.

Hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Để người lao động không "quay lưng"

Thứ Sáu, 15/07/2016, 09:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/ tháng, được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Quyết định 77 được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội mới cho người lao động trong hành trình tìm kiếm việc làm, đồng thời, góp phần giảm bớt gánh nặng mưu sinh, tăng động lực, cố gắng tìm việc cho người thất nghiệp.

Tuy nhiên, quyết định đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2015, nhưng đến nay, số lượng lao động nhận khoản hỗ trợ này ở tỉnh ta mới vỏn vẹn 3 trường hợp (1 trường hợp trong năm 2015 và 2 trường hợp vào 5 tháng đầu năm 2016) với số tiền là 11 triệu đồng. Vì sao người lao động lại thiếu mặn mà với ưu tiên dành cho mình đến vậy?

Anh Đinh Văn Thương (Hồng Hóa, Minh Hóa) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Làm công việc lái máy ủi của một công ty khoáng sản tại Thừa Thiên-Huế trong hơn 4 năm qua, bây giờ, anh Thương quyết định về quê nhà lập nghiệp. Sau khi được tư vấn viên cung cấp thông tin về những hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, anh Đinh Văn Thương cho biết, anh sẽ không nhận mức hỗ trợ học nghề này. Bởi anh đang băn khoăn không biết học nghề gì và thậm chí, nếu học nghề xong, anh cũng không biết xin việc ở đâu trong bối cảnh tìm việc ở Minh Hóa hay TP. Đồng Hới đều rất khó khăn. Đó là chưa kể nghề lái máy ủi của anh đang không có “đất” sử dụng.

Những người bạn đi cùng anh Đinh Văn Thương cũng trong hoàn cảnh tương tự. Họ chỉ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mà thôi, còn việc học nghề vẫn chưa là nội dung mà họ quan tâm.

Mặc dù được tư vấn tích cực, nhưng người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn không mấy mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.
Mặc dù được tư vấn tích cực, nhưng người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn không mấy mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thế Công (Lương Ninh, Quảng Ninh) đang theo học lớp lái xe với sự hỗ trợ kinh phí từ Quyết định 77 từ đầu năm 2016. Anh chia sẻ, hơn 27 năm làm nghề cầu đường nay đây mai đó, nay bước sang tuổi 45, anh mong muốn đổi nghề để có thời gian nhiều hơn cho gia đình và phù hợp với tuổi tác, sức khỏe. Nguồn kinh phí hỗ trợ học nghề dù không nhiều, nhưng cũng góp phần san sẻ bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình trong khoảng thời gian học nghề, tìm việc mới. Anh chọn nghề lái xe bởi cho rằng, khả năng tìm được việc cao hơn sau khi học xong so với các nghề khác, đồng thời, cũng không mất quá nhiều thời gian theo học. Như vậy, rõ ràng nếu người lao động có nhu cầu học, lựa chọn nghề theo đúng khả năng và yêu cầu tuyển dụng, thì nguồn hỗ trợ này sẽ giúp ích được rất nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2015, số người nộp hồ sơ tại Trung tâm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 2.000 trường hợp, nhưng chỉ có 1 trường hợp quyết định nhận hỗ trợ học nghề. Trong 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 915 trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và có 2 trường hợp nhận hỗ trợ học nghề.

Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg được ban hành nhằm thay thế Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thay vì hỗ trợ tối đa cho mỗi khóa học nghề đến 3 tháng là 3 triệu đồng/người/khóa học, trên 3 tháng là 600 nghìn đồng/người/tháng, hiện nay, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với mức tối đa là 1 triệu đồng/người/ tháng.

Bà Thúy phân tích, đặc điểm của người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu là đã làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam với nhóm nghề chính là điện tử, may mặc... Khi trở về quê hương, những nghề này khó khăn để xin việc, bởi nhu cầu ít và các công ty may ở tỉnh ta thường tự đào tạo đội ngũ công nhân riêng. Mặt khác, tâm lý của người lao động là rất ngại chuyển nghề trong bối cảnh mặt bằng chung việc làm của tỉnh ta là “cầu” không đủ cho “cung”. Nghề lái xe được cả 3 trường hợp trên lựa chọn cũng là vì cơ hội có việc làm sau khi học nghề dễ dàng hơn, tốn ít thời gian học hơn. Bên cạnh đó, các lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai, có con nhỏ hoặc người lao động về quê theo nguyện vọng gia đình... Do đó, họ không có nhu cầu tìm việc mới hoặc chỉ thất nghiệp một thời gian, rồi sẽ đi nơi khác tìm việc.

Trong thời gian tới, để người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tiếp cận gần hơn với nguồn hỗ trợ học nghề, ông Nguyễn Viết Hữu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh khâu tư vấn, tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ, nắm kỹ về nội dung này thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động tại nhiều địa bàn trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt, tạm thời. Còn về lâu về dài, điều quan trọng nhất vẫn là cân đối nguồn cung-cầu lao động trên địa bàn tỉnh ta, bởi với một thị trường lao động kém hấp dẫn, đào tạo theo địa chỉ chưa phát triển mạnh, thì việc thuyết phục lao động học nghề luôn là một điều vô cùng khó khăn. Đồng thời, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nhắm đến đối tượng này cũng cần tích cực, linh hoạt và mạnh mẽ hơn.

Mai Nhân