.

Sống thấp thỏm bên sông

Thứ Ba, 19/01/2016, 09:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Thượng, xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo vì tình trạng sạt lở đất ngày một nghiêm trọng. Chỉ mới trong vòng hơn chục năm mà đã có gần 80m đất bị sông “ngoạm”, nếu không được khắc phục kịp thời thì nhà cửa của người dân trong thôn có thể bị dòng nước sông Gianh cuốn phăng bất cứ lúc nào nhất là mỗi khi mưa lũ tràn về...

Sông “ngoạm”

Thôn Tân Thượng, xã Quảng Hải có 115 hộ dân, trong đó gần 40 hộ dân đang phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất. Vị trí của thôn nằm ngay chính giữa ngã ba hai nhánh sông Gianh nên cứ vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn đổ về là tấp thẳng vào thôn Tân Thượng gây sạt lở.

Ảnh 13 : Ở ngay ngã ba sông nên thôn Tân Thượng (Quảng Hải) là nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất.
Ở ngay ngã ba sông nên thôn Tân Thượng (Quảng Hải) là nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất.

Những người dân ở thôn Tân Thượng cho biết, vị trí giữa sông bây giờ khoảng mười năm trước đây là ruộng lúa và nhà ở của người dân trong thôn. Nay vị trí đó đã cách bờ gần 80m, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất vườn của người dân đã bị cuốn trôi. Ông Phạm Trung, ở thôn Tân Thượng cho biết, không có năm nào mà đất đai của dân không bị sông “ngoạm”, chỗ sạt lở sâu nhất tầm 7m, chỗ ít nhất cũng phải hơn 3m.

“Dân ở đây rất hoang mang và lo lắng. Mới mấy năm thôi mà bờ sông đã vào ngay trước mặt. Chẳng mấy chốc mà vào đến mép nhà”, ông Trung nói. Mấy năm trước người dân đã tổ chức trồng những hàng cây bạch đàn ngay mép sông để gia cố đất thì nay rất nhiều cây đã bị nước cuốn trôi. Nhiều gốc cây chỉ còn bám một vài rễ trên bờ, còn lại bị nước ăn vào tận gốc.

Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết, đã có gần 60 hộ dân ở thôn Tân Thượng di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. So với các thôn khác trong xã thì đây là thôn khó khăn nhất, vì bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất nên người dân không có đất nông nghiệp để sản xuất. Phần lớn đất sản xuất của người dân đều là đấu thầu đất 5% của xã, chủ yếu để trồng các loại rau màu như ngô, sắn, đậu và mía.

Cần một tuyến kè

Ông Ngọc cho biết thêm, tình trạng sạt lở đất ở thôn Tân Thượng đã xảy ra từ lâu, nhưng khoảng chục năm trở lại đây thì tốc độ sạt lở nhanh chóng mặt. Xã Quảng Hải có ba mặt đều giáp sông Gianh và cả ba mặt đều bị sạt lở nhưng tình trạng sạt lở ở thôn Tân Thượng là nghiêm trọng nhất. Nếu tính từ khi bắt đầu xảy ra sạt lở cho đến nay thì thôn Tân Thượng đã bị sông "ngoạm" vào hàng trăm mét. Vì muốn bám trụ với mảnh đất mà gia đình đã gắn bó nên nhiều hộ dân đã phải dời nhà ở đến ba bốn lần để tránh sạt lở. Năm nào lũ to, họ lại dọn dẹp đồ đạc lên trụ sở UBND xã để lánh nạn.

Ảnh 14 : Bờ kè được xây dựng cách đây gần 3 năm đã bị nước đánh vỡ từng mảng.
Bờ kè được xây dựng cách đây gần 3 năm đã bị nước đánh vỡ từng mảng.

“Nhà cửa của rất nhiều hộ dân ở đây chỉ còn cách mép sông vài ba chục mét. Nếu không có biện pháp xây kè chắn kịp thời thì chỉ trong vài năm nữa bờ sông sẽ lấn vào những nhà này”, ông Ngọc chia sẻ. Hiện tại, rất nhiều hộ dân ở thôn Tân Thượng cần di dời đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn nhưng việc giải quyết đất ở cho dân rất khó, bởi quỹ đất của xã không đủ. Mặt khác, đời sống của những hộ dân này cũng rất khó khăn nên việc xây dựng lại nhà cửa cũng không hề dễ dàng. Việc cần thiết nhất lúc này là xây kè chắn chống sạt lở ven sông để bảo vệ đất đai, ổn định cuộc sống cho người dân.

Cách đây gần 3 năm, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một đoạn kè bằng bê tông khoảng 300m để hạn chế sạt lở, nhưng hiện nay đoạn kè này cũng đã bị nước phá vỡ nhiều chỗ. Trong khi, diện tích sạt lở cần được xây kè thì còn rất nhiều. Hầu như năm nào vào các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thôn Tân Thượng cũng bày tỏ mong muốn được tỉnh, huyện tạo điều kiện để xây kè chống sạt lở.

Ông Ngọc cho hay, cách đây mấy tháng đã có đoàn kiểm tra của các sở, ngành trong tỉnh về khảo sát thực tế tại thôn Tân Thượng. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, để hoàn thiện tuyến kè chống sạt lở phải mất gần 140 tỷ đồng. “Để có nguồn kinh phí xây dựng tuyến kè là rất khó nên xã đã gửi tờ trình xin làm một đoạn kè ở giữa tuyến-nơi sạt lở nghiêm trọng nhất”, ông Ngọc nói.

Hiện tại, người dân thôn Tân Thượng, xã Quảng Hải rất mong muốn sớm được hỗ trợ xây kè chống sạt lở nhằm ổn định cuộc sống. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm của tỉnh, huyện và các ngành chức năng.

L.C