.

Tai nạn giao thông: Những thông điệp buồn

Thứ Năm, 28/04/2016, 10:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại chương trình truyền hình "Kết nối cộng đồng - Vì an toàn giao thông" tổ chức vào tháng 2-2016, hầu hết khán giả đã không cầm nổi nước mắt khi người dẫn chương trình hỏi "Đây là cái Tết đầu các cháu vắng bố mẹ, tâm trạng của cháu như thế nào?", cậu bé mồ côi Nguyễn Ngọc Tuân (sinh năm 2008) mếu máo khóc òa lên "Cháu muốn ba mẹ cháu sống lại!". Điều ước ấy của Tuân cùng chị gái và em gái mãi mãi không bao giờ thành hiện thực khi tai nạn giao thông (TNGT) đã nhẫn tâm cướp đi cả ba lẫn mẹ của các cháu, để lại ba chị em côi cút sống cùng bà ngoại già yếu. Đó là những thông điệp rất buồn bắt nguồn từ TNGT.

Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày ba mẹ các cháu là anh Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1983) và chị Phạm Thị Phượng (sinh năm 1985), trú tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy bị tử vong trong vụ TNGT xảy ra vào ngày 29-1-2015, nhưng vẻ thất thần vẫn còn hằn in trên những gương mặt trẻ thơ và người mẹ già đã ngoài bảy mươi tuổi. Anh Nguyễn Ngọc Ánh, sau chuyến đi biển dài ngày vừa trở về nhà, vợ chồng, bố con ôm nhau mừng vui và lên kế hoạch đi sắm tết. Buổi chiều định mệnh ấy, hai vợ chồng anh chị đi chợ tết rồi mãi mãi không về.

Các trường tiểu học đang nỗ lực đưa thông điệp “Tham gia giao thông an toàn” đến với học sinh và các bậc phụ huynh trong toàn tỉnh.
Các trường tiểu học đang nỗ lực đưa thông điệp “Tham gia giao thông an toàn” đến với học sinh và các bậc phụ huynh trong toàn tỉnh.

Vụ tai nạn thương tâm khiến chỉ trong phút chốc, một gia đình ấm cúng gồm bố mẹ và ba đứa con là Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 2006), Nguyễn Ngọc Tuân (SN 2008) và Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 2010) lâm vào cảnh tang tóc. Ba đứa trẻ bơ vơ không biết bấu víu vào ai ngoài bà ngoại.

Ngoài sự thiếu thốn về cơm áo gạo tiền, một khoảng trống tâm hồn vĩnh viễn không thể lấp đầy trong lòng những người đang sống, nhất là đối với những đứa trẻ mồ côi. Và hơn một năm đã trôi qua, trong ký ức của những đứa trẻ, hình ảnh bố mẹ vẫn hằn in. "Cháu muốn ba mẹ cháu sống lại!", câu trả lời nghẹn ngào nước mắt của Nguyễn Ngọc Tuân, có lẽ là điều ước luôn thường trực trong trái tim cậu bé mồ côi.

Cũng trong chương trình, khán giả đã lặng đi khi nghe những lời tâm sự của chị Phạm Thị Sương (SN 1976 tại xã Gia Ninh, Quảng Ninh), người vợ, người mẹ đã mất chồng và con trong một vụ TNGT, hai người con còn lại bị thương nặng. Chị Sương nghẹn ngào kể: Đêm 10-7-2014, khi chị đang ở bệnh viện chăm người con trai cả là Phùng Phương Nam bị TNGT đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh thì chồng chị là anh Phùng Chí Cường chở các con là Phùng Thị Trang, Phùng Yến Nhi và cháu là Phạm An Toàn lên thăm anh trai. Thế rồi chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, gia đình chị nhận được hung tin: Anh Cường, cháu Nhi và Toàn tử vong tại chỗ, riêng Trang bị thương nặng...

