.

Triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017

Thứ Ba, 07/03/2017, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tháng 1-2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6. Vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác chưa có ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm là rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú, cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Để chủ động tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường nhằm ngăn chặn, hạn chế các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm, ngày 2-3-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 295/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017”.

Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh cần tập trung vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng.   Ảnh: T.H
Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh cần tập trung vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng. Ảnh: T.H

Theo đó, cần tập trung vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi động vật tập trung; hộ gia đình có chăn nuôi động vật; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống; địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch động vật; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật; phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Căn cứ đặc điểm và tình hình dịch bệnh động vật, các địa phương xác định khu vực có ổ dịch cũ, vùng ngập lũ, vùng nguy cơ cao cần phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Để đảm bảo an toàn, người trực tiếp thực hiện tiêu độc khử trùng phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp. Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng tiêu độc khử trùng bằng các biện pháp cơ học như quét dọn, cạo, cọ rửa...

Kế hoạch được thực hiện bắt đầu từ ngày 1-3 đến 1-4-2017. Ngoài “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường”, các chủ cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm phải thường xuyên vệ sinh khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng tại cơ sở dưới sự giám sát của chính quyền, thú y địa phương. Khi có dịch bệnh động vật xảy ra, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn, hạn chế sự phát sinh và lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt dịch lở mồm long móng, tai xanh lợn, cúm gia cầm trong giai đoạn hiện nay; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, cắt đứt mắt xích sinh học trong cơ chế truyền bệnh, vô hiệu hóa mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi phân, rác, không khí...

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan tổ chức triển khai kế hoạch; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân, tổ chức, đoàn thể biết và tham gia thực hiện.

A.T