vui lắm! Tiếc là giờ cháu đã lớn tuổi rồi, giá như cháu được can thiệp sớm, chắc sẽ đỡ hơn rất nhiều”.

Để triển khai có hiệu quả, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm được tổ chức ngay từ tuyến xã, tại các địa bàn hưởng lợi từ dự án, những người bố, người mẹ có con khuyết tật được hướng dẫn tận tình về cách phát hiện sớm cũng như những hình thức phục hồi chức năng tại nhà. Và hơn ai hết, các cán bộ y tế địa phương chính là những người gần gũi nhất với các gia đình và có điều kiện tốt nhất để tạo thuận lợi cho việc phục hồi chức năng tại nhà. Trước đó, họ đã được tham gia các lớp tập huấn của dự án và có đủ năng lực để đáp ứng phần việc này.

Phát hiện sớm, can thiệp sớm là một trong 3 hợp phần của dự án “Phát hiện sớm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Bình” do tổ chức Caritas Thụy Sỹ tài trợ, nhằm góp phần đưa lại sự chuyển biến tích cực trong công tác này. Dự án được thực hiện tại 9 xã, phường thuộc 2 huyện Lệ Thủy (xã An Thủy, Tân Thủy, Hưng Thủy), Quảng Trạch (xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Lưu) và thành phố Đồng Hới (xã Bảo Ninh, Đức Ninh và phường Bắc Lý).

Bác sĩ Phạm Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cảnh Dương, Quảng Trạch  khẳng định, đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa con đi thăm khám, chữa bệnh ở các bệnh viện lớn nên chương trình của dự án này có tính ưu việt khi triển khai việc luyện tập, phục hồi chức năng tận gia đình.

Còn bác sĩ CKI Lê Thuận Sương, Trạm trưởng trạm y tế xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Vận dụng kiến thức được tập huấn của dự án do Caritas Thụy Sỹ tài trợ, chúng tôi đã về thực tế tại các gia đình để phục hồi chức năng, can thiệp sớm cho trẻ, đồng thời hướng dẫn cho phụ huynh có con bị khuyết tật chủ động trong việc tập luyện cho con. Qua thực tế vận dụng cho thấy, trẻ khuyết tật trên địa bàn có sự tiến triển rõ rệt. Ý thức của các bậc phụ huynh về việc phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật ngày càng được nâng lên”.

Từ việc phát hiện và có sự can thiệp kịp thời, những trẻ khuyết tật sẽ vượt qua mặc cảm, những trở ngại về năng lực, về hình thể và có cơ hội được giáo dục hòa nhập. Những người thực hiện dự án hy vọng, mô hình sẽ tiếp tục được giới thiệu, nhân rộng ở các xã, huyện khác trong tỉnh để công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm ngày càng được chú trọng, quan tâm, góp phần giảm những thiệt thòi, tăng cơ hội phát triển cho trẻ khuyết tật.

Hương Lê