.

Chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở TP. Đồng Hới: Kịp thời, công khai, khách quan

Thứ Bảy, 04/03/2017, 11:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, thành phố Đồng Hới đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và triển khai kịp thời, có hiệu quả các công việc cần thiết trong công tác khôi phục sản xuất và thống kê thiệt hại. Nhờ vậy, đến nay, công tác chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên địa bàn thành phố theo quy định đã cơ bản hoàn thành. Thành phố là một trong ba địa phương (cùng với Bố Trạch và Lệ Thủy) làm tốt công tác này. Đặc biệt, tiền bồi thường thiệt hại đã kịp thời đến tận tay những người dân các xã, phường để họ ổn định cuộc sống.

Đại diện lãnh đạo thành phố Đồng Hới trực tiếp có mặt tại các điểm chi trả để kiểm tra, giám sát và động viên người dân.
Đại diện lãnh đạo thành phố Đồng Hới trực tiếp có mặt tại các điểm chi trả để kiểm tra, giám sát và động viên người dân.

Đồng Hới có 3 xã, phường ven biển là Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú và 3 xã, phường ở vùng cửa sông gồm Đồng Mỹ, Hải Đình và Phú Hải. Ngoài các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, trên địa bàn thành phố còn có rất nhiều đối tượng ảnh hưởng gián tiếp, như: tổ chức, cá nhân thu mua, sơ chế hải sản từ các tàu cá, cảng cá Nhật Lệ, bến cá, chợ cá; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại; các cơ sở chế biến hải sản, như: mắm các loại, ruốc; người làm thuê thường xuyên và không thường xuyên trong các cơ sở nói trên... Do vậy, Đồng Hới là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển.

Trong thời gian qua, cùng với việc cố gắng khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thành phố Đồng Hới đã nỗ lực thực hiện Quyết định 1880/QĐ-TTg với quyết tâm cao nhất. Theo đó, để nhanh chóng triển khai thực hiện công tác kê khai thiệt hại và ra quyết định chi trả kịp thời kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, thành phố đã tích cực huy động cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cho đến các đoàn thể chính trị xã hội cùng vào cuộc.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thành phố đã tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương, đường lối chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành về giải quyết sự cố môi trường biển, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách và xảy ra khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn.

Cùng với đó, thành phố đã thành lập các tổ công tác về các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý thực hiện tốt việc lấy ý kiến của cộng đồng theo quy chế dân chủ cơ sở, tạo được sự đồng thuận của nhân dân từ thôn, xóm đến xã để những người bị thiệt hại sớm được bồi thường, hỗ trợ. Địa phương cũng đã tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi xúi giục, kích động, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhờ đó, giữa tháng 11-2016, thành phố đã có thể tiến hành công tác đền bù, chi trả thiệt hại đầu tiên cho những người dân phường Phú Hải và xã Quang Phú. Đợt chi trả lần này, người bị thiệt hại tại hai xã, phường được nhận 50% số tiền đền bù. Trong đó, phường Phú Hải có 40 chủ tàu và 75 lao động trên tàu đã được bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; xã Quang Phú có 127 chủ tàu và 1.765 lao động bị ảnh hưởng, có tổng số tiền bồi thường trên 26 tỷ đồng.

Trong đợt chi trả đầu tiên này, đồng chí Lê Văn Phúc, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới và lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố đã trực tiếp có mặt tại các điểm chi trả để kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ, đồng thời các đồng chí cũng đã chia sẻ, động viên người dân sớm vượt qua khó khăn và sử dụng nguồn tiền đền bù hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, sau hơn 3 tháng triển khai chi trả đợt đầu tiên, đến nay thành phố đã phê duyệt chi trả 100% cho các đối tượng với tổng số tiền trên 270.725 triệu đồng/276.289 triệu đồng đã phê duyệt theo đối tượng bồi thường, và đã thực hiện giải ngân, chi trả trực tiếp cho người dân tại các xã, phường với số tiền 270.305 triệu đồng, đạt 99% so với tổng kinh phí đã phê duyệt chi trả.

Cụ thể, Đồng Hới đã chi trả cho đối tượng khai thác thủy sản và người lao động 142.479 triệu đồng (712 tàu và 1.281 lao động); nuôi trồng thủy sản 34.588 triệu đồng (2 doanh nghiệp và 190 hộ gia đình); lao động bị mất thu nhập 88.356 triệu đồng (5.097 lao động); hàng hải sản bị tiêu hủy 4.881 triệu đồng (5 kho lạnh).

Người dân xã Quang Phú, TP. Đồng Hới vui mừng nhận 100% kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.
Người dân xã Quang Phú, TP. Đồng Hới vui mừng nhận 100% kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển.

Được biết, để bảo đảm tính dân chủ, công khai trong việc chi trả, trước đó, các xã, phường đã triển khai thẩm định, kê khai danh sách đúng quy định, đúng đối tượng và kinh phí chi trả tiền bồi thường cho người dân một cách khách quan, công khai, minh bạch.

Sau đó, chính quyền địa phương niêm yết công khai danh sách và kinh phí bồi thường thiệt hại cho từng đối tượng tại trụ sở UBND các xã, phường, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân biết và giám sát.

Có thể nói, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và các cấp chính quyền, công tác chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại thành phố Đồng Hới đã cơ bản hoàn thành và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Hơn thế nữa, từ nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời này, người dân Đồng Hới sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đầu tư phát triển và chuyển đổi nghề nghiệp trước mắt và lâu dài, nhằm góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

N.L