.

Tất cả trường học trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ngập sâu trong lũ

Thứ Bảy, 15/10/2016, 20:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới diễn ra từ ngày 13 đến 15-10, đã gây ra các đợt mưa to đến rất to trên diện rộng, do lượng mưa quá lớn, đã làm mực nước trên hồ đập thủy lợi, các con sông trên địa bàn toàn tỉnh dâng cao, nhiều nơi bị chia cắt, nước chảy xiết và bị cô lập. Các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác phòng tránh, chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 13, sáng 14 và đến 14 giờ chiều ngày 14-10, gần 22 vạn học sinh từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh đã nghỉ học hoàn toàn.

Đến 17 giờ ngày 15-10-2016, một số trường học ở trung tâm thành phố Đồng hới vẫn còn ngập trong nước.
Đến 17 giờ ngày 15-10, một số trường học ở trung tâm TP. Đồng hới vẫn còn ngập trong nước.

Tuy nhiên, trong 2 ngày 14 và 15-10, có ba học sinh ở huyện Bố Trạch đã bị lũ cuốn trôi chết và mất tích. Đó là em Hồ Thị Long, người dân tộc Vân Kiều (SN 2003), ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch bị mất tích vào lúc 19 giờ ngày 14-10 (đã tìm được thi thể); em Nguyễn Gia Bảo (SN 2012), ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch và em Phạm Hoàng Phương (SN 2007), ở tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão.

Trao đổi với ông Hà Văn Nhân, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) được biết: Đến thời điểm này (chiều 15-10) tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt là các trường vùng ven sông Gianh ngập sâu từ 3-4m, nhất là Trường mầm non Văn Hóa bị ngập tới tận nóc, tất cả trang thiết bị, máy móc, đồ dùng dạy học bị nước lũ cuốn và hư hỏng hoàn toàn.

Đến chiều nay, một số trường ở xã Tân Hóa, Thượng Hóa, Trường tiểu học số 2 Trọng Hóa, huyện Minh Hóa vẫn còn ngập sâu trong nước trên 3m. Còn các trường ở vùng lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy ngập trên 1,8m… Và ngay như một số trường ở trung tâm TP. Đồng Hới đến nay vẫn còn ngập nước…

Để chủ động phòng chống lụt bão, từ đầu tháng 8-2016, Sở đã có kế hoạch triển khai cụ thể gửi cho các Phòng GD-ĐT, các trường trực thuộc tùy tình hình thực tế để chủ động đối phó với mưa bão bất thường, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do mưa lũ gây ra.

Riêng trong đợt mưa lũ này, ngày 14-10, Sở đã có Công văn khẩn số 2253/SGDĐT-VP gửi các Trưởng phòng GD-ĐT; Hiệu trưởng (Giám đốc) các đơn vị trực thuộc. Nội dung công văn chỉ đạo cụ thể: Trong những ngày có mưa lũ Ban giám hiệu và lực lượng xung kích phải trực 24/24 giờ để giải quyết sự cố phát sinh (kể cả thứ 7 và chủ nhật). Chủ động quyết định việc học sinh nghỉ học nếu có hiện tượng lũ lụt nguy hiểm; tổ chức lực lượng trực để cảnh báo; đảm bảo thông tin thông suốt với cấp trên, thông báo kịp thời những hiệu lệnh của Ban giám hiệu đến giáo viên và học sinh.

Rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất toàn trường, lớp học, phòng chức năng, kho đồ dùng dạy học, thư viện, hệ thống điện, cây xanh, tường rào. Những loại thiết bị, máy móc nặng, cồng kềnh, khó đưa lên cao một cách kịp thời thì phải được kê cao an toàn trước khi lũ vào. Bàn ghế, tủ làm bằng gỗ thấm nước và các máy móc, các thiết bị có chất liệu không chịu được ẩm ướt không được để những nơi có nguy cơ ngâm và ngập trong nước.

Những trường, điểm trường, phòng học còn thấp, cần liên hệ trước những nơi có nhà cao tầng để chủ động việc sơ tán tài sản trong trường hợp cần thiết. Không để tình trạng tài sản bị hư hỏng do lũ, lụt ở trong các nhà cấp 4, nhà tạm hoặc tầng trệt.

Những trường có học sinh đi học phải qua đò, các đơn vị phải tổ chức kiểm tra phao cứu hộ một cách thường xuyên trước khi qua đò, nhắc nhở học sinh không được tranh giành khi lên xuống thuyền, tuyệt đối không lên thuyền khi đã quá tải; những đơn vị trường học có địa bàn chia cắt khi có lũ lụt phải có kế hoạch chủ động cho học sinh nghỉ học khi lũ đến và tổ chức học bù vào thời điểm thích hợp…, ông Hà Văn Nhân chia sẻ.

Từ vùng rốn lũ Lệ Thủy, ông Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: Từ ngày 14-10, trên 29 nghìn học sinh từ cấp học mầm non đến THCS trên địa bàn toàn huyện đã được thông báo nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng cho các em. Hiện toàn huyện có 31/92 trường học vẫn còn ngập sâu trong lũ trên 1,8m.

Thực hiện công văn chỉ đạo của Sở, hơn nữa là vùng rốn lũ nên các trường học đã chủ động phòng chống, mặc dù nước lên nhanh trên mức báo động ba, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người của ngành đến lúc này vẫn được bảo đảm an toàn. Các đơn vị trường học chủ động phân công ban giám hiệu và giáo viên trực 24/24h, để nước rút đến đâu làm vệ sinh trường lớp đến đó, đồng thời cho học sinh nghỉ học đến khi nào thời tiết an toàn trở lại.

Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ lần này nước lên nhanh, đột ngột và trên diện rộng, nên một số trường ở vùng bán sơn địa phía tây của huyện chưa bao giờ ngập lụt, bất ngờ bị ngập sâu trong nước hơn 1m, nên thiệt hại khá lớn...

Rút kinh nghiệm trong đợt mưa lũ này, ngành GD-ĐT sẽ chủ động hơn, kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt và nhanh chóng triển khai phương án phòng chống bão số 7, có tên Sarika đang tiến vào Biển Đông.

Nội Hà