.

Nhọc nhằn bảo vệ rừng vùng cát

Thứ Tư, 24/05/2017, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển (BQLRPHVB) Nam Quảng Bình có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13.600 ha rừng của 11 xã thuộc các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ngoài 3 trạm quản lý, bảo vệ rừng được bố trí ở các xã Hưng Thủy, Sen Thủy (Lệ Thủy) và Gia Ninh (Quảng Ninh), hiện tại, BQLRPHVB Nam Quảng Bình còn có 11 tổ bảo vệ rừng trực thuộc được đặt tại 11 xã.

Đồng chí Nguyễn Quang Thụy, Giám đốc BQLRPHVB Nam Quảng Bình “khoe” với chúng tôi về thành tích đạt được của đơn vị thời gian qua. Đó là công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được thực hiện rất tốt. Dĩ nhiên, để có được kết quả này, đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính quyền các địa phương, người dân và đặc biệt là nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ ở các tổ bảo vệ rừng. Trong đó, đơn vị có thành tích nổi bật nhất là Tổ bảo vệ rừng Ngư Thủy Bắc.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn giữa những cánh rừng phi lao trải dài theo triền cát, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng Ngư Thủy Bắc. Tổ có 10 thành viên và hầu hết đều đã trên 50 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thía, Tổ trưởng tâm sự, do đặc điểm địa hình của địa phương, vào mùa mưa lũ, thường xảy ra tình trạng xói mòn làm bật gốc cây. Ngược lại, vào mùa nắng nóng, các dòng suối cạn nước, thảm thực bì chủ yếu là cây rười đã khô, nên nếu có cháy rừng xảy ra, việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn, bởi không thể sử dụng phương thức dùng rựa và cành cây để chữa cháy như ở những diện tích rừng tự nhiên hoặc rừng thông.

Từ nhiều năm trước, Ngư Thủy Bắc được xem là trọng điểm xảy ra cháy rừng bởi ý thức bảo vệ, phát triển rừng của một bộ phận người dân kém. Địa bàn xã trải dài theo bờ biển, mật độ dân cư thưa thớt nên việc huy động lực lượng dập lửa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, ý thức của một bộ phận người dân trong việc sử dụng lửa khi vào rừng còn hạn chế nên khả năng phát lửa và cháy lan rộng là rất lớn. Với nhiều nỗ lực, những tháng đầu mùa khô năm nay, trên địa bàn đã không xảy ra tình trạng cháy rừng trên diện rộng.

Như đã nói, do đặc điểm diện tích rừng chủ yếu được trồng trên cát, thảm thực bì chủ yếu chỉ là cây rười-một loại cây có thể sử dụng làm mái lợp và chất đốt nên người dân rất tích cực khai thác. Ngoài việc khai thác cây rười, họ còn “tranh thủ” đốn thêm vài ba khúc củi là những gốc phi lao vốn có tác dụng ngăn chặn nạn cát bay, cát chảy, bảo vệ được những diện tích đất canh tác.

Các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng Ngư Thủy Bắc đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên đi đến từng hộ gia đình vận động người dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng; phối hợp với chính quyền địa phương, các chi bộ Đảng trên địa bàn tích cực lồng ghép nội dung tuyên truyền về lợi ích của rừng đối với đời sống người dân cũng như tác hại của việc phá rừng.

Đồng thời, Tổ tham mưu cho cấp trên xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng giữa đơn vị mình với chính quyền địa phương. Một trong những nội dung của quy chế này là khi có trường hợp vi phạm, UBND xã sẽ thông báo danh sách các đối tượng vi phạm về cho từng thôn, thông qua các cuộc họp, đưa ra kiểm điểm làm gương; yêu cầu các chi bộ Đảng đưa vấn đề này vào tiêu chí xét đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên, đoàn, hội viên của tổ chức.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trong giờ hành chính, là người bản địa, các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng Ngư Thủy Bắc thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với bà con qua các buổi họp thôn, họp xóm, các dịp cúng giỗ, cưới hỏi để tuyên truyền đến người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. Khi có trường hợp vi phạm là người thân, ruột thịt của mình, họ vận động thấu tình đạt lý để người dân vui vẻ nhận lỗi, từ đó rút kinh nghiệm lần sau. Nhờ vận động tốt không ít người dân sau khi vi phạm đã trở thành những thành viên rất tích cực trong thực hiện bảo vệ rừng ở địa phương.

Những việc làm thiết thực của Tổ bảo vệ rừng Ngư Thủy Bắc đã và đang góp phần không nhỏ cùng với địa phương thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển những cánh rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình.

Nguyễn Hoàng