.

Cần lắm những công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai

Thứ Năm, 24/11/2016, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 2008 đến nay, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng 7 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai và hiện nay đang phát huy hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, với tỉnh có địa hình dài và hẹp, trải dọc theo bờ biển và nằm trong khu vực thường xuyên gánh chịu hậu quả do bão, lũ, lốc xoáy gây ra, việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai là nhu cầu hết sức cấp thiết.

Trung bình mỗi năm, có từ 2 đến 3 cơn bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình. Gió bão thường kéo theo triều cường, nước biển dâng, hoàn lưu của bão gây mưa lớn là nguyên nhân sinh lũ, lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực ven biển, cửa sông, vùng hạ lưu các hồ, đập, các vùng thấp trũng, khu dân cư ven đồi núi, khe suối... Các địa phương thường bị chia cắt, cô lập khi có bão lũ xảy ra như: Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ (Lệ Thuỷ), Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh), Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Cao Quảng, Văn Hoá, Thuận Hoá (Tuyên Hoá), Thượng Hoá, Tân Hoá, Minh Hoá (Minh Hoá) và các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn.

Tính từ khi thành lập đến nay (tháng 9-2008), Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng 7 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai gồm: Trường tiểu học Lộc Thuỷ, nhà sinh hoạt cộng đồng xã Mai Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), Trường mầm non Hải Ninh, Trường tiểu học Duy Ninh, Trung tâm phục hồi chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), Trường tiểu học Quảng Trung và Trường tiểu học Quảng Minh (thị xã Ba Đồn).

Trường tiểu học Lộc Thuỷ là công trình đầu tiên được Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ đầu tư tại tỉnh, khởi công tháng 7-2009 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8-2010. Công trình có quy mô 8 phòng học cho 240 học sinh. Công trình thứ 2 là nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thái Xá (xã Mai Thuỷ) hoàn thành tháng 12-2010. Thời gian qua, công trình đã phát huy hiệu quả sử dụng, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân lúc bình thường, vừa là nơi tránh trú cho khoảng 30 hộ dân quanh vùng khi có bão lũ xảy ra.

Tiếp theo là các công trình: Trường mầm non Hải Ninh, hoàn thành tháng 4-2012, quy mô 8 phòng học cho 278 học sinh; Trường tiểu học Duy Ninh hoàn thành tháng 1-2013, quy mô 8 phòng học cho 240 học sinh; Trường tiểu học Quảng Trung đưa vào sử dụng tháng 1-2013, với 6 phòng học cho 92 học sinh; Trường tiểu học Quảng Minh hoàn thành tháng 1-2013, quy mô 6 phòng học cho 180 học sinh...

Trường mầm non Hải Ninh là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm người dân trong trận bão lịch sử năm 2013.
Trường mầm non Hải Ninh là nơi tránh bão an toàn cho hàng trăm người dân trong trận bão lịch sử năm 2013.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết hầu hết các công trình đều được xây dựng kiên cố, khang trang, phù hợp với điều kiện dạy và học của giáo viên, học sinh và sinh hoạt của nhân dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Sau khi được bàn giao cho chính quyền địa phương, các công trình đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng, giải quyết được những khó khăn trong công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão lũ xảy ra.

Nhìn lại trận bão lịch sử tháng 10-2013 và gần đây nhất là 2 trận lũ liên tiếp xảy ra vào cuối tháng 10-2016 mới thấy hiệu quả thiết thực từ các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai tại các địa phương. Ngoài việc sử dụng làm nơi dạy, học của giáo viên và học sinh lúc bình thường, các công trình đã làm nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm người dân trong những ngày bão lũ, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể: Trường tiểu học Quảng Trung là nơi tránh trú an toàn cho trên 300 người dân, Trường mầm non Hải Ninh và Trường tiểu học Quảng Minh bảo đảm an toàn cho trên 100 người dân...

Cùng với việc hỗ trợ đầu tư các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, năm 2013, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các đội xung kích trên địa bàn 5 xã: Sơn Thuỷ (Lệ Thuỷ), Hàm Ninh (Quảng Ninh), Sơn Trạch (Bố Trạch), Phù Hoá (Quảng Trạch) và Tân Hoá (Minh Hoá). Lực lượng này trong những năm qua đã tích cực tổ chức tập huấn cho các đội viên của các đội xung kích và bà con nhân dân trong xã, đồng thời trực tiếp lập kế hoạch phòng tránh thiên tai cấp xã và hộ gia đình. Trong các đợt bão lũ xảy ra, dưới sự điều động của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện, xã, lực lượng xung kích đã hỗ trợ sơ tán, di chuyển nhân dân ở những vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở; di chuyển tài sản của các trường học, trụ sở cơ quan đến những nơi an toàn; giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sau bão lũ và tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Với địa hình khá phức tạp, vừa có biển, đồng bằng và miền núi, Quảng Bình nằm trong khu vực thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra. Qua khảo sát thực trạng và tình hình thực tế xảy ra trong thời gian qua, tại vùng núi cao có độ dốc lớn, sông suối hẹp, khi có mưa to thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, dễ bị chia cắt gồm địa bàn một số xã của các huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và các xã phía Tây huyện Quảng Trạch. Vùng trung du, gò đồi thường chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, khi có mưa to kéo dài thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất gồm các xã dọc đường Hồ Chí Minh, ven sông, suối các huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Vùng trũng sâu, ven sông khi có mưa thường xảy ra lũ lụt, ngập ứng dài ngày tập trung tại các xã vùng giữa huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bắc Bố Trạch, vùng Nam thị xã Ba Đồn, hạ lưu sông Son và sông Gianh. Vùng ven biển, cửa sông thường bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, triều cường, nước biển dâng tập trung tại các xã, phường, thị trấn ven biển của các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Như vậy, nhu cầu thực tế về các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai đối với các xã thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ, ngập sâu và chia cắt lâu ngày trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều. Đối với các đội xung kích đã được thành lập, hiện nay một số đội đã thay đổi do các thành viên chuyển công tác khác nên rất cần được tiếp tục tập huấn, hỗ trợ để duy trì và phát triển bền vững.  

Được biết, tại một buổi làm việc gần đây giữa UBND tỉnh với đoàn công tác của Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, đồng chí Phan Diễn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đã đề nghị tỉnh tập trung khảo sát, xem xét tình hình thực tế tại các địa phương và có văn bản báo cáo Quỹ để tiếp tục công tác hỗ trợ đầu tư các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai và thành lập thêm các đội xung kích trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đây thực sự là tin vui cho đồng bào vùng lũ, các khu vực thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.                            

Hiền Chi