.
55 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961- 10-8-2016)

Vượt lên số phận - Bài 2: Hãy cất lên tiếng ca cho nỗi đau dịu lại

Thứ Sáu, 05/08/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngôi nhà tình nghĩa nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở thôn Tân Phú, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới do cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình góp công, góp sức xây lên. Chủ nhà tên Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1980, nạn nhân CĐDC. Thảo được xem là “chim sơn ca” của phong trào văn hóa - văn nghệ người khuyết tật tỉnh Quảng Bình. Luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại. Ngồi đối diện với tôi, Thảo tự tin: “Nạn nhân CĐDC như chúng em, khổ trăm bề, dù tật nguyền nhưng em vẫn diễm phúc hơn bao nhiêu người khác, trời phú cho năng khiếu ca hát, vậy thì tại sao không cất lên tiếng ca, để nỗi đau da cam dịu lại!”

Nguyễn Thị Thảo là con thứ tư trong gia đình có 5 người con của vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Thị Nọi (trong đó người anh trai đầu mất khi mới sinh).  Ông Thu từng có 4 năm (1970-1974) tham gia TNXP phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và chiến trường Lào, nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến dịch Ranch Hand trong 10 năm (1961-1971) gây ra thảm họa da cam Việt Nam. Từ khi mới lọt lòng, Thảo đã bị liệt và teo cơ hai chân do di chứng CĐDC từ bố truyền sang.

Tuổi thơ của Thảo là những tháng ngày lê lết, bò toài trên cát trắng để theo bạn bè đi học. Thảo bảo: “Em thèm đến trường, thương con nên dù nhà nghèo bố mẹ vẫn lo cho con học lấy cái chữ. Không nhớ bao nhiêu lần, đôi chân dị tật chẳng theo ý mình, vậy là bò đến lớp. Sau này bạn bè đồng cảm, đưa đón em hàng ngày... cứ thế em gắng xong cấp hai thì ở nhà”.

Thảo cùng với các thanh niên khuyết tật được tôn vinh tại chương trình đồng hành cùng thanh niên khuyết tật năm 2016 do Tỉnh đoàn tổ chức.
Thảo cùng với các thanh niên khuyết tật được tôn vinh tại chương trình đồng hành cùng thanh niên khuyết tật năm 2016 do Tỉnh đoàn tổ chức.

Năm 1996, Thảo được Giáo sư - Bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân, Viện Quân y 108 tiến hành phẫu thuật đôi chân, từ đó cơ bản đi lại được ở khoảng cách gần. Nghỉ học, Thảo phụ giúp gia đình đan lưới thuê kiếm sống qua ngày. “Chẳng lẽ cuộc đời mình chịu thua tật nguyền, thua số phận. Sống bám vào bố mẹ, sau này bố mẹ mất đi mình dựa vào ai?”- Thảo chia sẻ - “Tình cờ em xem ti vi, trong chương trình truyền hình nhân đạo có giới thiệu về Trung tâm nhân đạo Hà Nội, vậy là quyết tâm khăn gói tự mình lên đường tìm tới trung tâm. Bước ngoặt cuộc đời em thay đổi kể từ đây”.

“Đó là năm 1997, sau khi phát hiện em có năng khiếu ca hát, Ban giám đốc Trung tâm cho em tham gia vào đội văn nghệ xung kích người khuyết tật. Ngoài ra em còn tranh thủ học thêm nghề may công nghiệp với mong muốn sau này trở về quê hương tự mình nuôi sống bản thân mình”.

Tôi đã từng nghe Thảo hát... trên xe lăn, trong tà áo dài thanh thoát vào những dịp kỷ niệm, hội thi của người khuyết tật. Ai không tinh ý, sẽ chẳng nhận ra dáng Thảo đứng chông chênh. Giọng hát Thảo bật ra, ngọt ngào, lan tỏa, thấm sâu vào lòng người. Tôi cũng giống như rất nhiều người quen Thảo, hiểu Thảo để càng trân trọng hơn nghị lực sống của Thảo.

