.

Phân luồng sớm để nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Thứ Ba, 05/07/2016, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Một trong những giải pháp quan trọng là phân luồng học sinh sau THCS. Theo các chuyên gia giáo dục, phân luồng học sinh sau THCS là lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để học sinh sau khi tốt nghiệp được giáo dục và đào tạo theo những khuynh hướng và ngành học khác nhau, phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh, đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc tham gia lao động sản xuất. Học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân theo các luồng: giáo dục phổ thông (luồng chính), giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động sản xuất (luồng phụ).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Quảng Bình cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phải có giải pháp phân luồng sớm từ phía bậc học phổ thông. Thực hiện công tác này không dễ, phải có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhà trường, phụ huynh học sinh. Hiện nay, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích học nghề. Trong đó có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2019-2021 theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ; Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ, vừa học nghề vừa học văn hóa. Nếu phân luồng sớm, sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn kinh phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Bởi thực trạng diễn ra tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình, có rất nhiều em sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học đã quay trở lại học cao đẳng nghề”.

Tính sơ bộ, mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học, gia đình, xã hội phải chi hàng trăm triệu đồng, con số hàng trăm sinh viên tốt nghiệp phải quay vòng đào tạo nghề sau ít nhất 4 năm học đại học thì vô cùng lãng phí. Nếu làm tốt công tác phân luồng, hẳn nhiều cử nhân không phải tiếc nuối vì phải trải qua chặng đường dài như vậy.

Sàn giao dịch việc làm tỉnh ta ngày càng thu hút thanh niên đến tìm việc làm.
Sàn giao dịch việc làm tỉnh ta ngày càng thu hút thanh niên đến tìm việc làm.

Đã có nhiều tiếng nói đồng thuận từ phía các giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng nghề Quảng Bình. Nhiều giảng viên, sinh viên cho rằng, phân luồng sớm sẽ đưa lại nhiều tín hiệu tốt lành cho hoạt động đào tạo nghề. Giảng viên Trần Phương Thúy, phụ trách khoa Du lịch dịch vụ cho biết: “Đa phần các em từng tốt nghiệp các trường đại học khi quay lại học cao đẳng nghề đều tỏ ra tiếc nuối quãng thời gian đã qua. Nếu ngay từ sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT, các em xác định được con đường vào trường nghề thì sẽ tốt hơn là phải quay lại từ đầu”.

Hẳn nhiên, thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm đang là vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường thì con đường phân luồng hướng nghiệp ngay từ cổng trường phổ thông là vấn đề cần thiết. Một học sinh của Trường cao đẳng nghề Quảng Bình sau 4 năm học đại học đã đăng ký vào học lớp trung cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn tâm sự: “Để thiết thực lập thân, lập nghiệp sớm giúp đỡ một phần cho gia đình và tạo công ăn việc làm sớm, sau khi tốt nghiệp đại học, em đã tự nguyện đăng ký học nghề. Em nghĩ rằng phải làm được công việc mà xã hội đang cần. Dự định của em là làm chủ một cơ sở dịch vụ ăn uống ở thị trấn Hoàn Lão để phục vụ cho khách du lịch”.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, tỉnh ta rất quan tâm chiến lược nâng cao chất lượng nguồn lực con người, trong đó có việc đào tạo nghề. Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2011-2020, giai đoạn 2015-2020 số lao động cần đào tạo bổ sung cho nền kinh tế là trên 71.320 người, phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 50%. Tổng số lao động trong các ngành kinh tế quốc dân dự kiến năm 2020 là 493.000 lao động; trong đó số lao động qua đào tạo khoảng 320.450 người, đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65%; nhu cầu lao động qua đào tạo giai đoạn này tăng thêm khoảng 53.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo thêm 10.780 người.

Điều đáng mừng là công tác hướng nghiệp dạy nghề, phân luồng sớm đang có những chuyển biến tích cực ở trong nước và ngay tại địa bàn tỉnh ta. Thay cho việc lo cho con cái vào đại học bằng mọi giá, thì hiện nay tâm lý phân luồng sớm đã xuất hiện ở không ít bậc phụ huynh có con học phổ thông. Nếu những người con không có khả năng học giỏi văn hóa, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động cho con em học các trường nghề ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình vào mùa tuyển sinh năm học mới đã có hơn 300 hồ sơ học sinh THCS đăng ký vào học. Đây là tín hiệu mới rất đáng mừng. Khi biết sức học văn hóa của học sinh không thể đạt thành tích cao trong học văn hóa, nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông đã ủng hộ chủ trương vận động học sinh thi vào trường nghề sớm. Học nghề chẳng những giúp các em sớm lập thân lập nghiệp mà khắc phục thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, đáp ứng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, góp phần đưa công tác xuất khẩu lao động tiến lên bước mới.

Thiết nghĩ, qua việc làm của nhiều tỉnh bạn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta cũng cần tham khảo để vận dụng vào thực tiễn địa phương. Có thể nói, phân luồng sớm là giải pháp vừa ích nước vừa lợi nhà, đang được triển khai mạnh mẽ có hiệu quả nhiều địa phương tỉnh bạn. Riêng ở tỉnh ta, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực từ hoạt động phân luồng sớm. Mong rằng công tác này tiếp tục được triển khai có hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực đào tạo nghề thiết thực phục vụ công cuộc CNH, HĐH tỉnh nhà.

Phan Hòa