.

An toàn giao thông học đường: Bao giờ hết lo?

Thứ Năm, 24/03/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã từ lâu an toàn giao thông luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng của toàn xã hội. Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách mạnh mẽ và tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) về cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông xảy ra, số người chết và bị thương trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn đang ở mức báo động, trong đó, nạn nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên chiếm một con số không nhỏ. Điều này chứng tỏ, vấn nạn về vi phạm ATGT trong lứa tuổi học đường cho đến nay vẫn chưa thôi nhức nhối.

Đủ kiểu vi phạm

Cổng Trường tiểu học Đồng Phú (phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) giờ tan học bát nháo như “ong vỡ tổ”. Con đường vốn rộng rãi, thoáng đãng là thế bỗng dưng bị thu hẹp, nghẹt cứng bởi lượng người và xe. Vỉa hè rộng cũng được các phụ huynh “trưng dụng” làm nơi đỗ xe chờ đón con. Người đi ngang, người đi dọc, kẻ tiến, người lùi, khiến con đường chạy qua cổng trường ùn tắc khá lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông cũng như mỹ quan của khu vực.

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT đang ngày càng phổ biến.
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT đang ngày càng phổ biến.

Điều đáng nói là tình trạng này không phải diễn ra ngày một ngày hai mà là hầu như suốt năm học và không chỉ riêng Trường tiểu học Đồng Phú mà hầu như trường học nào cũng có chung tình trạng này.

Tại một số trường THPT trên địa bàn TP. Đồng Hới, cảnh tượng không ít học sinh “hồn nhiên” đi xe máy đến trường xuất hiện như “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ trong một thời gian ngắn “cắm chốt”, chúng tôi đã bắt gặp nhiều học sinh mặc đồng phục điều khiển xe gắn máy, thậm chí có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên phóng nhanh vượt ẩu.

Để tránh sự phát hiện của nhà trường, các em không gửi xe ở bãi giữ xe của nhà trường mà tấp vào các điểm giữ xe ở khu vực lân cận. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe có dung tích xi lanh từ dưới 50cm3. Còn với xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, người điều khiển phải có giấy phép lái xe và phải từ 18 tuổi trở lên mới được cấp.

Như vậy, ở độ tuổi học sinh THPT (thường chưa đủ tuổi 18), nếu chạy xe phân khối lớn là vi phạm Luật Giao thông. Biết là vậy nhưng nhiều học sinh vẫn “hồn nhiên” vi phạm và nhiều phụ huynh “ngó lơ” với quy định để “tiếp tay” cho con em mình vi phạm.

Đó là hai trong số nhan nhãn những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh, sinh viên mà chúng tôi đã được “mục sở thị”. Một thực tế đáng buồn là hiện nay tai nạn giao thông (TNGT) học đường đang là “thực trạng nóng” khiến không ít người lo lắng, bất an.

Khi lưu thông trên những tuyến đường có trường học mới thấy mối nguy hiểm về TNGT đang rình rập các em học sinh từng giờ, từng phút, nhất là vào giờ tan trường. Từng tốp học sinh dàn hàng hai, hàng ba thậm chí là hàng bốn đạp xe trên đường. Nhiều em thậm chí còn nô đùa, rượt đuổi nhau, lạng lách đánh võng khiến người đi đường không khỏi “thót tim”.

Thực trạng học sinh chưa đủ độ tuổi nhưng vẫn ngang nhiên đi xe máy; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe máy điện rồi đến việc nhiều phụ huynh đưa đón con đi học nhưng lại “quên” đội mũ bảo hiểm cho các em... vẫn diễn ra “như cơm bữa”.

Chính các bậc phụ huynh đang “tiếp tay” cho các em vi phạm pháp luật về ATGT.
Chính các bậc phụ huynh đang “tiếp tay” cho các em vi phạm pháp luật về ATGT.

Đây chính là những nguyên nhân khiến TNGT ngày càng gia tăng và hệ quả đau lòng là chính các em, những chủ nhân tương lai của đất nước phải gánh chịu. Theo số liệu từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, mỗi năm tỉnh ta có hàng trăm người chết và bị thương do TNGT, trong đó có nhiều vụ nạn nhân là các em nhỏ nằm trong độ tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Đừng xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”!

Trước “độ nóng” của thực trạng ATGT học đường, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành động cho các em học sinh. “Có thể khẳng định, hoạt động tuyên truyền ATGT học đường ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Riêng trong năm 2015, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã phối hợp với các trường tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ tại 8 trường học và 7 xã; 1 hội nghị tuyên truyền và lễ ra quân phong trào Thiếu niên bảo vệ ATGT đường sắt tại 1 trường học với 450 lượt học sinh, giáo viên tham dự...

Chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để góp phần cùng ngành Giáo dục tỉnh ta tạo nên một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các em. Và thực tế cho thấy nhận thức của các em đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các em học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông mà căn nguyên của vấn đề chính là ở nhận thức của học sinh và cả phụ huynh”, Trung tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh nhấn mạnh.

Chỉ lấy ví dụ đơn cử là thực trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi cũng đủ thấy trong khi nhà trường và các lực lượng chức năng tìm đủ mọi cách để hạn chế tình trạng này thì các em học sinh cũng tìm đủ kế và lý do để lách luật. Và chính các bậc phụ huynh lại đang “tiếp tay” cho con em mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khiến không ít giáo viên phải tặc lưỡi: “Có những trường hợp học sinh đi xe máy đến trường bị kiểm tra, xử lý, nhà trường phát hiện và thông báo đến phụ huynh. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh vẫn giao chìa khóa xe máy cho con mình”.

Một trong những nguyên nhân khác khiến tình trạng vi phạm pháp luật ATGT của các em học sinh, sinh viên luôn ở mức cao đó chính là kiểu tuyên truyền kém hiệu quả hiện nay. “Mặc dù nhiều đơn vị, trường học đã tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh nhưng lại quá nặng về hình thức khiến cho hiệu quả bị hạn chế.

Thậm chí ở nhiều trường tổ chức tuyên truyền cho học sinh và cả phụ huynh nhưng khi họ đến tham gia và “hồn nhiên” để xe lộn xộn, gây cản trở giao thông thì lại chẳng thấy ai nhắc nhở. Tuyên truyền chính là ở đó chứ ở đâu. Chả trách lâu nay, chuyện tuyên truyền pháp luật giao thông luôn rập khuôn theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, tuyên truyền đó rồi lại vi phạm đó”, Trung tá Từ Nhật Tú chia sẻ.

Rõ ràng, đối với giao thông học đường sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội, không chỉ được thể hiện bằng văn bản, khẩu hiệu, cam kết rồi đâu lại vào đó mà phải bằng hành động cụ thể, thực chất. Đây mới chính là “chìa khóa” để mở “nút thắt” khó gỡ bấy lâu nay đối với giao thông học đường.

Lấy ví dụ để thấy, trước đây, tại Trường THPT số 3 Bố Trạch tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra rất phổ biến, hầu như không ngày nào là không có trường hợp học sinh vi phạm với đủ kiểu vi phạm như đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng...

Ảnh 12 : Ùn tắc giao thông trước cổng trường đang là nỗi lo ngại của nhiều người.
Ùn tắc giao thông trước cổng trường đang là nỗi lo ngại của nhiều người.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh, đổi mới hoạt động tuyên truyền nên tình hình đã được cải thiện rõ rệt. “Nhà trường không chỉ đa dạng hoá các hoạt động ngoại khóa về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông mà còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền do các em làm chủ như thành lập nhóm tuyên truyền, câu lạc bộ tuyên truyền trong chi đội, chi đoàn, khu phố, cụm dân cư để cung cấp cho các em những kiến thức thiết thực về ATGT; thường xuyên tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về Luật Giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp các em có thói quen tốt tuân thủ luật mỗi khi ra đường.

Đặc biệt, chúng tôi đã đưa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trở thành một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh”, thầy Trần Ngọc An, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bố Trạch cho biết.

Thiết nghĩ nếu các trường học trên địa bàn tỉnh đều có những việc làm cụ thể, thiết thực như Trường THPT số 3 Bố Trạch thì tình hình ATGT học đường sẽ có những chuyển biến tích cực và nỗi lo TNGT rình rập lứa tuổi học đường chắc chắn sẽ vơi đi đáng kể.

Năm 2015, toàn tỉnh ta xảy ra 259 vụ TNGT, làm chết 119 người, làm bị thương 244 người, trong đó có 13 trường hợp gây tai nạn dưới 18 tuổi.

Trong khoảng thời gian từ 16-11-2015 đến 8-3-2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 76 vụ, làm chết 48 người, bị thương 56 người; trong đó có 2 trường hợp gây tai nạn dưới 18 tuổi. Những con số này đang phản ánh một thực tế đáng lo ngại là độ tuổi vi phạm pháp luật về ATGT đang ngày càng trẻ hóa và hơn nữa có xu hướng tăng dần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ATGT học đường đã thực sự trở thành “vấn nạn”.

Tâm An