Nỗi mất mát quá lớn khiến chị Sương sống như cái bóng trong ngôi nhà từng đầy ắp tiếng cười. Nhưng nén đau thương, chị vẫn phải tiếp tục sống để chăm lo cho hai con là Phùng Phương Nam và Phùng Thị Trang lúc này vẫn đang phải điều trị. Bên cạnh nỗi đau to lớn về tinh thần, cuộc sống gia đình chị Sương cũng lâm vào cảnh khó khăn khi tất cả tiền bạc phải dồn hết để chữa trị cho hai con. Gần hai năm đã trôi qua từ ngày ấy, nhưng nỗi kinh hoàng về vụ TNGT với những mất mát không gì bù đắp được vẫn ám ảnh trong tâm trí chị Sương...

Mới đây nhất, vào đầu năm 2016, trên đường đi chúc tết người thân, hai vợ chồng anh Biên và chị Bình (trú tại thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, Bố Trạch) đã bị TNGT. Vụ tai nạn khiến chị Bình tử vong, còn anh Biên bị xe cán gãy chân. Những ngày nằm viện, người thân vẫn giấu anh Biên việc chị Bình đã tử vong và động viên anh chữa trị.

Khi mẹ mất và bố đang điều trị ở bệnh viện, thì 4 người con, ngoài người con trai đầu đang tham gia nghĩa vụ quân sự, ba cháu bé còn lại, trong đó cháu bé nhất chỉ mới 11 tháng tuổi khát sữa mẹ phải đi bú nhờ hàng xóm. Gia đình vốn thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống đã khó khăn giờ lại chồng chất khó khăn. Quãng đường phía trước của người đàn ông góa vợ và tàn tật cùng những đứa con côi cút sẽ là một hành trình dài chất chứa những nhọc nhằn...

Anh Biên ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) với tương lai khó khăn phía trước vì TNGT
Anh Biên ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) với tương lai khó khăn phía trước vì TNGT.

Những thông điệp buồn từ TNGT còn là hậu quả lâu dài của bao cuộc đời. Anh Lê Văn Luyến (sinh năm 1973) tại xã Lý Trạch (Bố Trạch), một người đàn ông khỏe mạnh, là lao động chính của gia đình nhưng sau vụ tai nạn với vết thương nặng ở cột sống, anh đã nằm liệt giường. Mười năm qua, gia đình anh đã gom góp hết tiền bạc, tài sản, vay mượn của bà con, làng xóm để chữa bệnh nhưng đành bất lực. Anh Luyến trở thành người tàn tật, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người vợ và hai con nhỏ.

Ngày ngày vợ anh chạy chợ nuôi gia đình, các con anh tan học là vội vã về chăm sóc bố. Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 đã xuống cấp, anh Luyến gần như mất hết ý thức, chỉ còn ánh mắt là lóe lên chút niềm vui khi nghe tiếng cô con gái út là cháu Lê Thị Yến Nhi, học sinh lớp 5, tan học trở về nhà...

Sau những vụ tai nạn với hậu quả nặng nề là rất nhiều những điều "giá như". Giá như mình không uống bia rượu trước khi tham gia giao thông, giá như bạn đã không vội vàng, giá như mọi người nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông... Đó là những điều "giá như" quá đỗi muộn màng...

Những cuộc đời bất hạnh do hậu quả của TNGT cũng đã nhận được sự quan tâm chăm lo của các tổ chức và cá nhân hảo tâm nhằm làm vơi bớt những khó khăn. Nhưng thẳm sâu trong lòng họ, những nạn nhân của TNGT, là khoảng trống chẳng thể lấp đầy. Vợ mất chồng, bố mẹ mất con, những đứa trẻ mồ côi và bao số phận bất hạnh... là lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và mỗi ngày tham gia giao thông. Tuân thủ Luật Giao thông là con đường đúng đắn nhất để không còn phải tiếp nhận những thông điệp buồn từ TNGT. Xa hơn nữa, là góp phần ngăn chặn được những hệ lụy kéo theo như đói nghèo, bệnh tật, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và cộng đồng xã hội.

Hiền Mai