Năm 2000, Nguyễn Thị Thảo tham gia dự cuộc thi tiếng hát trẻ em khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất và đạt 1 huy chương vàng, được Ban giám đốc Trung tâm nhân đạo Hà Nội tặng giấy khen.

Tháng 8-2007, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình (AEPD) tổ chức cho Thảo tham gia hội thao thể thao - văn hóa, văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 tại thành phố Huế. Thảo dự thi 4 môn và đạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương vàng.

Tháng 11-2014, trong đội hình tham gia hội thi tiếng hát người khuyết tật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Vinh của Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thị Thảo tiếp tục đoạt 1 huy chương vàng.

“Để đạt được những kết quả trên, bản thân em luôn cố gắng rất nhiều. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ, động viên kịp thời của gia đình và xã hội. Bây giờ em đủ tự tin sống hòa nhập với cộng đồng, gắn bó, chia sẻ nhiều hơn với các bạn nạn nhân CĐDC cùng cảnh ngộ, cùng vui sống” - Nguyễn Thị Thảo tiếp tục câu chuyện dài của đời mình - “Về lại quê, cuộc sống khó khăn vây quanh, nghề may công nghiệp em học được tại Trung tâm nhân đạo Hà Nội chẳng giúp em kiếm được việc làm phù hợp với sức khỏe. Thế là trôi dạt vô TP.HCM, đi may thuê. Vừa làm việc, vừa học nâng cao nghề may, chuyên trang phục nữ. Tích góp được chút vốn, sắm cho bản thân cái xe máy ba bánh, năm 2007, em quyết định trở lại Quảng Bình lập nghiệp. Từ đó đến nay, nghề may nuôi sống mẹ con em qua ngày?”

“Thảo đã có gia đình?”- Tôi hỏi. “Không! Em là bà mẹ đơn thân!” - Tiếng Thảo chùng xuống, đôi mắt rân rấn nước - “Em có một con trai sinh năm 2002 anh ạ! Nếu may mắn thì em đã có một gia đình hạnh phúc, bình thường như những người phụ nữ khác, luôn khát khao thiên chức làm vợ, làm mẹ”.

Ngày Nguyễn Thị Thảo ở Trung tâm nhân đạo Hà Nội có một người thầy giáo khuyết tật tên Nguyễn Ngọc Kha, quê Thái Bình mến tính, mến tình cô gái khuyết tật gốc gác Quảng Bình. Từ cảm mến, hai người nhanh chóng đến với nhau bằng tình yêu và được thầy cô, học trò tại Trung tâm nhân đạo Hà Nội vun vào.

Hạnh phúc tưởng sẽ viên mãn với Thảo khi hai người, hai gia đình chuẩn bị tiến tới hôn nhân, khi trong cơ thể Thảo một mầm sống đang dần lớn lên. “Vậy mà khi em về Quảng Bình để thông báo tin vui cho ba mẹ thì nhận hung tin từ Trung tâm nhân đạo Hà Nội báo vào anh Kha mất đột ngột vì nhồi máu cơ tim. Anh ạ! Em tìm thấy hạnh phúc, chạm tay vào hạnh phúc lớn nhất cuộc đời mình, nhưng một lần nữa số phận nghiệt ngã cướp mất hạnh phúc ấy”. Nguyễn Ngọc Thành là con trai của mối tình dang dở Thảo - Kha, năm nay Thành học lớp 9, sức khỏe yếu, hay đau ốm, bị u dịch ở chân...

“Mong muốn lớn nhất của cuộc đời em là con trai em khỏe, ngoan, học hành đến nơi đến chốn. Nghề may ổn định giúp cho hai mẹ con trang trải qua ngày, không còn lo cơm áo, gạo tiền. Còn sống là còn lạc quan, còn cất tiếng hát, để tự động viên mình, để làm dịu lại nỗi đau da cam” - Nguyễn Thị Thảo tha thiết!

Ngô Thanh Long

Bài 3: Vững vàng trên đôi chân tật nguyền

>> Vượt lên số phận- Bài 1