.

Phú Trạch (Bố Trạch): Bộn bề khó khăn sau mưa lũ

Thứ Năm, 20/10/2016, 16:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Phú Trạch là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của huyện Bố Trạch. Chưa hết khốn khó vì sự cố môi trường biển Formosa, thì nay, địa phương này lại đang phải gánh thêm hậu quả nặng nề do đợt lũ lụt.

>> Chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ

>> Báo Quảng Bình kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch cho biết: địa phương là một trong số 13 xã của huyện Bố Trạch bị ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển Formosa. Chỉ đến khoảng đầu tháng 9, khi các nguồn nước được công bố đạt ngưỡng cho phép, nhiều hộ nuôi trên địa bàn xã Phú Trạch mới bắt đầu khôi phục lại diện tích nuôi trồng.

Vậy nhưng, chưa kịp mừng thì trận lũ vừa qua đã cuốn đi của người dân tất cả. 150 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản của trên 70 hộ dân bị xoá sổ hoàn toàn. Nhiều nhất là các hồ nuôi của gia đình anh Đỗ Văn Mãi, Đỗ Văn Khiết, Đỗ Hạch…

“Gia đình tôi đợt trước thả nuôi gần 7 ha thì gặp sự cố môi trường biển, đang nợ ngân hàng chưa trả hết. Nay tôi làm quảng canh, vừa thả 47 vạn con giống được hơn đầy tháng thì nước lũ cuốn trôi cả; tiền ăn tiền học của con trông cả vào đó, chừ còn đâu”, anh Đỗ Văn Phú cho biết thêm, ánh mắt không giấu nổi sự chua xót.

Với các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn xã Phú Trạch, việc khôi phục lại sản xuất sau mưa lũ đang còn là cả một quá trình dài.

Cùng với đó, nhiều điểm trường, thiết chế văn hoá bị hư hỏng; hàng ngàn mét kênh mương và đường giao thông bị sạt trôi, hư hỏng; hàng chục ha hoa màu và cây trồng bị hư hại… khiến Phú Trạch thêm bộn bề khó khăn.

Lũ lớn đã xoá sổ 150 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở xã Phú Trạch.
Lũ lớn đã xoá sổ 150 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở xã Phú Trạch.

Trong số các thôn của xã, Nam Sơn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 5 ngày sau khi lũ rút, nhiều tuyến đường nội thôn vẫn chưa rút hết nước, nhiều đoạn xói lở nghiêm trọng, chỉ trơ đá sỏi. Anh Đỗ Văn Phú, trưởng thôn Nam Sơn đang tranh thủ lúc nắng ráo hướng dẫn bà con kiểm tra số loa máy của nhà văn hoá thôn bị ướt nước, chia sẻ: thôn có 142 hộ dân thì tất cả đều bị cô lập hoàn toàn trong lũ. Trong đó, 2/3 số nhà dân trong xã bị ngập sâu trên 1m, có nhà ngập đến 2,5m.

Tay hối hả đem phơi số lúa bị ướt nhẹp do lũ, chị Đỗ Thị Hương (thôn Nam Sơn) tiếp lời: “Nước lũ lên nhanh quá khiến bà con không kịp trở tay; thóc, lúa, gà lợn thiệt hại cả. Nhà tôi còn mẹ già và các con dại, chưa biết ngày mai sống ra sao đây. Nhưng thương nhất là mấy hộ nuôi tôm, nước xõa trắng cả một vùng e mất hết chơ mô”.

5 ngày sau lũ rút, nhiều đoạn đường nội thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch vẫn chưa rút hết nước.
5 ngày sau lũ rút, nhiều đoạn đường nội thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch vẫn chưa rút hết nước.

Với người dân thôn Nam Sơn, trận lũ đã khiến cuộc sống của họ khó chồng thêm khó bởi từ bao đời nay, họ đã khốn khó với cảnh không có nước ngọt để dùng. Nguồn nước sinh hoạt vốn lâu nay bị nhiễm phèn, nhiễm mặn giờ cộng thêm nước lũ nên vàng đục cả một vùng. Trong những ngày tới, việc tắm giặt chắc chắn là không thể chứ chưa nói gì đến chuyện ăn uống

Người dân ở thôn Nam Sơn nhiều lần đào giếng để mong tìm nguồn nước nhưng họ đành bất lực bởi càng đào sâu thì nước lại càng mặn. Không còn cách nào khác, họ buộc phải đi mua nước tại các vùng lân cận.

Chị Hoàng Thị Hồng Duyên, một người dân thôn Nam Sơn cho biết thêm: nguồn nước trong làng chủ yếu chỉ được dùng để tắm giặt. Mỗi ngày, để có nước uống, chị và những người trong thôn phải lặn lội hơn 3 cây số sang Đồng Trạch đi lấy nước. Cứ lấy đầy một can nhựa khoảng 20 lít thì trả 2.000 đồng tiền công bơm; gia đình có 4 người, dùng tằn tiện lắm thì cũng phải 3 lượt/ngày chị đạp xe đi chở nước.

Sau lũ, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt khiến người dân thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch thêm khốn khó.
Sau lũ, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt khiến người dân thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch thêm khốn khó.

Toàn thôn Nam Sơn có 142 hộ với 700 khẩu thì cả từng ấy con người vẫn hằng ngày đối chọi với cảnh sống thiếu nước sạch sinh hoạt.

Chia sẻ với khó khăn của người dân địa phương, năm 2012, tỉnh đã bố trí cho xã Phú Trạch một khoản ngân sách 350 triệu đồng để thuê đơn vị tiến hành khảo sát, khoan thăm dò và tìm giếng nước ngọt. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất khâu khảo sát, thăm dò, khoản dự trù đầu tư xây dựng công trình nước sạch hoàn thiện lên đến 7 tỷ đồng; khoản chi phí đó quá lớn đối với một địa bàn còn bộn bề khó khăn như thôn Nam Sơn. Công trình nước sạch vì thế đến nay vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Vốn đã khổ cực, nay gặp trận lũ lớn, cuộc sống của người dân nơi đây lại càng bồn bề khó khăn. “Mong rằng trong thời gian tới đây, chính quyền và các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để người dân địa phương sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch chia sẻ thêm.

Thanh Hải - Đào Vân

Những đóng góp thiết thực, ủng hộ đồng bào Quảng Bình của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… sẽ góp phần giúp bà con giảm bớt những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi sẽ công khai đầy đủ tất cả mọi sự giúp đỡ (quí danh, số lượng, giá trị) hỗ trợ trên Báo Quảng Bình và chuyển số vật chất, tiền nhận được đến bà con vùng bị thiệt hại nặng do lũ lụt trong thời gian sớm nhất.

Mọi sự ủng hộ xin chuyển về:

Báo Quảng Bình, địa chỉ: đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới

Điện thoại: 0523.822.529; 0523.850.609; Di động: 0915.272.957, 0903.487.377


hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình

số TK: 10401 000000 5829 - Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.