.

Nguy hiểm khi cho trẻ chơi bóng bay bằng khí hydro

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Thú chơi bóng bay nay đã dần trở nên phổ biến, nhất là các em nhỏ. Mỗi dịp được các bậc cha, mẹ cho đi chơi vào cuối tuần, dịp nghỉ (lễ, tết) không ít em thường đòi mua một vài quả bóng bay. Bởi lẽ các loại bóng bay hydro có rất nhiều hình dạng, màu sắc bắt mắt nên dễ dàng thu hút được sự chú ý, thích thú của trẻ. Tuy nhiên ít bậc phụ huynh biết đến nguy cơ tiềm ẩn tai họa của loại bóng bay bơm bằng khí hydro này.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn do bóng bay hydro gây ra thời gian gần đây, các bác sỹ, chuyên gia cũng có nhiều cảnh báo qua các kênh thông tin đại chúng một cách rộng rãi, nhưng dường như ít người quan tâm để ý. Do vậy, đến nay vẫn còn những vụ tai nạn do bóng bay gây thương tích cho người chơi cũng như thiệt hại về tài sản.

Mới đây nhất là vào ngày 26-2, sau khi tổ chức lễ mừng thọ cho một người thân, chị Dương Thị Minh (ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gom bóng bay để phát cho các cháu nhỏ trong nhà chơi, thì đột ngột chùm bóng bay phát nổ, khiến chị và 4 người khác bị bỏng phải đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, trong đó chị Minh bị bỏng nặng.

Bóng bay bơm khí hydro được bày bán ở nhiều nơi.
Bóng bay bơm khí hydro được bày bán ở nhiều nơi.

Còn ở Quảng Bình, đã có vụ bóng bay phát nổ khiến 10 người bị bỏng. Sự việc xảy ra vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 15-9-2016 tại khu vực nhà thờ Tam Tòa (đường 36m, TP. Đồng Hới). Theo đó, trong lúc mọi người đang vui chơi Tết Trung thu thì xảy ra 1 vụ nổ bóng bay khiến cho khoảng 20 người bị thương, trong đó có 10 người bị bỏng độ 2 và độ 3. Bị thương nặng nhất là chị Nguyễn Thị T.D (33 tuổi), bị bỏng độ 3.

Bóng bay bơm khí hydro có bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí, lề đường..., thường được dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội. Giá bán của loại bóng bay cũng không cao, chỉ khoảng 10.000 - 20.000/quả nên người chơi rất dễ tiếp cận được. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những quả bóng bay ấy có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu gặp nguồn nhiệt đủ lớn. Chúng được ví như những “quả bom nổ chậm” gây hậu quả nghiêm trọng.

Thạc sỹ Trần Đức Sỹ, Phó khoa Khoa học tự nhiên, Trưởng bộ môn Hóa học, Trường đại học Quảng Bình cho biết: “Nếu bơm bằng khí heli, bóng bay nổ vẫn an toàn. Tuy nhiên, loại khí này đắt và hiếm nên nước ta thường dùng khí hydro rất rẻ tiền và dễ sản xuất. Chỉ cần ở gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy, khối khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh”.

Theo ông, nhiệt độ tự cháy của hydro trong không khí lên tới 500 độ C. Do đó, khi nổ, bóng bay có thể gây sát thương nếu để gần mặt, gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt. Bỏng do khí hydro thường là bỏng nặng và trên diện rộng do khoảng cách cầm bóng bay thường gần người.

Bên cạnh đó, về phẩm màu tạo màu sắc cho bóng bay, hiện nay không kiểm soát được đó là phẩm màu dùng an toàn hay phẩm màu công nghiệp chứa các độc tố nguy hiểm như thủy ngân, chì (Pb), cadmium (Cd)... có thể gây hại cho trẻ.  Khi vào cơ thể, Pb tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Pb gây tác hại đối với các hệ thống men (enzyme) cơ bản, nhất là men hemosynthetase, trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ cho hồng cầu trong máu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3 ppm sẽ ngăn cản quá trình ôxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Còn Cd xâm nhiễm cơ thể trẻ là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng, gây nhiều loại ung thư như tuyến tiền liệt, phổi...

Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh ta loại mặt hàng bóng bay bơm khí hydro gần như bị bỏ ngỏ, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy mỗi bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, cân nhắc kĩ khi mua loại mặt hàng này để làm đồ chơi cho trẻ nhỏ.

Phạm Hà