.

Gieo mầm nhân giữa núi rừng

Chủ Nhật, 28/05/2017, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Hồ Nhanh, người dân tộc Vân Kiều, sống ở bản Cẩm Ly, xã miền núi Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), một gương điển hình làm ăn kinh tế giỏi. Đến xã Ngân Thủy, nhắc đến Hồ Nhanh, đồng bào tự hào: “Nơi nào có gia đình khó khăn, ốm đau, hoạn nạn là Hồ Nhanh tìm đến giúp đỡ, động viên, chia sẻ”...

Vợ chồng Hồ Nhanh có sáu người con, trong đó, một con trai bị dị tật bẩm sinh. Như những gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều khác, sinh con đông, nên việc kiếm đủ cái ăn, cái mặc rất khó khăn, vất vả. Riêng Hồ Nhanh, gian khổ, đói nghèo chẳng làm ông chùn bước, ông bảo: “Phải thoát nghèo thôi, có của để dành nuôi các con ăn học thành người!”. Hồ Nhanh cùng vợ lao động miệt mài, làm nương rẫy, chăn nuôi, đào ao thả cá, đi rừng săn bắn, lấy mật ong... Không ngại khó, ngại khổ, lại sớm tiếp cận phương pháp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mới, nên gia đình Hồ Nhanh thoát nghèo nhanh, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Ngân Thủy.

Năm 2002, khi Hội CTĐ xã Ngân Thủy thành lập và đi vào hoạt động, Hồ Nhanh được bầu làm Chủ tịch Hội. Từ đó, ông luôn dành tất cả tình cảm, tâm huyết cho hoạt động hội và phong trào nhân đạo. Ông gắn bó, thân thuộc với đồng bào, trở thành người thân của họ. Dấu chân ông cùng hoạt động từ thiện nhân đạo in đậm từ bản gần đến các bản xa xôi, hẻo lánh, hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn: Cẩm Ly, Cửa Mẹc, Hang Còi, Rào Đá ...

Hồ Nhanh thăm hỏi gia đình khó khăn trong xã.
Hồ Nhanh thăm hỏi gia đình khó khăn trong xã.

Trước năm 2000, nhắc đến Ngân Thủy, Lâm Thủy, hai xã miền núi phía tây huyện Lệ Thủy, nhiều người vẫn không biết. Tuyến đường 10 hoang sơ, hiểm trở như sợi dây vô hình chia cắt đồng bào Vân Kiều Ngân - Lâm với đồng bằng. Người lớn mù chữ, trẻ em ítđến trường học, cái chữ khó khăn gấp nghìn lần cầm con dao, cái cuốc lên nương rẫy, bắt cá, hái củi... Hơn ai hết, Hồ Nhanh hiểu về núi rừng, về đồng bào của mình. Cái chân bắt ông đi đến từng nhà, gặp từng người. Ông gõ cửa doanh nghiệp đóng trên địa bàn, huy động hỗ trợ từ con em địa phương làm ăn xa..., bằng cách đó, nền móng phong trào nhân đạo cắm sâu vào nếp nghĩ người Vân Kiều, dần bền vững giữa núi rừng Ngân Thủy. Đồng bào khi hoạn nạn được trợ giúp. Trẻ em trở lại trường học chữ với hi vọng thoát nghèo.

Gặp Hồ Nhanh, hỏi chuyện ông về hành trình gieo mầm thiện của mình, ông cười khà: “Hậu phương vững chắc, kinh tế vững vàng, con cái học hành nên người, mới toàn tâm, toàn ý cho phong trào Chữ thập đỏ, từ thiện nhân đạo. Nếu không, khó khăn bộn bề”. Năm 2010, Hồ Thị Danh, cô con gái đầu của ông tốt nghiệp Đại học Y dược Huế trở về quê hương công tác tại Trạm Y tế xã Ngân Thủy. Lần lượt bốn người em của Danh tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định. Hồ Khỏe, cậu trai út bị khuyết tật học xong THPT về cùng cha trồng trọt, chăn nuôi. Những người con đã “truyền lửa” thúc đẩy niềm đam mê công tác nhân đạo, cho người cha tiếp tục đến với những cảnh đời bất hạnh. Hội CTĐ xã Ngân Thủy ban đầu thành lập chỉ có 20 hội viên, đến nay phát triển gần 400 hội viên thuộc 512 hộ dân ở 6 thôn, bản và 3 trường học.

Hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động, Hồ Nhanh bám sát địa bàn, khảo sát từng đối tượng đặc biệt khó khăn đề nghị các tổ chức, cá nhân nhận trợ giúp. Hiện tại, Hội CTĐ xã Ngân Thủy hoàn thành xong hồ sơ 46 đối tượng, trong đó 18 địa chỉ đã được trợ giúp từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hồ Nhanh tâm sự: "Khi mới triển khai cuộc vận động, mình gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ ít, địa bàn dân cư sinh sống cách trở; doanh nghiệp đóng trên địa bàn mình mới nghe qua chứ chưa tạo mối quan hệ. Nhắm mắt lại, thấy gia cảnh đồng bào khó khăn quá, vậy là quyết tâm đi gõ cửa: Đoàn kinh tế quốc phòng 79, Công ty Cao su Lệ Ninh, Công ty Hưng Văn Trường, Công ty Khánh Huyền..., vận động ủng hộ. Rứa mà sau khi nghe mình trình bày, ai cũng sẵn sàng nhận địa chỉ để giúp đỡ”.

 Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Hồ Nhanh
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Hồ Nhanh

Chúng tôi hỏi ông: “17 năm lăn lộn với công tác hội và phong trào nhân đạo, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?”. “Có, có... mình nhớ năm 2015, có đoàn bác sỹ Hàn Quốc (tổ chức Vision Care- PV) về thăm, khám bệnh nhân đạo cho bà con trong xã. Lần đầu gặp người nước ngoài, mình lo lắm, cả mấy đêm không ngủ được. Khi có lịch khám bệnh, mình cùng các tình nguyện viên CTĐ đến từng bản vận động, thuyết phục bà con khám sức khỏe. Có những cụ già, phụ nữ khi được khám, siêu âm, tư vấn bệnh tật đã rất cảm động. Mình bảo với mấy ông bác sỹ người Hàn Quốc: “Với bà con dưới đồng bằng khi đau ốm dễ dàng đến bệnh viện, còn với đồng bào dân tộc Vân Kiều chúng tôi chủ yếu là người nghèo, ít có điều kiện đi viện chăm sóc, điều trị sức khỏe. Đồng bào đau nhẹ thì tự ăn lá cây rừng, đau nặng thì tìm thầy lang chữa trị tại nhà, thậm chí cúng bái đuổi ma, trừ tà. Cũng chỉ tại cái đường đến trạm xá vừa xa vừa cách trở núi rừng, đèo suối. Về bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh càng xa xôi hơn. Hôm nay, nhờ các bác sỹ khám, tư vấn cho bà con. Nếu đồng bào đưa con cháu theo thì nhờ khám luôn cho họ với.”

Với những đóng góp cho phong trào nhân đạo, từ thiện tại địa phương, Hồ Nhanh vinh dự nhận nhiều bằng khen của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, giấy khen Hội CTĐ Quảng Bình và UBND huyện Lệ Thủy. Năm 2015, ông được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo", phần thưởng cao nhất dành cho người con dân tộc Vân Kiều có công gieo mầm thiện nhân nơi núi rừng phía tây Lệ Thủy.

“Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với mình là niềm tin, tình cảm quý mến của đồng bào”- Hồ Nhanh chia sẻ “Chính niềm tin ấy giúp mình càng cố gắng hơn, để phong trào nhân đạo không chỉ là của một người mà lan tỏa đến tận các gia đình, bản làng xa xôi”.

Thanh Long - Nguyễn Thắm