.
55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016):

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 10-8-1961, máy bay quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam dọc theo đường 14 từ Kon Tum đến Đắc Tô, thảm họa da cam chính thức bắt đầu. Cuộc chiến hóa học chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam để lại hậu quả cực kỳ khốc liệt ở thời kỳ hậu chiến đối với nhân dân Việt Nam và cả lực lượng đồng minh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Ngày 10-8 hàng năm trở thành “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” ở Việt Nam.

Trong hơn 10 năm thực thi chiến dịch Ranch Hand rải chất khai quang (1961-1971) đã có 19.905 phi vụ máy bay tham gia và trên 21 triệu gallons (tương đương gần 80 triệu lít) các loại chất độc được rải, trong đó 61% là chất da cam chứa 366kg dioxin.

Phạm vi ảnh hưởng của chiến dịch Rand Hand bao trùm trên một diện tích rộng lớn: 32/46 tỉnh, thành ở miền Nam nằm trong khu vực chịu tác động của chất độc; 80% diện tích rừng bị khai quang trên 2 lần; 11% diện tích rừng bị khai quang trên 10 lần; 3.185 thôn, làng, bản bị tàn phá... Dioxin là chất cực độc trong các loại chất độc. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Những người lính Việt Nam, cựu binh Mỹ và các nước đồng minh từng tham chiến trong khu vực bị rải thảm, khi trở về thời bình, bản thân họ không biết mình đã mang trong người một thứ mầm mống bệnh tật kinh hoàng, di chứng kéo dài không phải chỉ trên cơ thể mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm nạn nhân da cam tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm nạn nhân da cam tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có hàng vạn người tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số đó, nhiều người anh dũng hy sinh, hàng chục nghìn người mang trên mình nhiều thương tích, bệnh tật. Trong số đó có 19.207 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, chỉ mới có 6.300 nạn nhân hưởng chế độ; 12.907 người do mất giấy tờ nên chưa làm chế độ chính sách, có 3.991 người đã chết. Chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ từ đời con đến đời cháu qua đời chắt. 3.719 nạn nhân là con của người trực tiếp tham gia kháng chiến (đã mất 314 người), trong đó được hưởng chế độ chính sách 2.381 người. 661 nạn nhân là cháu (thế hệ thứ 3) của người trực tiếp tham gia kháng chiến (đã mất 144 người), mới chỉ có 94 đối tượng thế hệ thứ 3 được hưởng chế độ xã hội. Thống kê chưa đầy đủ, có 4 nạn nhân đời chắt (thế hệ thứ tư) của người trực tiếp tham gia kháng chiến đã chết.

Đời sống vật chất, tinh thần nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) còn rất nhiều khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng dị tật, thiểu năng trí tuệ... NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Với trách nhiệm của mình, từ lâu Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề CĐDC. Tháng 10-1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được thành lập nhằm xác định quy mô, tác hại cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người. Ngày 1-3-1999, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập, nhằm triển khai kế hoạch hành động khắc phục hậu quả CĐDC từ Trung ương đến địa phương.

Năm 2002, Bộ Chính trị kết luận: Giải quyết hậu quả CĐDC là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề cấp bách hiện nay. Ngày 1-6-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua pháp lệnh; Chính phủ ban hành 11 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định, các bộ ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến NNCĐDC.

Những đứa trẻ da cam của gia đình anh Hồ Mẹo ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).
Những đứa trẻ da cam của gia đình anh Hồ Mẹo ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).

Để triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh  Quảng Bình ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC; tổ chức và hoạt động của Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp trong tỉnh.

Ngày 10-1-2004, Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam chính thức thành lập. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Chủ tịch.

Để các NNCĐDC trong tỉnh có một tổ chức, chỗ dựa vững chắc và là mái ấm tình thương chung, ngày 25-1-2009, Hội NNCĐDC/Dioxin Quảng Bình chính thức thành lập theo Quyết định số 1862/QĐ-UBND ngày 23-7-2009 của UBND tỉnh. Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Quảng Bình là tổ chức xã hội có tính đặc thù của NNCĐDC và các cá nhân tự nguyện. Hội thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài giúp đỡ NNCĐDC hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ người công dân.

Xác định mục tiêu đồng hành cùng NNCĐDC, từ ngày thành lập đến nay, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh không ngừng kiện toàn và nâng cao khả năng hoạt động của tổ chức hội các cấp; chú trọng phát triển tổ chức về số lượng, về chất lượng và khả năng hoạt động của hội. Đến nay tổ chức hội đã có ở 8 huyện, thị xã, thành phố; 133/159 xã, phường, thị trấn thành lập hội; phát triển 6.112 hội viên. Tổ chức hội các cấp ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhân dân ủng hộ; hoạt động của hội ngày càng có chiều sâu, hiệu quả, uy tín của hội ngày càng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2015, các cấp hội vận động được 21.730 triệu đồng, trong đó quỹ của tỉnh trên 10.000 triệu đồng; quỹ của các huyện, thành phố, thị xã 11.704 triệu đồng. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân là việc làm thường xuyên, là mục đích chính của các tổ chức hội. Hội đã chi hỗ trợ cho nạn nhân tổng số tiền trên 16.479 triệu đồng, trong đó hỗ trợ làm, sửa chữa 152 căn nhà; cấp học bổng cho 230 cháu; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 45 hộ; tặng 5.360 suất quà; xây dựng Trung tâm bán trú của nạn nhân trên 7.563 triệu đồng. Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân 145 xe lăn, xe lắc; xây 15 căn nhà; cấp 10 suất học bổng; tặng 170 suất quà, và 5.600 liếp váng sữa...

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước. 55 năm thảm họa da cam Việt Nam đã qua... Để tiếp tục giúp đỡ ngày càng tốt hơn cả về vật chất lẫn tình thần cho NNCĐDC, các cấp hội trong toàn tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; vận động toàn dân tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, tham gia giúp đỡ nạn nhân bằng hành động cụ thể, với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao.

Xây dựng Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm cao theo phương châm “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam”. Tích cực vận động nguồn lực giúp đỡ NNCĐDC, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, xây dựng mô hình điển hình tiên tiến thuộc nhiều đối tượng khác nhau.

Đến với NNCĐDC là đến với nỗi đau tột cùng của con người, nhưng chính ở đây, tính bản thiện của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân” thể hiện rõ nhất, cũng chính ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tri và trách nhiệm được tôn vinh cao cả.

Nguyễn Quốc Trị

(Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Quảng Bình)