.

Nơi chở che những mảnh đời bất hạnh

Thứ Năm, 24/11/2016, 17:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1995, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh có nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người khuyết tật, đối tượng tâm thần.

Trung tâm có 27 cán bộ, nhân viên, quản lý 44 đối tượng với nhiều thành phần. Vì nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc của cán bộ, nhân viên ở trung tâm rất vất vả. Hàng ngày họ phải làm rất nhiều công việc, từ dọn phòng, cho ăn, thay quần áo, tắm rửa đến chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng cho các đối tượng. Có những đối tượng bị liệt, cần tới 2 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân; những trẻ nhỏ lúc ốm, đau thường quấy khóc suốt đêm ngày... Chị Nguyễn Thị Hóa, người đã có nhiều năm làm việc ở đây cho biết: Công việc ở đây có tính đặc thù cao, vì vậy phải thật kiên nhẫn và phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương thực sự thì mới có thể gắn bó với nghề.

Có gặp gỡ và trò chuyện với những người ở đây mới có thể thấu hiểu được những nỗi bất hạnh mà các cụ, các em gặp phải. Nhiều người chia sẻ, nếu không vào đây họ cũng chẳng biết đời mình rồi sẽ trôi về đâu. Ở đây, họ đã tìm lại được cảm giác đầm ấm của gia đình, sự chia sẻ, đồng cảm của những con người dù không ruột rà thân thích.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc tận tình các em bé.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc tận tình các em bé.

Cán bộ, viên chức của Trung tâm luôn xác định công việc không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình thương, sự sẻ chia, đùm bọc với những phận người, phận đời bất hạnh. Ông Trần Đình Năm, Quyền Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết: Mỗi người được tiếp nhận vào trung tâm có một cuộc sống, hoàn cảnh riêng. Có cháu mới đến, khóc suốt mấy ngày, mấy đêm, các cán bộ, nhân viên lại cố gắng trở thành những người mẹ luôn ở bên dỗ dành, an ủi, xoa dịu nỗi đau, mặc cảm, giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống mới. Còn đối với những người già cô đơn, tâm thần, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường xuyên phát sinh tâm lý bất thường. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, cán bộ, nhân viên trung tâm quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, có biện pháp quản lý, chăm sóc phù hợp. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho các đối tượng.

Xót xa, muốn bù đắp cho những thiệt thòi mà các đối tượng đã gặp phải trong cuộc sống, đó là mong muốn chung của những cán bộ, nhân viên ở trung tâm. Tuy nhiên, hiện nay, mức chi phí tiền ăn cho các đối tượng bảo trợ còn khá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, việc vận động tài trợ kinh phí để chăm sóc các cụ, các em gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do tính chất công việc nên cán bộ, nhân viên của trung tâm phải làm việc ngày cả thứ bảy, chủ nhật và cả ngày lễ, song phụ cấp làm thêm còn rất ít ỏi. Cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn “Ngay đến một cái máy in hay phôtô coppy mà trung tâm cũng không có”, ông Trần Đình Năm chia sẻ.

Vì vậy, để trung tâm hoạt động tốt hơn, rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị...    

Phạm Hà