.
Chuyện quản lý:

Giao thông và... lúa

Thứ Tư, 14/06/2017, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Đường 30 nối Quốc lộ 1A với vùng giữa huyện Lệ Thủy chật hẹp thì ai cũng biết, báo chí cũng đã nhiều lần đề cập đến, nhưng đã lâu rồi nó vẫn “kiên định” sự... chật hẹp.

Đoạn qua làng Đại Phong (xã Phong Thủy) bên ni đường là ruộng lúa và bên kia đường cũng là ruộng lúa, lúa tốt bời bời, năng suất có đám ruộng đạt tới 80 tạ/ ha. Ruộng thế  nếu không làm lúa thì tiếc thật. Nhưng mà, làm lúa khi thu hoạch lại rơi vào cảnh bức bối đến ngột ngạt đối với người nông dân và cả những ai phải đi qua con đường này.

Khi đó, con đường nhỏ bề ngang mặt đường trên dưới 3m bê tông đã trở thành một “đại công trường” thu hoạch giữa cơ man lúa, rơm, thóc vừa tuốt xong chưa kịp chuyển đi cùng với xe máy của người đi gặt lúa, xe máy cải tiến để chuyên chở rơm, xe công nông chở thóc và đủ loại xe vẫn qua lại trên tuyến đường được coi là huyết mạch nối vùng giữa với Quốc lộ 1A. Và tắc đường xảy ra liên tục. Tắc chỗ này vừa gỡ xong lại tắc tiếp chỗ khác. Một buổi sáng cao điểm của mùa gặt, chúng tôi di chuyển qua đoạn đường vài trăm mét mà mất cả ba, bốn chục phút.

Máy tuốt lúa “hành nghề” hiên ngang giữa đường.
Máy tuốt lúa “hành nghề” hiên ngang giữa đường.

Phải làm gì trước thực tế này để đường ra đường, sản xuất ra sản xuất, không thể biến đường giao thông huyết mạch thành sân tuốt lúa? Có lẽ, người nông dân và chính quyền địa phương cần tìm “lối thoát” để tự giải quyết vấn nạn do chính mình gây ra chứ không thể trông chờ, ỷ lại.

Cũng không quá phức tạp và đầu tư cũng không quá lớn để giải quyết “vấn nạn” trên. Đó là chỉ việc đổ đất, đá cơi nới ngay sát lề đường tạo nên những “điểm tránh” với diện tích vài chục m2 về phía cánh đồng lớn. Cứ dăm bảy chục mét lại làm một điểm tránh như thế là có thể đáp ứng về cơ bản việc tập kết lúa vừa gặt, rơm rạ, máy tuốt lúa và các loại phương tiện chở lúa. Cách làm là chính quyền địa phương chủ động họp bàn với người dân có ruộng lúa trên đoạn đường này để đầu tư triển khai...

Khi chúng tôi nêu lên vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy đã tỏ ra đồng tình, bởi ông cũng rất bức xúc với tình trạng kẹt xe khi nông dân thu hoạch lúa và chính ông cũng đã phải “hò hét” để giải tỏa kẹt xe sáng 16-5 trên đoạn đường này. Hy vọng rằng người nông dân và chính quyền địa phương cũng có tiếng nói chung để sớm trả lại sự bình yên và an toàn cho tuyến đường trên trong mùa gặt.

Không chỉ tuyến đường 30 ở Lệ Thủy có tình trạng hạt lúa lấn át đường giao thông, gây ách tắc, cản trở giao thông trong thu hoạch mùa vụ, mà ở tỉnh ta nhiều địa phương cũng có tình trạng như thế này. Bởi vậy, tìm giải pháp có tính bền vững để bảo đảm sản xuất an toàn là việc cần làm với các địa phương.

V.H